Lorig: Way of Knowing Mind – Buổi 2

SESSION 2.

Tâm, thức và ngã [linh hồn],
Bốn nhân và duyên của tâm,
Sự khác biệt giữa tâm và cá thể (còn tiếp).

Tâm, thức và ngã

  1. Tâm và ngã

[…]

Khi chúng ta phân biệt tâm, thức và ngã, điều rất quan trọng là phải hiểu rằng trong Đạo Phật, tâm là các hiện tượng không có hình tướng giống như một tấm gương hay một bản chất rõ ràng [trong suốt] và có đối tượng, có hoạt động nhận biết đối tượng, vì vậy nó là cái được gọi là tâm. Và kế đến nếu bạn hiểu ngã như cái gì đó được Thượng đế tạo ra, nếu bạn nghĩ rằng ngã là cái gì đó mà khi chúng ta chết nó phải lên thiên đường hoặc xuống địa ngục hoặc thế này thế kia, nếu bạn nghĩ rằng ngã là cái gì đó có mối quan hệ chặt chẽ với Đấng Tạo Hóa, thì cái ngã như vậy, trong Đạo Phật đang được giải thích hoặc tin, thay vì ngã, đúng hơn nó là một tâm thức thực hiện công việc cho cái ngã, thì khi đó không có Đấng Tạo Hóa nào như vậy. Nếu có bất kỳ Đấng Tạo Hóa nào trên thế giới này, thì đó là tâm.

Nếu bạn lấy một ví dụ về một ngôi nhà đẹp, ngôi nhà đẹp đã được tạo ra hoặc xây hoặc được làm bởi một người thợ mộc hoặc có thể đội xây dựng, vì vậy họ có thể làm điều đó do tâm thức, chính tâm ra lệnh cho cơ thể và để cơ thể làm điều đó. Giống như nếu một người chế tạo chiếc điện thoại từ một thiết bị, thì không phải là thiết bị làm ra, mà là người đó đã làm cái điện thoại, lại không phải là con người đó làm, mà đằng sau con người đó là tâm thức và kiến thức lại đi trở lại vào tâm thức đó.

Cho nên đó là tâm và cũng có nhiều sự nhầm lẫn như tại sao một số người phải đau khổ và tại sao một số người phải hạnh phúc, tại sao có một số người giàu, tại sao một số người lại nghèo, chính lại là tâm. Do tâm mà chúng ta làm điều tốt hay xấu từ thân hay lời nói, do những điều tốt và xấu mà chúng ta làm trong đời này, chúng ta để lại một nghiệp quả, khoảnh khắc [sát na] tiếp theo sau chúng ta làm điều gì đó tốt hay xấu, nên những nghiệp hoặc các hành động đó để lại một loại dấu ấn hoặc một chủng tử [hạt giống] trong dòng tương tục của tâm.

Vì vậy, khi tâm trí này di chuyển, những chủng tử đó kích hoạt và khi đó chúng ta trải qua hạnh phúc và đau khổ. Giống như lý do tại sao chúng ta có thể nói và nói ít nhiều và hiểu được tiếng Anh là bởi vì chúng ta đã học tiếng này. Sinh ngữ đó không phải là một cái gì, không phải bởi vì ai đó đã làm ra sinh ngữ này hoặc bởi vì lực của sinh ngữ này hoặc của ai đó. Lý do tại sao bạn hiểu được những gì tôi đang cố gắng nói, lý do tại sao tất cả chúng ta đều có thể nói ít nhiều tiếng Anh, đơn giản là vì khi chúng ta muốn ghi nhớ, chúng ta có khả năng ghi nhớ, khi chúng ta muốn nói một từ để diễn đạt điều gì đó qua tiếng Anh, chúng ta có khả năng diễn đạt. Nếu ai đó hỏi vậy trước khi diễn đạt, thì kiến ​​thức này tồn tại ở đâu và như thế nào trong tâm thức chúng ta?  thì nó tồn tại trong tâm thức chúng ta như một loại dưới dạng một chủng tử [hạt giống].

Chủng tử đó là hạt giống đã để lại trong tâm thức khi chúng ta học tiếng Anh, nói một cách đơn giản, chúng ta có thể nói tiếng Anh bởi vì chúng ta đã học. Cho nên, nếu bạn nghĩ rằng đó là tất cả những thứ được tạo ra với Đấng Tạo Hóa, thì cái ngã [linh hồn] với ý nghĩa như vậy không tồn tại.

  1. Tâm và thức

Theo triết lý Đạo Phật, chỉ có tâm và thức chỉ là một từ khác cho tâm. Thức thực sự là cùng một thứ, nhưng được đặt tên theo một khía cạnh khác, ví dụ, một người mẹ là một người mẹ đồng thời là một người con gái. Giả sử nếu có một người tên là Mary, ví dụ Mary là một người mẹ, nhưng cô ấy cũng là một người con gái, vì vậy Mary là cả hai, vừa là mẹ vừa là con gái, đây chỉ là một mức độ khác được nêu cho cùng một người tên là Mary. Vì vậy, tương tự, thức và tâm chỉ là hai từ khác nhau cho cùng các hiện tượng, như tôi đã đề cập trước đó, là các hiện tượng không có hình tướng là các hiện tượng trong sáng [rõ ràng] và có khả năng nhận biết một đối tượng. Do đó, có khá nhiều sự khác biệt giữa tâm, thức và ngã [linh hồn].

  1. Tâm

Vì vậy, khi bạn hiểu một tâm như vậy và loại bản chất của nó, thì bạn có thể nghĩ nó có thể khởi động như thế nào? cần những gì? và nó hoạt động như thế nào? Nếu bạn nói về chức năng của tâm, thì nó hiện hữu như thế nào? Nhưng trước hết tôi chỉ muốn làm rõ rằng không chỉ có một tâm thức, đúng có vô số tâm thức, tâm biết lái xe, không biết nói tiếng Anh; tâm biết nói tiếng Anh, không biết nấu thức ăn; tâm biết nấu thức ăn, không biết bơi. Vì vậy, trong chúng ta, có vô số tâm, không chỉ là một tâm.

Mỗi một tâm thức đều có đối tượng riêng của nó, nên dựa vào mỗi đối tượng riêng, một tâm mới khởi động, giống như nhãn thức, khi bạn nhìn vào cái điện thoại, nhãn thức chấp trì [nắm bắt] cái điện thoại. Khi bạn nhìn vào thứ khác, thì nhãn thức mà nắm bắt cái điện thoại vẫn ở trong cách ưu thế hoặc tan biến trở lại và sau đó mỗi khi bạn nhìn vào vật mới và nhãn thức mới xuất hiện. Vì vậy, tâm và thức không chỉ là một, mà là nhiều nhưng nếu chúng ta chỉ phân loại để làm cho nó dễ dàng hơn thì tâm thức có thể được phân loại thành hai phần: ý thức và căn thức. Đây là hai loại tâm, ý thức và căn thức.

Vì vậy, căn thức về cơ bản liên quan đến năm giác quan, nhưng khi tôi nói về nhãn thức, tôi không nói về nhãn cầu. Bên trong nhãn cầu có tâm gọi là nhãn thức này đó là lý do tại sao chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ. Cho nên, về cơ bản nhãn cầu này được biết đến như một loại nhà hoặc một nơi mà nhãn thức vẫn kéo dài hoặc lưu lại hoặc vẫn ở đó.

Bốn nhân duyên của tâm

Nhân duyên [điều kiện nhân quả] Thứ đệ duyên [có trước có sau hay đẳng vô gián duyên, điều kiện đều đều không gián đoạn] Sở duyên duyên [điều kiện có đối tượng],
Tăng thượng duyên [điều kiện ưu thế hơn]  

Vì vậy, để khởi động một tâm như vậy, cần có bốn duyên [điều kiện]. Bạn nhìn vào cái điện thoại và bạn nhìn thế giới, bạn nhìn cửa sổ hay bạn nhìn ra cửa, bạn cần có bốn điều kiện để khởi động mỗi một tâm thức. Bạn nghĩ về một con bò, sau đó bạn nghĩ đến một chiếc xe hơi và bạn nghĩ đến bơi lội, với mỗi nhãn thức hoặc ý nghĩ hoặc ý thức kích hoạt bên trong bạn, thì bạn cần bốn điều kiện để kích hoạt tâm đó. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ đi qua bốn điều kiện này.

Nếu tôi chỉ gọi tên bốn điều kiện của tâm, thì điều kiện đầu tiên là nhân duyên, giống như nguyên nhân và kết quả, điều kiện nhân quả, là điều kiện đầu tiên; điều kiện thứ hai là thứ đệ duyên; điều kiện thứ ba là sở duyên duyên và điều kiện thứ tư là tăng thượng duyên.

Khi bốn điều kiện này đã sẵn sàng, thì tâm thức sẽ hiện hữu. Vì vậy, bốn điều kiện này giống như yếu tố cha/mẹ, để sinh ra một đứa trẻ, cần có cha mẹ, nên tương tự như vậy để tạo ra một tâm, thì cần đến bốn điều kiện này. Khá thú vị theo ý nghĩa chỉ là lĩnh vực hoặc thế giới khác nhau và với điều này, bạn sẽ có thể hiểu chẳng hạn biết mọi thứ, không thực sự dễ dàng để thấy mọi thứ và sau đó chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng có rất nhiều thứ đằng sau nó, cho nên điều kiện nhân quả (nhân duyên), điều kiện liên tục không gián đoạn (thứ đệ duyên), điều kiện có đối tượng (sở duyên duyên) và điều kiện ưu thế (tăng thượng duyên):

  1. Nhân duyên [điều kiện nhân quả]

Vậy, điều kiện đầu tiên là nhân duyên [điều kiện nhân quả]. Về cơ bản lấy một ví dụ khi một người nhìn thấy một chiếc xe hơi bằng nhãn thức, vậy bốn điều kiện phải trải qua. Điều kiện đầu tiên là nhân duyên, vậy nhân duyên là bạn phải có nghiệp nhìn thấy chiếc xe như vậy, bạn phải có thói quen nhìn thấy chiếc xe như vậy, bạn phải có một số nghiệp, thói quen và cũng có rất nhiều nguyên nhân đằng sau nó, cho nên tôi sẽ giải thích thêm một chút.

Mỗi một nhãn thức đều có khả năng riêng của nó, ví dụ, những gì chúng ta nhìn thấy và những gì một số loài động vật nhìn thấy rất khác nhau. Giả sử chúng ta có thể nhìn thấy nhiều loại màu sắc khác nhau, nhưng có nhiều động vật chỉ có thể nhìn thấy một vài màu sắc. Ngay cả giữa con người, chẳng hạn có hai người, cả hai đều nhìn vào cùng một chiếc xe với nhãn thức nhưng nó trình hiện khác nhau đối với cả hai. Cả hai nhìn vào cùng một chiếc xe, nhưng một người có thể thích, một người có thể không thích.

Tôi có nghe nói con gián về cơ bản không thể nhìn thấy con người vì mắt của gián chỉ có thể nhận biết  không gian 2 chiều (2-D), nếu tôi nhớ không nhầm thì mắt người có thể nhìn thấy không gian 3-D – Các nhà nghiên cứu nói rằng đâu đó có khoảng 10 hoặc 11 hoặc 12 chiều không gian đó. Vì vậy, mắt của chúng ta rơi vào không gian 3-D, ý tôi là, về cơ bản những gì mắt chúng ta có thể nhìn thấy là không gian 3-D, chiều cao, chiều dài và kế là chiều rộng, nếu tôi không nhầm, do đó con gián có thể chỉ nhìn thấy như bức tranh khi nhìn vào người, con gián có thể nhìn thấy một mặt phẳng như thể chúng ta đang nhìn vào một bức tranh.

Như vậy lý do là vì nhân duyên khác nhau nên cái ta thấy là vì nhân duyên của chính chúng ta. Nếu bạn biết về sáu loại chúng sinh, có một loại gọi là Ngạ quỷ [Preta, skt.] hay ma đói, có một số loại chúng sinh, có một số loại tương tự như động vật, nhưng không phải là động vật không nhìn thấy nước. Trong nhiều kinh điển có giải thích là họ rất khát, nhưng không thể nhìn thấy nước.

Nếu bạn biết Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, có một vị đại sư đang giảng dạy, nhưng rồi có một người từ phương xa đến, ông ta là một lữ khách khi ông đến chỗ đó nơi vị thầy đang giảng dạy. Tất cả mọi người đều đang nghe giảng, đồng thời, có thể nhìn thấy vị thầy đang giảng dạy một số giáo lý sâu sắc.  Bởi vì nghiệp quả, bởi vì thói quen trong quá khứ, nhân duyên của người đó, nên những gì anh ta thấy là vị thầy đó đang ăn thức ăn. Người đó không thể nhìn thấy vị thầy đó đang giảng dạy, anh ta không thể nghe thấy bất cứ điều gì, những gì anh ta thấy là vị thầy đang ăn một số thức ăn. Cũng như vậy, có một số chúng sanh khi nhìn nước thì họ không thể thấy nước, họ phải có nghiệp báo như vậy. Và một thực phẩm rất ngon nói chung cũng có thể không ngon đối với mọi người, bởi vì nghiệp riêng của họ. Vì vậy, những điều kiện này được gọi là nhân duyên.

Hiểu được nhân duyên là điều rất quan trọng, có thể không có nhiều hậu quả trong các vấn đề, nhưng vì nhân duyên đó mà nhiều người họ nhầm lẫn và bởi vì điều này mà nhiều người, thậm chí là chia tay giữa các cặp vợ chồng, hoặc giữa những người bạn hoặc giữa những người làm việc chung với nhau hoặc bất cứ điều gì, nhiều người trong số này là do có nhiều sự hiểu lầm. Và vấn đề là họ không thể nhìn nhận tình huống là đã bị hiểu lầm mà họ lại nhìn thấy như là một sự thật. Đôi khi họ nghe thấy như là một sự thật, đôi khi họ nhìn thấy như một sự thật và những gì họ thấy hoặc nghe hoặc hiểu lầm chỉ do suy nghĩ dựa trên khái niệm (suy nghĩ phân biệt) vì thói quen của chính mình, vì nghiệp quả của một người, rất nhiều lần. Có thể là lý do trong nhiều trường hợp, nhưng chắc chắn có rất nhiều trường hợp một người bạn rất tốt mà họ mới chia tay hoặc họ vừa trở thành kẻ thù. Nếu bạn phân tích kỹ lưỡng trong nhiều trường hợp, bạn sẽ thấy rằng đó chỉ là một sự hiểu lầm, không có cơ sở thực tế nào có thể khiến họ không hài lòng về nhau, đó chỉ là sự hiểu lầm trong cách một người nói chuyện, cách người đó lắng nghe và tất cả những điều này.

Tôi đã đề cập vấn đề này ở một trong những lớp học trước đây của tôi là người bình thường nói chung có thể chỉ tập trung khoảng 8-10 giây, cho nên sau mỗi tám hoặc tám đến 10 giây, tâm của chúng ta không chú ý đến đối tượng mặc dù chúng ta đang cố gắng hết sức tập trung vào một hiện tượng hoặc một sự vật, nhưng tâm của chúng ta có thể chỉ tập trung khoảng 8 đến 10 giây và sau đó tâm của chúng ta nhảy sang một thứ khác. Khi tâm chuyển sang một thứ khác và khi bạn bỏ lỡ khoảng thời gian ngắn ngủi đó, giả sử bạn đang lắng nghe ai đó trong 15 giây, trong 15 giây đó, ví dụ bạn nghe được 30 từ, mỗi giây giả sử bạn nghe được hai từ, thì trong 15 giây nói chung một người sẽ bị mất tập trung, hoặc ít nhất một lần. Khi bạn bị phân tâm một lần, trong 15 giây đó, về cơ bản bạn đang lỡ mất hai đến bốn từ. Vì vậy, một người nói với bạn 30 từ trong 15 giây và bạn bỏ lỡ bốn từ, nhưng thường bạn không có hỏi vì bạn cảm thấy và bạn nghĩ rằng bạn đã nghe tất cả, nhưng thực tế, bạn đã thật sự mất hai đến bốn từ.

Điều người ta thường làm là bạn tự điền vào chỗ trống, bạn chỉ việc tạo ra các từ trong tâm của bạn. Chúng ta rất giỏi về điều đó, cực kỳ chuyên nghiệp ở điều đó, chúng ta chỉ lấp đầy với điều mà chúng ta muốn lắng nghe hoặc chúng ta nghĩ. Nếu trước đó bạn bị điều gì làm phiền, có thể bạn không có tâm trạng tốt như vậy thì bạn sẽ điền vào một số từ tiêu cực. Nếu bạn đang có tâm trạng rất tốt thì bạn sẽ lấp đầy bằng những từ tích cực, mặc dù người ta đang nghe nói điều gì đó không tốt, bạn có thể không nhận ra điều đó là không hay, bạn có thể không nghe thấy hoặc bạn có thể vui vì những gì bạn đang cảm thấy, những từ nào mà người đó nói là tiêu cực, bạn lỡ mất trong một hoặc hai giây đó và kế đến bạn cảm thấy điều gì đó tích cực. Nhưng khi tâm trạng của bạn không vui, thì những gì bạn làm là bạn lấp đầy một cái gì đó tiêu cực, khi đó bạn hiểu lầm, dù cho người này nói rằng tôi không nói điều đó, bạn cũng sẽ nói rằng “Có mà, tôi đã nghe bạn nói điều đó”. Nhưng điều đó không đúng và đó là do nghiệp của chính bạn, do chính thói quen trong quá khứ của bạn, kế đến là kinh nghiệm trong quá khứ.

Khi một người nói điều gì đó và sau đó bạn lỡ mất hai từ và khi bạn bỏ lỡ hai từ đó, khi bạn không nghe thấy nó, bạn ghi lại, bạn ngay lập tức nghĩ về một trải nghiệm tương tự trong quá khứ, “Ồ OK”, nên bạn lấp đầy dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, thói quen trong quá khứ. Vì vậy, một lần nữa thói quen trong quá khứ và sự quen thuộc trong quá khứ đến thông qua một chủng tử và sau đó kích hoạt. Vì vậy cơ bản, nhân duyên có thể là nhiều yếu tố, nhưng tôi muốn nói đó là nghiệp quá khứ, thói quen trong quá khứ, kinh nghiệm trong quá khứ.

Vì vậy, ngay cả tâm thức, ngay cả đôi mắt, những gì bạn nhìn thấy từ mắt của mình không hoàn toàn ở bên ngoài, bạn không hoàn toàn nhìn thấy tình trạng ở bên ngoài. Đúng, bạn nhìn thấy những gì ở ngoài kia, nhưng có rất nhiều sự phóng chiếu, rất nhiều thói quen trong quá khứ, rất nhiều sự tương đồng và trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến những gì bạn nhìn thấy ngoài kia. Nhiều loài động vật, khi chúng không có nghiệp nhìn thấy con người, khi chúng không có nghiệp thấy tất cả những màu sắc khác nhau này, thì chúng sẽ không nhìn thấy. Khi bạn không có nghiệp để ăn một món ăn ngon, bạn không thích nó, nếu bạn không có nghiệp ăn xoài, bạn không thích xoài. Thật là đơn giản.

Tại nhiều nước Châu Á, nhiều người họ thích sầu riêng, đây là một loại trái cây, trái sầu riêng, họ gọi nó là vua của các trái cây, và nhiều người yêu thích nó, và tôi thấy trên một số chuyến tàu người ta đưa thông tin như là ‘Bạn không thể mang theo sầu riêng vì rất nặng mùi’, nhưng mọi người thích nó, mọi người thực sự thích ăn, tôi biết có người thực sự bay từ đất nước đó đến Singapore để ăn sầu riêng. Nói thật, tôi đã thử, thật khủng khiếp, tôi mất vị giác trong vài giờ và sau đó người ta bảo tôi ăn một thức ăn khác, đại loại là xoài hấp hay gì đó, họ nói như là ‘một loại là vua của thực phẩm, một loại là nữ hoàng của thực phẩm, nó sẽ cân bằng, đại loại là như thế’, và sau đó tôi không biết xoài hấp có vị như thế nào vì sau khi ăn sầu riêng đó, lưỡi của tôi đúng là tê dại, có lẽ đó không phải là nghiệp của tôi, họ yêu thích nó, họ thực sự yêu thích nó và tôi đã ăn thử, nó thật khủng khiếp, tôi không thể nào giải thích được nó có mùi vị như thế nào.

Nhưng đây là cách điều kiện đó tác động, nhân duyên, vì vậy bất cứ thứ gì chúng ta nhìn thấy, chúng ta cảm thấy, chúng ta nghe thấy, chúng ta nếm thấy và rồi chúng ta nghĩ, có rất nhiều lực, có rất nhiều ảnh hưởng đến từ những duyên trong quá khứ của chúng ta, kinh nghiệm và thói quen trong quá khứ của chúng ta, đó là nhân duyên, đó là một điều kiện, nên phải có. Nếu bạn thấy một số thứ dễ chịu là do một số nghiệp tốt trong quá khứ, nếu bạn thấy thứ gì đó dở, tôi không thích sầu riêng vì nghiệp của tôi, có thể là một số nghiệp khủng khiếp, vì vậy đó là lý do tại sao tôi không thể thưởng thức sầu riêng nhưng có một số nghiệp tốt liên quan đến, chẳng hạn xoài hấp, vì vậy đó là lý do tại sao một số người thích xoài hoặc xoài hấp hoặc bất cứ thứ gì. Vì vậy, đây hoàn toàn đều do nhân quả này ảnh hưởng.

  1. Thứ đệ duyên [điều kiện có trước có sau]

Điều kiện thứ hai là thứ đệ duyên, trước khi chúng ta nhìn thấy thứ gì, chẳng hạn như khi bạn nhìn chiếc xe, trước khi nhãn thức được phát khởi, bạn phải có một mong muốn nhìn thấy, một ý nghĩ nhìn thấy, một suy nghĩ nhìn thấy một cái gì đó. Đôi khi một số người nói rằng khi bạn mở mắt ra, bạn không phải lúc nào cũng có ý định thật sự phải nhìn thấy, không phải lúc nào bạn cũng có động lực để nhìn thấy. Một số người nói như khi bạn thức dậy, bạn mở mắt và nhìn thấy trần nhà, cái quạt hoặc bất cứ thứ gì trên mái nhà của bạn, thì riêng trường hợp đó bạn không có thứ đệ duyên bởi vì bạn không có ý định nhìn thấy điều đó. Bạn không có ý định nhìn thấy trần nhà hoặc là cái quạt, nhưng chỉ cần bạn có ý định mở mắt, một ý định nhìn thấy nhẹ thôi là lý do tại sao bạn mở mắt hoặc một số giải thích nói rằng khi bạn mở mắt, thì khoảnh khắc (sát na) đầu tiên, dù cho bạn mở mí mắt lên, khoảnh khắc đầu tiên bạn không nhìn thấy sự vật, sự vật phải trình hiện, tôi sẽ giải thích ngay sau. Đó là lý do tại sao nó được gọi là thứ đệ duyên, nên phải có một ý thức, ý nghĩ hoặc mong muốn hoặc ước muốn nhìn thấy một chiếc xe ngay trước khi nhãn thức của bạn nhìn thấy chiếc xe đó.

Nếu không có ý nghĩ hoặc mong muốn nhìn thấy chiếc xe, thì mắt bạn không thể nhìn thấy. Cho nên, ý nghĩ tương tự phải được kích hoạt, ví dụ, nếu bạn đang rất buồn, giả sử ai đó đã nói xấu về với bạn, ai đó nói rằng bạn thực sự rất ngớ ngẩn. Bạn thực sự bị tổn thương bởi vì bạn tin tưởng người đó và rồi người đó lại nói rằng bạn ngớ ngẩn dù cho bạn không có ngớ ngẩn, nói chung mọi người trở nên ngớ ngẩn vào lúc đó vì việc tin rằng bạn bị tổn thương do nghe người nào đó nói rằng bạn thật ngớ ngẩn.

Thực ra bạn nên biết rằng bạn không hề ngớ ngẩn, nếu bạn bị tổn thương thì bạn đang tin người đó ở một khía cạnh nào đó, nếu bạn tin người đó ở một khía cạnh nào đó thì bạn đang ngớ ngẩn. Điều tôi đang cố gắng nói ở đây là khi bạn bị tổn thương bởi một điều gì đó, giả sử ai đó đã nói điều gì đó không đúng đối với bạn, thì bạn nghĩ về một điều khác: “Ồ, lần trước anh ta đã nói như vậy hoặc lần trước ai đó đã nói điều đó, ồ năm ngoái có ai đó đã nói điều đó.” Khi bạn có một suy nghĩ như vậy, thì tự động sẽ phát khởi ra nhiều suy nghĩ tương tự. Nếu bạn tiêu cực, bạn sẽ nghĩ về nhiều thứ khiến bạn tiêu cực hơn, nếu bạn buồn, bạn nghĩ về nhiều điều khiến bạn buồn hơn, nếu bạn hạnh phúc bạn nghĩ ra nhiều điều tốt. Giả sử bạn rất tức giận vì có ai làm điều gì đó, bạn càng tức giận hơn khi nghĩ về “Ồ anh ta đã làm điều này, thì lần này anh ta nhận lấy điều này”, nên bạn nghĩ về nhiều điều khác. Giống như khi bạn buồn, bạn muốn nghe một bài hát buồn, khi bạn vui, bạn muốn nghe một bài hát vui vẻ.

Thực ra đó là điều ngu ngốc, nhưng đây lại là cách tâm của chúng ta hoạt động. Thực ra khi bạn hạnh phúc bạn nên nghe một số bài hát trung tính để bạn không có vui quá nhiều, bạn không bay bổng, và cũng vậy khi buồn bạn nên nghe những bản nhạc vui nào đó để vơi đi nỗi buồn, nhưng thường thì không, khi buồn người ta lại nghe bài hát buồn.

Vì vậy, những gì tôi đang muốn nói ở đây là một tâm, một tâm cụ thể kích hoạt giúp những tâm tương tự khác khởi động. Giống như một con chó sủa và thì tất cả những con chó khác sủa theo, nếu là một bông hồng, cho dù có một số con chó xung quanh, chúng không sủa, nó là một chủng loài khác, nếu một con chó sủa thì tất cả những con chó khác sẽ sủa theo.

Lý do tại sao tôi nói điều này là để bạn nhớ những gì tôi đang cố gắng nói ở đây là tâm thức của một người kích hoạt thì những tâm thức tương tự sẽ khởi động vào lúc đó. Cho nên, thứ đệ duyên khá giống như vậy, để có thể nhìn thấy một chiếc xe, một tâm thức tương tự phải đi trước và chúng ta phải giúp nó kích hoạt: trước khi bạn nhìn thấy một chiếc xe, thì bạn có mong muốn nhìn thấy chiếc xe, bạn chỉ cảm thấy như nhìn thấy một chiếc xe hoặc bạn chỉ cảm thấy như nhìn vào hiện tượng đó, vì vậy cảm giác đó giúp cho nhãn thức khởi động. Do đó, cảm giác đó là một trong những yếu tố cha mẹ giúp khởi phát nhãn thức, nếu không có tâm đó, bạn không thể nhìn thấy chiếc xe.

Vì vậy, đó được gọi là thứ đệ duyên và lý do tại sao điều kiện này được gọi là thứ đệ là vì điều đó phải đến ngay trước đó. Giống như bạn có mong muốn nhìn thấy chiếc xe và sau 5-15 phút bạn sẽ thấy chiếc xe, không có xảy ra như vậy, nó phải xảy ra đúng khoảnh khắc, ngay tức khắc trước đó. Cho nên, đó là một trong những điều kiện cần phải có ở đó để phát khởi nhãn thức hoặc bất kỳ loại thức nào. Lý do tại sao tôi nói với nhãn thức vì nó dễ hiểu hơn đồng thời chỉ là một ví dụ để bạn có thể áp dụng cho tất cả các tâm thức khác.

  1. Sở duyên duyên [Điều kiện có đối tượng]

Điều kiện thứ ba là sở duyên duyên, sở duyên duyên chính là đối tượng, khi bạn nhìn vào một chiếc xe, nhãn thức của bạn xuất phát từ chiếc xe, là kết quả của chiếc xe. Chiếc xe xuất hiện trước tiên và do có chiếc xe giúp cho nhãn thức của bạn khởi phát. Vì vậy, đó cũng là một điều kiện, đối tượng mà mắt bạn nhìn thấy là sở duyên duyên.

  1. Tăng thượng duyên [Điều kiện ưu thế]

Điều kiện thứ 4 là tăng thượng duyên [tăng: thêm, thượng: nổi lên], đây là một điều kiện thú vị. Tăng thượng duyên là cái mà chúng ta gọi là nhãn lực, vậy nhãn lực có hình tướng [sắc], nhãn lực không phải là vô hình tướng, nhãn lực là sắc và nhãn lực không phải là nhãn thức, nhãn lực là thứ phải có trước nhãn thức, để tôi cho bạn một ví dụ, khi bạn nhìn vào một chiếc xe, đầu tiên, chiếc xe trình hiện đối với nhãn lực, lúc đó bạn không nhìn thấy chiếc xe.

Khi bạn mở mí mắt lên, khi bạn nhìn vào chiếc xe, thì chiếc xe đầu tiên trình hiện đối với nhãn lực và ở đây, nhãn lực cũng hoạt động như một tấm gương, nên giống như khi bạn đang lái xe để xem có chiếc xe hơi phía sau hay xe tải phía sau bạn hay không. Bạn nhìn vào gương ở bên cạnh cửa xe của bạn, vì vậy bạn có thể nhìn thấy những gì phía sau, bạn có thể nhìn thấy nếu có xe tải phía sau bạn hay không trong cái gương ở phía trước bạn, vì vậy nhãn lực giống như gương đó bởi vì qua tấm gương mà bạn có thể nhìn thấy chiếc xe tải phía sau.

Tương tự như vậy qua nhãn lực, bạn có thể nhìn thấy chiếc xe bằng nhãn thức. Cho nên nhãn thức của bạn giống như bạn, nhãn lực giống như chiếc gương đó và chiếc xe đó giống như chiếc xe tải. Vì vậy, chiếc xe đầu tiên trình hiện đối với nhãn lực của chúng ta, sau đó nhãn lực của chúng ta sẽ giúp nhãn thức của chúng ta nhìn thấy xe tải. Do đó, phải trải qua trình tự đó, đầu tiên, hình ảnh hoặc chiếc xe trình hiện đối với nhãn lực, nhãn lực giống như một hiện tượng rất vi tế, rất vi tế có nghĩa là ngay cả với kính hiển vi cũng rất khó nhìn thấy, nó rất khó nhìn thấy, đồng thời nó hoạt động như một tấm gương giúp cho nhãn thức nhìn thấy, nếu không có sự trợ giúp của nhãn lực, thì nhãn thức sẽ không thể nhìn thấy. Cho nên, nhãn lực là một điều kiện kiểm soát, đó là lý do tại sao nó được gọi là tăng thượng duyên. Bất cứ thứ gì trình hiện đối với nhãn lực, nhãn thức đều có thể nhìn thấy, nếu sự vật không trình hiện đối với nhãn lực, thì nhãn thức không thể nhìn thấy.

Trong Phật giáo, nhãn lực có thể làm cho ngày càng mạnh hơn, lúc đó bạn có thể nhìn thấy nhiều thứ hơn. Ví dụ, theo quan điểm tâm lý học của Đạo Phật, tôi muốn nói rằng lý do tại sao gián không thể nhìn thấy không gian 3-D là bởi vì nhãn lực của gián không mạnh bằng chúng ta. Lý do tại sao chúng ta không thể nhìn thấy nhiều hiện tượng là bởi vì nhãn lực của chúng ta phải được tăng cường, nếu sự vật trình hiện đối với nhãn lực, thì nhãn thức có thể nhìn thấy.

Có rất nhiều thiền giả thông qua thiền định họ tăng cường, họ làm cho nhãn lực mạnh hơn. Đó là khi họ nhìn thấy các linh hồn; đó là khi họ nhìn thấy rất nhiều thứ mà mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy được; đó là khi họ nhìn thấy rất nhiều hiện tượng vi tế; đó là khi họ nhìn thấy những thứ phía sau ngọn núi. Và kế đó là nhĩ lực, nên khi họ làm cho nhĩ lực mạnh lên, họ có thể nghe cách xa hàng dặm. Vì vậy, một số thiền giả trên núi họ tăng cường sức mạnh của nhĩ lực để họ có thể nghe giảng mặc dù người đó cách xa như 500 dặm. Họ đang thiền định trong một hang động, họ không thể tham dự các buổi giảng dạy của các vị thầy trên thế giới này, vì vậy khi họ muốn nghe những giáo lý khác nhau, họ chỉ cần cải thiện điều đó. Do đó, nhờ nhãn lực này, nếu ai đó chết và sau đó được sinh ra ở một nơi nào đó, nếu đó là vị đạo sư của bạn hoặc học trò của bạn, nếu bạn muốn có mối tương quan tiếp tục với đạo sư hoặc một học trò vừa mới qua đời, nếu bạn muốn nhìn thấy nơi người đó tái sinh, bạn sử dụng nhãn lực, nếu bạn có nhãn lực rất mạnh thì bạn có thể nhìn thấy bằng nhãn lực đó nơi người đó sinh ra và nơi này, nơi kia. Vì vậy, các thiền giả sử dụng những lực đặc biệt đó bằng cách tăng cường nhãn lực và nhĩ lực như thế. Cho nên, cơ bản đây là tăng thượng duyên.

Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa, vậy điều kiện đầu tiên là nhân duyên đó chính là nghiệp, điều kiện thứ hai là thứ đệ duyên, là tâm thức kích hoạt điều kiện [pratya,skt.duyên] đối với nhãn thức, ngay trước nhãn thức, sở duyên duyên chính là đối tượng và kế đó là tăng thượng duyên là nhãn lực. Tương tự như vậy có nhãn lực, có nhĩ lực, có tỵ lực, có thiệt lực và có căn lực và ý lực. Các lực đó trợ giúp – nhĩ lực trợ giúp nhĩ thức, thiệt lực trợ giúp thiệt thức, khứu giác trợ giúp tỵ thức hoặc tâm thức nhận ra mùi, thân lực trợ giúp thân thức – để nhận biết sự vật hiện tượng.

Sự khác biệt giữa tâm trí và con người (còn tiếp)

Và tôi cũng nghĩ phải giải thích sự khác biệt giữa tâm trí và con người. Trước tiên, có thể có một số những câu hỏi tôi sẽ xem qua.

Trả lời câu hỏi

  1. Chúng ta có mỗi tâm thức khác nhau của chúng ta từ những kiếp sống khác nhau trước đây chúng ta đã sống không?

Có, nói chung, bất cứ điều gì chúng ta thấy bây giờ, chúng ta cũng đã thấy một cái gì đó tương tự trong quá khứ, vì vậy cũng giúp ích. Chẳng hạn nếu bạn được nuôi dạy ở một đất nước mà mọi người đều có một mắt, hoặc giả sử có tóc đen thì nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ở cạnh một người có tóc đen. Nguyên nhân là thói quen, vì bạn đã từng có suy nghĩ, kỳ vọng của người ở chung quanh mình. Vì vậy, bất cứ điều gì chúng ta thấy ngay bây giờ khá giống với điều đó.

Để kích hoạt tâm cụ thể đó, thì trước đó bạn phải có một suy nghĩ tương tự như vậy hoặc một tâm thức tương tự trước đó và tâm đó sẽ kích hoạt và điều đó giúp khởi động tâm thức mới. Vì vậy, bất cứ điều gì bạn nhìn thấy hoặc nhận thức ngay bây giờ theo một cách nào đó, là kết quả của một suy nghĩ tương tự trước đây mà bạn có, có thể là trước đây trong kiếp này hoặc trong kiếp trước. Cho nên, điều đó ảnh hưởng đến việc chúng ta có thích thứ mà chúng ta nhìn thấy hay không rất nhiều.

  1. Ý của thầy là nhãn cầu cho nhãn lực?

Không, nhãn cầu thì rất là thô, chúng ta có thể nhìn thấy nhãn cầu, nhãn lực rất vi tế, bạn không thể nhìn thấy bằng mắt của bạn. Vì vậy, nhãn cầu cũng là một ngôi nhà của nhãn lực.

  1. Nhãn lực được tăng cường này là thứ mà chúng ta gọi là siddhi [skt., tất đàn, khả năng kiểm soát năng lực thân thể và năng lực chinh phục thiên nhiên]?

Để tăng cường siddhi của mắt, trước tiên người ta phải trải qua thiền tổng quát, Vipassana và Samantha, mức độ thứ tư của Vipassana và Samantha và sau đó có những kỹ thuật khác nhau để kích hoạt hoặc để tăng cường, chúng tôi có một tên riêng biệt cho kỹ thuật đó trong tiếng Tạng, trong số năm thần thông, có một thần thông liên quan đến nhãn lực, vì vậy đó là thứ phải được tăng lên hoặc nâng cao hoặc phát triển để bạn có thể nhìn thấy nhiều thứ hơn là người bình thường.

  1. Chúng ta có thể nói rằng mọi người có thể cảm thấy hoặc nghe thấy người chết (nếu điều đó hiện hữu) đang thực sự cảm nhận được tâm của người đã khuất?

Tri giác giống như một cảm giác, hoàn toàn là về tâm và đôi khi đúng thật, đôi khi có thể không đúng thật và việc cảm nhận người mất như vậy là khá phức tạp để nói liệu người thứ ba hay người thứ hai đang cảm nhận điều đó hay không, bởi vì nếu bạn thật cố gắng cảm nhận một cái gì đó xung quanh, bạn sẽ cảm thấy nó.

  1. Có thể nhãn cầu gồm thủy tinh thể, võng mạc giúp thu nhận ánh sáng từ đối tượng? Nhưng nhãn thức là sự phân tích của não thông qua dây thần kinh mắt?

Đúng vậy, đúng là khoa học giải thích rằng có một thủy tinh thể,  có võng mạc, có mống mắt, cái này và cái kia, nhưng vâng, dĩ nhiên đây có thể là phương tiện, quy trình, nhưng tôi đang nói về những thứ hoàn toàn đều là những phần nhỏ, chúng đóng một vai trò cho đối tượng trình hiện đối với mắt, cho đối tượng trình hiện đối với nhãn lực. Vì vậy, nhãn thức với sự trợ giúp của nhãn lực, nên nó trợ giúp.

Nhưng nhãn thức là sự phân tích của não bộ thông qua các dây thần kinh mắt. Nhưng về cơ bản, đó không phải là nhãn thức mà nhãn thức đó biết, khi bạn nhìn chiếc xe, chiếc xe sẽ trình hiện đối với nhãn lực. Nhãn lực giúp cho nhãn thức nhìn thấy chiếc xe. Bạn nhìn thấy chiếc xe, nhưng bạn vẫn chưa biết, khi bạn nhìn thấy chiếc xe vào khoảnh khắc (sát na) thứ hai, nó đưa ra một thông điệp, kích hoạt ý thức, kích hoạt một tâm thức, đưa ra một loại thông điệp cho tâm thức của chúng ta.

Vì vậy, tâm tương tự khởi động để tâm nghĩ rằng “Ồ tôi có thể nhìn thấy một chiếc xe hơi”, khi bạn nhìn một chiếc xe hơi và khi tâm bạn nghĩ rằng “Ồ, tôi đã nhìn thấy một chiếc xe hơi”, nên điều đó xảy ra sau đó. Vì vậy, trước khi tâm đó nghĩ rằng bạn nhìn thấy một chiếc xe hơi, thì bạn đã nhìn thấy một chiếc xe hơi với nhãn thức rồi. Trước khi có nhãn thức đó, chiếc xe đã trình  hiện đối với nhãn lực của bạn rồi, đó là lý do tại sao phải mất một chút thời gian.

Bạn chạm vào một ngọn lửa và lúc đó bạn nghĩ rằng “Ồ, nó nung nóng, tôi bị phỏng”. Trước khi bạn nghĩ, thì căn thức đã phải cảm nhận, trước khi căn thức phải cảm nhận, thì căn lực phải trải qua, do đó tại sao khi bạn rụt tay lại, bạn đã phỏng một chút vì để tâm bạn mất một chút thời gian để suy nghĩ. Cho nên, khi tâm của bạn nghĩ rằng “Tôi nhìn thấy cái gì đó, tôi ngửi thấy cái gì đó, cái này và cái kia”, có nghĩa là bạn đã làm điều đó trong một sát na trước đó bởi vì nhãn thức của bạn nhìn thấy trước tiên, sau đó nó gửi một thông điệp cho tâm của bạn, nên khi tâm bạn suy nghĩ thì bạn đã ở sát na thứ hai.

  1. Từ lời giải thích của thầy về nhân duyên (điều kiện nhân quả), nếu một người thích ăn cá và nhiều thịt, đó là do thói quen trong quá khứ. Trong kiếp này, có lẽ điều quan trọng là phải sửa chữa một số thói quen trong quá khứ để giảm bớt ác nghiệp. Trái cây là một thứ, nhưng ăn thịt chúng sinh khác dường như để lại hậu quả nặng nề hơn. Tại sao một số người có thể thích ăn một số loại thịt?

Đúng, chắc chắn là như vậy, một số đứa trẻ chúng thích giết động vật, đó là do thói quen trong quá khứ, đó là lý do tại sao tôi nói cơ thể không còn nữa, lời nói bị quên đi, nhưng tâm vẫn tiếp tục. Vì vậy, nếu tâm được tạo thói quen giết hại động vật, thì trong kiếp sau, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy muốn giết, nếu tâm được tạo thói quen với lòng tốt và từ bi, thì bạn sinh ra đã có lòng tốt và từ bi ở kiếp sau.

  1. Chúng ta sinh ra trong cả 1000 lần trên hành tinh này. Thật vậy, nhưng lý thuyết này dạy chúng ta giảm bớt những đau khổ của mình bằng cách giảm số lần sinh ra nhất có thể. Tôi muốn biết chúng ta sẽ đi đâu sau khi nhập Niết bàn?

Tâm tự nó là ãlaya (tàng thức, thức căn bản của mọi hiện tượng, thức chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống). Ãlayah giống như một tâm thức nơi tất cả các hạt giống của nghiệp được lưu trữ, vì vậy Ãlaya giống như một kho chứa mà chính là tâm thức. Vì vậy, chúng ta tái sinh, chúng ta được sinh ra và lặp đi lặp lại và sự tái sinh của chúng ta là do ác nghiệp hoặc có thể là thiện nghiệp nhưng vẫn là con thuyền của chúng ta trong Luân hồi mà chúng ta không điều khiển được. Sau khi đạt được Niết bàn thì chúng ta có thể kiểm soát nơi chúng ta sinh ra và chết đi. Vì vậy, đó là sự khác biệt.

Source.
https://drive.google.com/drive/folders/1iL4lYG2Pj9vtHs1xsPQ-xDcHOTUALCuF?usp=sharing