Ba yếu tố căn bản của đường đạo – Đặc Điểm Bất Cộng [riêng biệt] của Quan Điểm Trung Quán Ứng Thành – W12

Tuần 12: Đặc Điểm Bất Cộng [riêng biệt] của Quan Điểm Trung Quán Ứng Thành

[13] Hơn nữa, hiện tướng bài phá hữu biên (thái cực của sự hiện hữu),
Và tính không bài phá vô biên (thái cực của sự không hiện hữu)
Nếu chứng ngộ được cách tánh không trình hiện theo cách thức nhân và quả.
Thì sẽ không bị lôi cuốn bởi các ý niệm bám chấp biên kiến (quan điểm cực đoan).

 

Những câu kệ mà chúng ta sẽ đi qua là một trong những câu kệ có uy lực nhất do Lama Tsongkhapa trước tác. Tôi muốn đi suốt hết những câu thi kệ này với vài ví dụ để chúng ta có thể dễ dàng hiểu được. Có thể tôi đã đưa ra ví dụ này trước đây trong một số buổi học nhưng tôi chỉ muốn nói lại để làm rõ hơn.

Khi chúng ta kết hợp hai sự việc với nhau – sự việc thứ nhất là cuộc đời của chúng ta rất ngắn, cực kỳ ngắn ngủi, sự việc thứ hai là thường phần lớn chúng sinh bình thường bị phân tâm quá nhiều bởi hình tướng hoặc bị làn sóng của những thứ thế tục cuốn đi – thì chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào những gì chúng ta thấy, những gì chúng ta nghe, những gì chúng ta nếm trải với những thứ thế tục. Hạnh phúc và đau khổ của chúng ta cũng dựa quá nhiều vào các hiện tượng, bầu không khí và hoàn cảnh bên ngoài và chúng ta nghĩ rằng những điều kiện và hoàn cảnh đó rất thực như nó trình hiện với chúng ta. Đó là lý do tại sao ở trong thứ làn sóng này chúng ta thực sự  bị kiểm soát [điều khiển], cách chúng ta suy nghĩ và cách tình huống đó trình hiện với chúng ta.

Với những câu thi kệ mà chúng ta sẽ đi qua, chúng ta có thể sẽ hiểu rằng hình tướng chỉ là một hiện tướng, không nhất thiết phải là đúng thật, hoặc chỉ là vẻ bề ngoài đã được phản chiếu bởi chính tâm của bạn. Sự vật trình hiện với bạn không có nghĩa là sự vật tồn tại [hiện hữu] theo cách nó trình hiện với bạn. Để tôi đưa ra vài ví dụ để điều đó có thể có ý nghĩa hơn.

Khi nhìn lên bầu trời, chúng ta thấy màu xanh, khi nhìn vào mặt hồ hoặc mặt biển, chúng ta cũng thấy một màu xanh, và chúng ta rất tin tưởng và thấy nó thực sự tồn tại bởi chính nó. Nhưng nếu nhìn kỹ, nếu cố gắng đi lên trên bầu trời ở đó và cố gắng tìm xem có thực sự có màu xanh hay không, thì bạn có thể không tìm thấy màu xanh như vậy ở trên đó, cho dù bạn đi bao xa trên bầu trời.  Nếu nhìn gần mặt nước, nếu càng nhìn gần mặt nước hơn, thì màu xanh đó sẽ biến mất. Càng đến gần mặt nước, nếu càng tiến lại gần mặt nước hơn, sẽ có lúc bạn không còn nhìn thấy màu xanh nữa. Tuy nhiên, từ xa, nó trông giống và xuất hiện màu xanh đó dù đó là bầu trời hay mặt  hồ hay mặt nước. Nhưng chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi màu sắc đó đến mức chúng ta nhìn thấy từ xa và bạn thấy nó rất thật như nó tồn tại bởi chính nó.Trong thực tế, chúng ta nhìn vào mặt hồ, bản thân hồ không có màu xanh như vậy, đó chỉ là ánh phản chiếu mà khi đến gần hơn, bạn có thể không nhìn thấy sự phản chiếu đó. Nếu bạn lấy nước ra và cố gắng nhìn thật kỹ, sẽ không có màu xanh trong đó hoặc có thể không trình hiện đối với mắt của bạn. Tuy nhiên, những gì chúng ta nhìn thấy vẫn rất thật và cũng là màu xanh đối với mắt chúng ta, nó trình hiện như là một màu xanh. Nhưng có nhiều sinh vật mà màu xanh không trình hiện đối với mắt của chúng. Có rất nhiều loài động vật và sinh vật không nhìn thấy màu sắc này nhiều, chúng chỉ nhìn thấy có vài màu sắc, chúng ta có thể gọi đó là mù màu, nhưng đó là những gì chúng nhìn thấy. Chúng ta không thể nói rằng những gì chúng nhìn thấy là sai, nếu không, thì những gì chúng ta nhìn thấy cũng có thể sai. Giả sử mắt của chúng ta có thể nhìn thấy một ngàn màu sắc, chẳng hạn, hoặc giả sử nếu tôi nhìn thấy trăm màu sắc nhưng có thể có một số con mắt khác, một số người khác nhìn thấy hơn trăm màu. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng mắt của chúng ta bị nhầm lẫn, chỉ vì một số người khác có thể nhìn thấy nhiều màu sắc hơn chúng ta hay sao? Không khó để nói rằng, chẳng hạn, những con bò hoặc một số loài động vật chúng nhìn thấy sự vật rất hạn chế về màu sắc, nhưng chúng ta vẫn không thể nói những gì chúng nhìn thấy là sai. Lập luận tương tự áp dụng với những gì mọi người nhìn thấy.

Nhiều bản văn Phật giáo, nói rằng khi chúng ta nhìn vào ly nước, chúng ta thấy có nước trong đó, nhưng do nghiệp lực, khi chư Thiên – những chúng sinh bậc cao, bậc cao nhất – khi họ nhìn vào cùng ly nước mà họ đang cầm trên tay, họ thấy đó là cam lồ, họ không thấy đó chỉ là nước, họ thấy nước cam lồ trong đó. Cùng thứ nước mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt của mình, họ thấy đó như là cam lồ. Một số chúng sinh, giả sử là loài qủy đói, khi họ nhìn vào cùng một ly nước, những gì họ thấy là máu và toàn bộ là mủ bên trong ly nước. Vì vậy, ba loại chúng sinh khác nhau nhìn thấy khác nhau và tất cả đều là thật. Chúng ta nhìn thấy nước và đó là đúng thật, đó là nước, các chư Thiên nhìn thấy cam lồ và đó cũng đúng thật, đó là cam lồ, vì vậy những loài quỷ đói thấy đó như một thứ máu, đó cũng đúng thực là máu, điều này cho thấy rõ ràng là sự vật không tồn tại bởi chính nó mà đúng hơn là mọi thứ chỉ được gán đặt cho, được tạo ra bởi tâm thức. Đó là tâm thức, do tâm thức mà chúng ta thấy một cách khác nhau cho nên sự vật không tồn tại bởi chính nó mà không phụ thuộc vào các đặc tính của nó hoặc tâm thức nhận thức nó.

Vì vậy, trong cuộc đời rất ngắn ngủi này, giống như chúng ta bị cơn lũ tham luyến hoặc ác cảm đối với những thứ trình hiện tốt đẹp với chúng ta và không trình hiện tốt đẹp với chúng ta cuốn đi. Chúng ta thực sự đang ở trên dòng chảy của những cơn sóng, chúng ta đang ở trên những cơn sóng, chúng ta đang ở trên dòng lũ. Chúng ta không có sự kiểm soát tâm thức đang chạy như dòng lũ bởi những thứ có vẻ tốt với chúng ta và bởi những thứ có vẻ không tốt với chúng ta. Đó là thứ điều khiển chúng ta và mang đến cho chúng ta tất cả những đau đớn và nỗi khổ. Sự quyến luyến đối với những thứ mà chúng ta thích, những thứ có vẻ tốt đẹp với chúng ta, và ác cảm hoặc sân giận hoặc cảm giác không thoải mái vì một số hình tướng xa ​​lạ, hình tướng bất thiện, nhưng cả hai đều không đúng thực. Nếu sự vật trình hiện tốt đẹp với chúng ta cũng không đúng thực, chúng ta không thể nhìn thấy thực tế của điều đó, nếu điều đó trình hiện một cách sai trái với chúng ta, nó lại cũng không đúng thực. Trừ khi chúng ta tịnh hóa tâm thức của chính mình, bất cứ điều gì chúng ta thấy, bất cứ điều gì trình hiện với chúng ta, đều không phải là đúng thực. Chúng ta không thể nhìn thấy hoặc chúng ta không thể nhận thức được như là sự vật thực sự tồn tại bởi vì tâm chúng ta không thanh tịnh để nhìn thấy những điều đó, tâm ta không có khả năng nhìn thấy bản chất thực của các hiện tượng, nên đó là lý do tại sao khi chúng ta thấy điều gì không đúng, nó luôn phóng đại về hai thái cực, nếu chúng ta thích thì chúng ta thấy nó quá tốt, nếu không thích, chúng ta thấy quá tệ. Đó là tình trạng của tâm chúng ta, khi chúng ta không thể nhìn thấy bản chất thực của các hiện tượng, chúng ta luôn phóng đại lên.

Nếu kẻ thù của hôm qua trở thành bạn của ngày hôm nay, thì hôm nay bạn thấy người đó thật tốt và thật dễ thương khi trở thành một người bạn, trong khi ngày hôm qua bạn đã từng thấy quá tệ. Vì vậy, kẻ thù mà bạn đã xem là rất xấu ngày hôm qua cũng không xấu vào ngày hôm qua, và người mà xem là bạn ngày hôm nay cũng không quá tốt như bạn thấy hôm nay. Nhưng cả hai điều đó chỉ là do cách bạn nhìn, đó là lý do tại sao chúng ta bị điều khiển bởi sự vô minh luôn phóng đại khiến chúng ta không nhìn thấy sự thật. Khi chúng ta không nhìn thấy thực tế, khi chúng ta rơi vào một thái cực, hoặc khi chúng ta thích điều chúng ta thấy quá tốt, khi chúng ta không thích điều chúng ta thấy quá xấu. Khi chúng ta thấy tốt quá thì sinh lòng bám chấp, rồi tham lam, rồi ghen tị. Khi chúng ta không thích điều gì, thì ác cảm, sân giận, ghét bỏ; và dựa vào đó, bản ngã xảy ra sau đó. Vì vậy, chúng ta đang ở trong một cách như vậy, chúng ta đang ở trong một dòng chảy như vậy hoặc chúng ta bị thúc đẩy bởi một dòng chảy của vô minh và các kết quả như vậy.

Mặc dù cuộc đời chúng ta đang sống rất ngắn ngủi, nhưng chúng ta lại bị vô minh và những cảm xúc tiêu cực này kiểm soát rất nhiều. Để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực này, chúng ta phải loại bỏ sự phóng đại. Để thoát khỏi sự phóng đại, chúng ta phải loại bỏ sự vô minh này. Một cách duy nhất để thoát khỏi sự vô minh này là nhìn thấy bản chất thực của các hiện tượng, đó là lý do tại sao trong Tâm Kinh nói rằng ‘Sắc tức là không, không tức là sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc’.

Ý nghĩa hoàn toàn giống như những câu thi kệ mà chúng ta phải đi qua ngày hôm nay. Bởi vì sự rỗng không, bởi vì sự vật vốn dĩ không tồn tại, bởi vì sự vật không tồn tại bởi chính nó mà không phụ thuộc vào những người khác, sự thay đổi có thể diễn ra, bởi vì đó là sự phụ thuộc lẫn nhau, dựa vào các nhân duyên. Khi dựa vào các nhân duyên, thì các nhân có thể làm thay đổi. Khi các duyên phát sinh và nhân ở đó, thì sự thay đổi có thể diễn ra. Vì vậy, tư tưởng cực đoan hoặc quan điểm cho rằng, ‘nếu nó vốn dĩ không tồn tại, thì nó sẽ không tồn tại’, cho nên quan điểm đó có thể bị loại bỏ bằng cách hiểu này. Và một tà kiến khác, một cực đoan chúng ta nói rằng ‘mọi thứ vốn dĩ là tồn tại’, có thể bị loại bỏ bằng cách hiểu về luật nhân quả hay sự phụ thuộc lẫn nhau. Bởi vì mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau, không có chuyện nó vốn dĩ tồn tại. Bởi vì nếu nó vốn dĩ tồn tại, thì không có sự thay đổi nào có thể xảy ra. Các nhân duyên sẽ không thể thay đổi nó, bởi vì nó vốn dĩ tồn tại mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì khác, thì sẽ không có sự thay đổi nào xảy ra.

Vì lẽ đó, không có gì vốn dĩ tồn tại. Quan điểm sai lầm [tà kiến] cho rằng mọi thứ đều vốn dĩ tồn tại có thể bị loại bỏ với hiểu biết về sự phụ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do tại sao quan điểm về trải nghiệm phụ thuộc lẫn nhau và quan điểm về tính không, hai quan điểm này có thể loại bỏ hai tà kiến này – là hai quan điểm cực đoan cho rằng ‘không có gì tồn tại’ hoặc ‘sự vật vốn dĩ tồn tại’. Do rỗng không, nên mọi thứ tồn tại, bản chất hoặc tồn tại sự phụ thuộc lẫn nhau diễn ra, hoặc mọi thứ tồn tại theo một cách quy ước. Mặc dù nó vốn dĩ không tồn tại, nhưng nó tồn tại theo một cách quy ước. Vì vậy, đó là lý do tại sao những câu thi kệ mà chúng ta sẽ đi qua hôm nay nói đến. Và cũng với hiểu biết này, chúng ta biết rằng dù đúng hay sai, bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống đều do rất nhiều nhân duyên. Chúng ta có ý tưởng này hoặc như khi có điều gì xảy ra, chúng ta nói “Ô là do điều này, là do điều kia”. Ngay cả trong một mối quan hệ, chúng ta luôn có ý nghĩ rằng đó phải là lỗi của một cá nhân cụ thể và chúng ta cũng nói “Ồ, đây là một sai lầm, đó là một sai lầm”. Khi bạn nghĩ về bản chất của sự phụ thuộc lẫn nhau, bản thân nó không có gì là sai, vốn dĩ không có gì sai hoặc đúng. Mọi thứ phụ thuộc vào rất nhiều nhân duyên. Ngọt hay chua là do rất nhiều nhân duyên, bởi vì bất cứ thứ gì trình hiện với chúng ta, cho dù là ngọt hay chua, cũng là do nghiệp của chính chúng ta, đó là nguyên nhân và kế đó là duyên do bất kể nó là gì.

Giống như con người nhìn thấy một ly nước, nhưng chư Thiên, họ nhìn thấy cam lồ. Cả hai đều đúng, bởi vì không có gì tồn tại bởi chính nó, không có gì vốn dĩ tồn tại. Vì vậy, mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau. Những gì chúng ta nhìn thấy tùy thuộc vào tâm nhận thức nó.  Hãy xem những câu thi kệ hôm nay nói:

Hơn nữa, hiện tướng bài phá hữu biên (thái cực của sự hiện hữu),
Và tính không bài phá vô biên (thái cực của sự không hiện hữu)
Nếu chứng ngộ được cách tánh không trình hiện theo cách thức nhân và quả.
Thì sẽ không bị lôi cuốn bởi các ý niệm bám chấp biên kiến (quan điểm cực đoan).

Dòng 1: Hơn nữa, hiện tướng bài phá hữu biên (thái cực của sự hiện hữu),

Ở đây, ‘hiện tướng’ có nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau, khi bạn hiểu rằng mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau, khi đó sẽ giúp bạn loại bỏ một thái cực của sự tồn tại – sự tồn tại vốn có. Do đó là hiện tướng hoặc do đó là sự phụ thuộc lẫn nhau, nên bạn hiểu hoặc bạn sẽ có thể loại bỏ tà kiến về sự vốn dĩ tồn tại, bởi vì đó là sự phụ thuộc lẫn nhau, không có phạm vi cho sự tồn tại vốn có hoặc sự tồn tại mà không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì.

Dòng 2: Và tính không bài phá vô biên (thái cực của sự không hiện hữu)

Vì là tính không – có nghĩa là bởi vì sự tồn tại vốn có rỗng không, nó không tồn tại, luật nhân quả tồn tại ở mức độ quy ước. Khi bạn hiểu rằng nó tồn tại ở mức độ quy ước, bạn sẽ hiểu rằng nó phụ thuộc vào nhân quả. Khi phụ thuộc vào nhân quả, bạn hiểu sự được tồn tại của nhân quả. Khi bạn hiểu sự tồn tại của nhân quả, bạn biết vạn vật đều tồn tại ở mức độ quy ước. Khi bạn hiểu điều đó, thì bạn sẽ có thể loại bỏ thái cực của sự không tồn tại nói rằng nếu nó không tồn tại vốn có, thì không có gì tồn tại. Nhưng, vạn vật tồn tại bởi vì sự tồn tại vốn có là rỗng không.

Dòng 3 và 4:

Nếu chứng ngộ được cách tánh không trình hiện theo cách thức nhân và quả.
Thì sẽ không bị lôi cuốn bởi các ý niệm bám chấp biên kiến (quan điểm cực đoan).

Khi bạn hiểu hoặc nhận ra tính không, nó đi theo cách với nhân và quả, bởi vì tính không có nghĩa là vì sự tồn tại vốn có rỗng không, không có gì tồn tại vốn có. Đó là lý do tại sao mọi thứ thay đổi, đó là lý do tại sao các nhân có thể tạo ra những thay đổi và mang lại kết quả. Quả là do nhân và duyên. Hai điều này đi cùng với nhau bởi vì sự tồn tại vốn có là rỗng không, nên mọi thứ có thể thay đổi vì mọi thứ không cố định, vì vậy đó là lý do tại sao mọi thứ có thể thay đổi. Khi bạn biết hai điều này song hành với nhau, thì bạn sẽ không bị điều khiển bởi những tà kiến của tất cả các quan điểm cực đoan rằng ‘Sự vật là rỗng không của sự tồn tại vốn có, thì sự vật không tồn tại’ – một quan điểm thật sai lầm; và kế tiếp ‘Mọi thứ đều tồn tại, đó là lý do tại sao nó vốn dĩ tồn tại’ – một quan điểm thật sai lầm.

Do đó hiểu rằng nếu bạn có thể đọc đi đọc lại bản văn này sẽ thực sự rất tốt, đọc hết những điều này và cố gắng hiểu đi hiểu lại ý nghĩa của nó để bạn có thể ngày càng gần hơn với quan điểm về tính không. Khi bạn tiến gần hơn tới quan điểm về tính không sẽ thực sự  giúp bạn xóa bỏ những tà kiến mà từ đó tạo ra hoặc phát triển sự phóng đại. Phát triển sự phóng đại bởi vì chúng ta dính mắc vào những thứ mà chúng ta thích, hoặc chúng ta không thoải mái, tức giận với những thứ mà chúng ta không hài lòng hoặc chúng ta không thích, khiến chúng ta hướng đến những hoạt động sai lầm của thân, tâm và khẩu.

Bằng cách loại bỏ điều đó, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ nhân của tất cả những đau khổ mà chúng ta không mong muốn và chúng ta có thể cảm thấy tâm của mình với những hạt giống [chủng tử] qua việc tham gia vào những thiện hành [hành động tích cực] mọi lúc. Khi chúng ta không bị kiểm soát bởi vô minh, sân giận, ghen ghét, đố kỵ, cố chấp, kiêu căng, tham lam – tất cả những cảm xúc tiêu cực, thì không có động lực làm điều gì sai trái. Vì vậy, chúng ta sẽ không làm bất cứ điều gì sai trái với thân, tâm và khẩu của mình.

Khi chúng ta không làm điều gì sai trái, thì không có nhân của đau khổ, thì chúng ta sẽ không đau khổ. Giống như nếu chúng ta chặt gốc cây có độc, thì sẽ không có cành cây độc, sẽ không mọc lá cây độc nữa, rồi quả độc sẽ không phát triển nữa. Sau đó sẽ không có bệnh tật hoặc không có đau khổ khi cây độc dược biến mất hoặc không có chủng tử tồn tại.

Trả lời câu hỏi

1) Lama, chúng ta nên xem, ví dụ, Covid là sự thật hay chỉ là hiện tượng quy ước? Đúng vậy, Covid chính thực là quy ước, mỗi một hiện tượng đều chính là quy ước, lý do Covid không phải vốn dĩ là sự tồn tại, Covid là kết quả của những cảm xúc tiêu cực của chính chúng ta, Covid là kết quả của một cộng nghiệp mà tất cả chúng ta đã tham gia. Bởi vì nó là do một số nguyên nhân, nó không tồn tại bởi chính nó mà không phụ thuộc vào những nguyên nhân khác, phụ thuộc vào những nhân của cộng nghiệp, đó là lý do tại sao nó xảy ra.

Người tạo ra nó, chỉ là một duyên [điều kiện]. Nếu tất cả chúng ta không có nghiệp quả phải chịu đựng Covid, thì chúng ta sẽ không phải chịu đựng nó, dù chỉ một người tạo ra nó. Bạn thấy điều đó thực sự kỳ lạ, một người có thể sống trong cùng một căn phòng, cùng một nơi chốn, ở cùng một nơi nhưng một số người bị nhiễm và một số người không bị nhiễm, phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm người đó mắc bệnh, khi nghiệp của bạn chín muồi, thì bạn sẽ vướng bệnh, khi nghiệp của bạn chưa chín muồi, bạn sẽ không mắc bệnh. Nếu bạn không có nghiệp, bạn sẽ không có bệnh. Nếu bạn có nghiệp, bạn sẽ có bệnh. Nhưng nếu bạn có nghiệp, thì bạn sẽ không mắc bệnh trừ khi nghiệp hoặc nhân gặp một điều kiện. Bị lây nhiễm bởi Covid chỉ là một điều kiện, nếu bạn có nhân, nếu bạn có nghiệp bị nhiễm Covid, nếu bạn không bao giờ đi đâu đó, nếu bạn trốn vào trong một ngọn núi nào đó chỉ một mình bạn thì không có cách nào bạn có thể nhiễm Covid bởi vì bạn không để cho hạt giống dính vào, đến gần hơi ẩm hoặc nước. Hạt giống tự nó không phát triển trừ khi nó đi kèm với điều kiện. Vì vậy, khi bạn có một chủng tử, bạn phải có một điều kiện. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta cũng có nhân mắc phải Covid, đó chỉ là chưa đến lúc chín muồi, hoặc chúng ta chưa gặp điều kiện như vậy mà qua đó nghiệp ấy chín muồi.

Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta ở cùng với một người nhiễm Covid, rất có thể chúng ta cũng mắc bệnh đó, giống như 99% là chúng ta sẽ mắc phải, nhưng đây chỉ là do chúng ta có nghiệp đó. Giả sử, Đức Phật xuất hiện là bác sĩ và làm việc trong bệnh viện, có thể Đức Phật không nhiễm bệnh, đơn giản vì Đức Phật đã tiêu trừ hết nghiệp xấu. Khi chúng ta có nghiệp xấu, giả sử chúng ta là bác sĩ và chúng ta không trang bị gì cả, rồi chúng ta bắt đầu điều trị cho bệnh nhân, chúng ta chắc chắn sẽ nhiễm. Do nghiệp của chúng ta, từ vô thủy, chúng ta đều có ác nghiệp, chúng ta đã làm khá nhiều điều xấu. Chúng ta sân giận, ghen tị, đố kỵ, cố chấp, tham lam, kiêu hãnh… tất cả những điều này và do bị kiểm soát bởi những cảm xúc tiêu cực đó, chúng ta đã làm khá nhiều điều tồi tệ trong những tiền kiếp của mình.

Để thoát khỏi những nghiệp đó, có hai cách: hoặc bạn tịnh hóa hoặc bạn trải nghiệm kết quả. Nếu bạn trải nghiệm kết quả khi bạn là một con người, từ một khía cạnh, bạn nên vui mừng vì bây giờ bạn không phải đau khổ vì nghiệp đó – Trong kiếp sau, có thể chúng ta sinh ra làm một động vật nào đó, có thể sẽ khó khăn hơn cho chúng ta khó thoát khỏi điều đó. Nếu chúng ta trải nghiệm quả bây giờ, khi chúng ta là con người, chúng ta có điều kiện, chúng ta biết mình phải làm gì, chúng ta biết cách quan tâm và chúng ta có thể tiêu trừ nghiệp chướng đó.

Vì vậy, nhiều người trong số các hành giả vĩ đại, họ hoan hỉ, họ vui mừng khi họ bị ốm đau, khi họ gặp lúc khó khăn, khi họ là con người vì dễ dàng đối phó với vấn đề hơn khi chúng ta là con người, tất cả chúng ta ngày nào cũng đều có nghiệp xấu, nên chúng ta dễ dàng thoát khỏi hơn vì chúng ta có thuốc men, chúng ta có sự chăm sóc và nhiều điều kiện tốt khi làm người.

Nói chung, tất cả bệnh tật, mỗi một sự việc xảy ra trên con đường của chúng ta, chúng ta đều không cảm ơn hoặc chúng ta không hài lòng với những sự việc đó. Bất kỳ đau khổ nào cũng đều là do nghiệp, tất cả đều chỉ là sự tồn tại theo quy ước, không phải là sự tồn tại vốn có, tất cả đều là không – rỗng không của sự tồn tại vốn có. Nói tóm lại, mỗi và một hiện tượng, bất cứ điều gì bạn thấy, nghe, cảm thấy, nếm hoặc trải nghiệm, mọi thứ đều là rỗng không.

Nếu bạn có thêm nghi ngờ hoặc bất cứ điều gì khác liên quan đến tính không, hãy thu thập hôm nay, điều đó rất tốt, bởi vì nhiều người, họ có một số những quan niệm sai lầm về tính không, họ nghĩ rằng tính không như “OK không có gì tồn tại”, họ nói sắc là không, không có mắt, không có tai và tất cả những thứ này, mọi thứ đều không có như là không tồn tại. Như vậy là hơi cực đoan, tất nhiên có mắt, có mũi. Các bạn đều nói không có hạnh phúc, không có Phật, vậy thì tại sao chúng ta cần thực hành, không có hạnh phúc thì tại sao chúng ta phải cố gắng. Với cái nhìn đó thì không có lương, người ta sẽ không đi và làm việc. Mọi thứ tồn tại ở một mức độ quy ước, không phải vốn có mà là theo quy ước. Vì vậy, đó là sự khác biệt mà người ta có thể có ý niệm đúng đắn về điều này.

2) Chúng ta nói rằng mắt, tai, miệng và mũi … là con thuyền đi đến luân hồi, bởi vì khi chúng ta mở mắt ra, chúng ta thấy mọi thứ và chúng ta bị dính mắc. Nhưng cũng có thể dùng cả năm giác quan để thực hành, nghĩa là chúng ta dùng mắt nhưng thay vì đi vào luân hồi, thì ngược lại đi đến niết bàn? Chúng ta có năm giác quan, chúng ta có bộ não tuyệt vời của con người, thời gian tuyệt vời, sự hiểu biết đúng đắn về pháp. Giống như khi bạn có một triệu đô la, bạn có thể sử dụng vào tất cả những việc tốt nhất, bạn có thể sử dụng vào điều gì tích cực; hoàn toàn là nằm trong tay bạn, cho dù bạn sử dụng điều gì tích cực hay tiêu cực.

Vì vậy, sự tái sinh làm người hoàn toàn tùy thuộc vào bạn cho dù bạn sử dụng nó một cách tích cực hay tiêu cực, bạn có cơ hội tuyệt vời, kỳ diệu này. Trong nhiều kinh điển, sự tái sinh làm người đã được giải thích như một con thuyền kỳ diệu, thân thể con người giống như một chiếc thuyền hay một con tàu, qua đó bạn có thể ra khỏi luân hồi, bạn có thể thực sự đến bến bờ bên kia của niết bàn. Ví dụ, cơ thể vật chất này, thay vì sử dụng vào việc mang lại hoặc kiếm lấy của cải, danh vọng, tất cả những thứ của thế tục, thành tựu của thế tục này, nếu bạn có thể sử dụng nó để thực hành thì đó là cơ hội tuyệt vời qua đó bạn có thể thực hành tất cả những điều tốt. Lời nói, thay vì sử dụng lời nói đó vào tất cả những điều thế tục, bạn có thể sử dụng lời nói đó để cầu nguyện, đọc thần chú, giúp đỡ người khác, khuyên bảo, giảng dạy. Cũng chính xác như vậy, nhĩ thức, thay vì dùng để nghe tất cả những điều thế tục, nghe người khác đi mua sắm hoặc nghe bài hát và tất cả mọi thứ, bạn có thể sử dụng thính giác này để nghe giáo pháp, để lắng nghe những lời khuyên răn, để lắng nghe những điều giúp bạn hoàn thiện và tăng trưởng bản thân trong pháp.

Có rất nhiều phẩm chất tuyệt vời mà chúng ta có và chúng ta có thể sử dụng vào tất cả những mặt tích cực. Quan trọng nhất, tâm thức của chúng ta rất có khả năng, trí thông minh của con người rất có khả năng. Mặc dù có khả năng nghĩ về điều tích cực, nghĩ về điều tốt, nghĩ về pháp, nhưng trong 24 giờ, chúng ta ít có sử dụng nó, người bình thường hiếm khi sử dụng nó về hướng tích cực. Nếu bạn theo dõi, thậm chí tất cả mọi người bình thường đều theo dõi tâm của mình, thì thấy nó luôn sẵn sàng để nghĩ một điều gì sai trái. Suy nghĩ sai giống như việc xả nước chảy một cách dễ dàng, nhưng suy nghĩ tích cực giống như việc leo núi, bạn thực sự cần sự cố gắng, bởi vì đó là điều bạn đã quen rồi. Từ vô thủy, luôn luôn chúng sanh làm sai, nghĩ sai, làm sai về thân, khẩu, ý. Đó là lý do tại sao suy nghĩ tích cực giống như việc leo lên một ngọn núi, trong khi suy nghĩ tiêu cực giống như dòng nước chảy xuống một cách dễ dàng.

Không ai có thể kiểm soát tâm của mình. Người duy nhất có thể chữa trị tâm của mình, người duy nhất có thể kiểm soát tâm của mình mới là chính mình. Vì vậy, đó là lý do tại sao tránh cho tâm của chúng ta khỏi những điều tiêu cực và hướng tâm của chúng ta vào những điều tích cực là rất quan trọng. Nếu bạn chắc chắn giống như đang leo lên một ngọn núi, đó là lý do tại sao bạn phải làm, vì đó là lúc bạn có thể cải thiện bản thân mình, không chỉ cho kiếp này, mà còn cho nhiều kiếp, không chỉ cho bản thân, mà còn cho lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu chúng ta không làm ngay bây giờ, thì thời gian, các cơ hội ngày càng ít đi. Nếu chúng ta không cố gắng chuyển hóa mình trở nên tốt hơn, tích cực hơn, thì cơ hội mà bạn có, thời gian mà bạn có ngày càng ít đi, bởi vì mỗi giây phút chúng ta lại ngày càng đến gần với cái chết của mình.

Chúng ta không bao giờ biết khi nào điều đó xảy ra, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang ngày càng gần hơn về mặt logic, cho dù chúng ta sống được bao lâu. Giống như chúng ta đang nhảy từ một nơi nào đó trên bầu trời, chúng ta biết rằng chúng ta đang ngày càng gần đến cái chết bởi vì khi chúng ta đâm xuống mặt đất, ngay khi chúng ta chạm đất, chúng ta sẽ chết. Chúng ta đang ở trong không gian rơi về phía trái đất. Vừa qua, có một mảnh của một vật từ trên trời rơi xuống, có thể là vệ tinh hoặc một số bộ phận của vệ tinh, tôi không biết, cho nên người ta thực sự quan sát trên TV hoặc internet, còn bao xa nó sẽ rơi. Chúng ta chính xác giống vật đó trên bầu trời, chúng ta đang rơi xuống, chúng ta không biết khi nào chúng ta sẽ chạm đến mặt đất, có thể sau một phút, có thể hai phút, có thể một giờ hoặc có thể hai giờ chúng ta đang trên đường đâm xuống mặt đất.

Thời gian của chúng ta ngày càng ít đi. Vì vậy, thay vì để sự tiêu cực chiếm cứ tâm của bạn, thay vì tham gia vào tiêu cực, nói tiêu cực, suy nghĩ hoặc làm tiêu cực, chúng ta nên cố gắng hết sức mình, dù chỉ là một hành động tích cực, chúng ta nên làm vì điều đó cũng có giá trị. Có thể sự tái sinh làm người mà chúng ta có bây giờ cũng là do một hành động tích cực, một việc tích cực, bởi vì một hành động tích cực này bây giờ, bạn có thể tái sinh làm người trong kiếp sau, rất có thể. Một suy nghĩ tiêu cực, một lời nói tiêu cực, một hành động tiêu cực qua thân có thể khiến chúng ta bị mù lòa trong kiếp sau. Kiếp sau bạn có thể sinh ra làm người nhưng bạn bị mù, điều đó rất có thể xảy ra. Vì vậy, mỗi một hành động, việc làm đều có giá trị.

Trong Hồi giáo, đạo Sikh,… họ nhìn về đa số, nếu bạn làm được 51% tích cực, thì bạn lên thiên đường, 49% không tính đến. Nếu bạn có 51 hành động tiêu cực và 49 hành động tích cực, thì hành động tích cực sẽ không được tính đến.

Trong Phật giáo, mọi thứ đều tính đến, rất hợp lý. Nếu bạn có 51 hạt táo và 49 hạt xoài, nếu bạn bỏ tất cả vào cánh đồng, không chỉ 51% táo mọc lên mà còn 49% xoài mọc lên, bởi vì đó là những hạt giống, miễn là hạt sẽ phát triển, khi hạt gặp điều kiện, chắc chắn nó sẽ phát triển. Mỗi một hành động của thân, tâm và lời nói đều có giá trị. Đó là lý do tại sao chúng ta phải rất cẩn thận, dù là một hành động tiêu cực, hãy cố gắng tránh, dù là một hành động tích cực, dù là một suy nghĩ tích cực, hãy cố gắng tham gia, dù là một suy nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng loại bỏ nó.

Nhiều thứ mà chúng ta nghe, thấy, cảm thấy, chúng ta luôn phóng đại. Vì vậy, kiểm tra lời nói, hành động về thân, những gì chúng ta làm trong cuộc sống hàng ngày và cố gắng ràng buộc nhiều nhất có thể là rất quan trọng. Bởi vì đó là thứ duy nhất mà chúng ta có thể mang sang kiếp sau. Ngay cả trong cuộc sống này, nếu chúng ta vẫn còn rất tích cực, hạnh phúc hơn, thì chúng ta thực sự có thể giảm thiểu nhiều vấn đề.

Giả sử có hai người và có một trận lũ, nhà của cả hai người bị lũ cuốn mất. Một người vẫn giữ tích cực, người còn lại là tiêu cực. Người vẫn giữ tích cực, anh ta có thể bình tĩnh, anh ta có thể hạnh phúc hơn, anh ta có thể có sức bền để làm việc, làm lại lần nữa, làm điều này và điều kia. Người tiêu cực, anh ta sẽ đổ lỗi cho tất cả mọi người như “vì bạn, vì điều này, ồ tôi có thể …”, anh ta sẽ nuối tiếc về tất cả những điều này, mang mọi vấn đề trong đầu anh ta. Người này vẫn tích cực có nhiều chỗ đứng hơn để phục hồi. Người kia lại đang lãng phí quá nhiều, anh ta dành hết năng lượng để suy nghĩ tiêu cực, còn người này vẫn đang sử dụng những năng lượng vào sự tiêu cực đó, anh ta có thể thực sự bắt đầu bước tới sự tích cực, vâng, điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Không chỉ với trận lụt này, mà mỗi một trường hợp, chúng ta đều có thể sử dụng chính xác cùng sự vật.

Source.
https://e.pcloud.link/publink/show?code=kZo6kZhop5WuXEceJR9nc9bJcFpjptGuvV

Ghi lại và dịch từ bài Pháp Thoại của Lama Nawang Kunphel ngày 13 tháng 7 năm 2021, do Aura of Wisdom tổ chức.