Lorig: Way of Knowing Mind – Buổi 5

SESSION 5.

Bảy phân loại của tâm.
Cách tâm chứng đối tượng.

Hôm nay chúng ta sẽ nói về sự nhận thức [tánh biết, giác tri] hoặc tâm thức, nhưng chúng ta xem xét tâm thức từ một góc độ khác, như là bằng cách chia tâm thức thành ra bảy loại. Bạn đã nhận được một sơ đồ về nhóm có bảy giác tri nhỏ. Vì vậy, về cơ bản, chúng ta có thể nói đó là về bảy giác tri và tâm thức.

Về cơ bản đó là một trong những cách để phân loại giác tri thành một nhóm bảy loại và đây là một phân loại rất được biết đến. Bảy phân loại này khá quan trọng, bởi vì bảy phân loại này cho thấy làm thế nào mà một sự vô minh chuyển sang tâm thức xác thực. Nói một cách dễ hiểu, phân loại này giúp chúng ta hiểu làm thế nào sự hiểu lầm lại có thể được chuyển hóa thành sự hiểu biết xác thực.

Vì vậy, cách phân chia thành bảy loại này cũng giúp chúng ta hoặc nhắc lại cho chúng ta một trong những mục đích chính của việc học lorig hoặc học về tâm và sự nhận thức. Trước đó, tôi luôn nói rằng chúng ta phải học về tâm và sự nhận thức bởi vì hạnh phúc hoặc đau khổ của chúng ta không phải là cái gì ở ngoài, ở bên ngoài. Đau khổ là cái gì mà chúng ta trải nghiệm bên trong chúng ta và sự trải nghiệm đó không dựa vào những hiện tượng bên ngoài hoặc những thứ vật chất bên ngoài mà trải nghiệm hạnh phúc, bình an hoặc đau khổ hoặc nỗi đau hoàn toàn trong chúng ta, bên trong chúng ta.

Và đó là một số yếu tố nhỏ, một số điều nhỏ mà chúng ta không thể thay đổi ở bên trong mình, chẳng hạn, sự bám chấp hay lòng tham. Giả sử lòng tham là một trong những điều rất phổ biến, vì lòng tham, dù có nhiều bạn vẫn không vui, chưa tìm được sự mãn nguyện đó trong cuộc sống thì bạn vẫn chưa hài lòng với bất cứ thứ gì mình có. Nhiều người có đủ những gì họ cần để tồn tại hoặc để có một cuộc sống hạnh phúc trong thế giới này, nhưng họ vẫn đang tìm kiếm nhiều hơn nữa vì vậy họ đang trong một cuộc chạy đua để có được nhiều hơn nữa. Và rồi cuối cùng họ không thể sống một cuộc sống hạnh phúc bằng cách hy vọng rằng “Tôi sẽ sống hạnh phúc khi tôi có được một số vàng”, họ chạy theo một cái gì đó cho cả cuộc đời của họ và sau đó họ không thể tận hưởng cuộc sống đó chút nào. Chẳng hạn, nhiều người ngay cả trong số những hành giả đạo Phật, có nhiều người rất nóng tính là những Phật tử. Họ nghĩ rằng “Tôi sẽ tu tập, tôi sẽ thực hành sau, bây giờ tôi hơi bận rộn, tôi không thể thực hành nhiều, có lẽ tôi sẽ thực hành một số sau vài năm, sau lúc nào đó.” Một kiểu trì hoãn thực hành, trong khi họ đang gắn bó với một cái gì đó, trong khi họ bận rộn với một số thứ vật chất hoặc là tôi không có gì cả, bây giờ tôi phải tập trung vào công việc của mình, hoặc bây giờ tôi phải tập trung vào việc học của mình, tôi sẽ thực hành sự nhẫn nhịn sau này. Rất nhiều trường hợp chúng ta dành cả cuộc đời để hy vọng và nghĩ rằng mình sẽ tu tập sau này hoặc có thể là lần sau hoặc tương tự như vậy. Và rồi có nhiều trường hợp, ngay cả khi cần phải rộng rãi để đối xử tử tế với những người đang gặp khó khăn.

Tôi thường nói khi bạn không thể rộng rãi khi bạn có 15 đô la, thì bạn sẽ không thể thực hiện lòng tốt ngay cả khi bạn có 15 triệu. Bởi vì nếu bạn nghĩ rằng “tôi chỉ có 15 đô la, tôi muốn có thêm một số nữa như vậy tôi mới có thể tử tế, bây giờ tôi không thể rộng rãi được”, thì đây là một loại bẫy mà chúng ta có thể mắc vào, khi bạn không thể để thực hành khi bạn có 15 đô la, tôi thường nói rằng bạn sẽ không thể thực hành bố thí mặc dù bạn có 15 triệu. Đó không phải là những gì bạn có, không phải là bạn có bao nhiêu, mà là bạn sẵn sàng cho đi bao nhiêu, bạn có thể hy sinh bao nhiêu, bạn có thể chia cho bao nhiêu, bạn có thể chia sẻ bao nhiêu nếu tâm bạn không thể nhường bớt khi bạn có 15 đô trong tâm, là cùng một tâm. Khi bạn không thể nhường bớt thứ gì đó khi bạncó  15 đô, thì ngay cả khi bạn có 150 đô, bạn cũng sẽ không thể nhường bớt vì tâm đó giống như là “Bây giờ tôi không muốn cho, có thể tôi sẽ cho sau”, vì thái độ đó vẫn còn.

Có rất nhiều yếu tố khá dễ dàng và đơn giản nhưng nhiều người lại hoàn toàn không biết về nó, đó là lý do tại sao nhiều người nghĩ rằng “Tôi sẽ hạnh phúc nếu tôi nhận được công việc đó hoặc tôi sẽ hạnh phúc nếu tôi có được thứ đó” . Hạnh phúc, như tôi vẫn luôn nói, đó là một trạng thái của tâm, đó chỉ là cảm thọ hài lòng, đó chỉ là cảm giác mãn nguyện và hoàn toàn nằm trong tay bạn. Bạn có thể hạnh phúc ngay bây giờ nếu bạn chỉ nghĩ rằng “OK, thế là đủ, tôi có những gì tôi có”. Khoảnh khắc bạn nghĩ về điều này, khoảnh khắc bạn thực sự nghĩ về điều đó từ tâm của mình, thì giống như bạn rơi vào một không gian khác của  hạnh phúc. Bạn không cần phải thay đổi nơi ở, bạn không cần phải thay đổi bất cứ điều gì, bạn cũng có thể hạnh phúc.

Khoảnh khắc bạn nghĩ rằng “Ồ, tôi cần cái kia hoặc tôi đang thiếu, OK, tôi cần cái này, tôi cần cái kia và cái này”, thì tâm của bạn đang chạy đua. Giống như cơn khát ngày càng nhiều hơn, khi khát bạn không bao giờ có thể bình yên, cho nên đây là cách tôi đã nói suốt thời gian qua tại sao chúng ta phải hiểu tâm thức. Vì vậy, hôm nay từ bảy loại tâm này chúng ta có thể sẽ hiểu rằng nhiều đau khổ, vấn đề và nỗi đau là do sự vô minh, là do chúng ta không thể hiểu, là do chúng ta không hiểu sự thật, thực tế.

Chúng ta thường bị mắc kẹt trong tâm thức hoang tưởng của chính mình, nói chung là chúng ta luôn đổ lỗi, chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm bất cứ khi nào chúng ta gặp vấn đề hoặc nỗi đau hay khó chịu hay bất cứ điều gì khác, chúng ta luôn tìm kiếm, để ý để đổ lỗi cho một điều gì đó, ” Ô xe của tôi không tốt, cái này của tôi không tốt, cái kia của tôi không tốt hay là lý do này, là lý do kia”. Trong thực tế, lý do có thể là như thế nào? Tâm thức không được thuần hóa, tâm thức không có kỷ luật, đó là lý do tại sao chúng ta phải trải qua tất cả những thăng trầm cho những vấn đề này.

Vì vậy, để biến đổi hay chuyển hóa tâm điên đảo [tâm sai trái] hoặc tâm sai loạn, tâm vô minh thành ra sự nhận thức [giác tri], trạng thái tỉnh thức, nói chung đó chỉ là một cách chúng ta phải trải qua năm, sáu tâm trí khác nhau này, đó là một cách. Nó không giống như bạn phải đi theo một trình tự cho tất cả những thứ này, nhưng đây là một trong những cách để hiểu làm thế nào một mức độ có thể vươn tới mức tiếp theo, làm thế nào để mức tiếp theo có thể vươn tới mức tiếp theo của mức đó.

BẢY PHÂN LOẠI CỦA TÂM

Bảy tâm nhận thức và giác tri mà chúng ta sẽ trải qua là ‘hiện lượng’ [giác tri xác thực trực tiếp], lần trước tôi đã nói về các ‘hiện tiền’ [tâm nhận biết trực tiếp], tôi đã nói về sáu loại tâm hiện tiền, năm căn thức, và kế đó là ý hiện tiền, nên tâm hiện tiền không nhất thiết phải là một tâm xác thực. Đầu tiên tôi sẽ giải thích thế nào là ‘lượng’ [giác tri xác thực] và ‘tái quyết tri’ [giác tri tiếp theo sau] là gì, điều này thực sự dễ dàng, hãy bình tĩnh, đây là điều mà chúng ta trải nghiệm hàng ngày. Thường bạn nói rằng “Ồ, đến bảy loại hoặc lần trước đã là bốn loại và thực không dễ gì, hôm nay đến bảy loại, sẽ thực sự khó “. Thật ra là dễ!

Về cơ bản bảy loại là: ba tâm đầu tiên là hiện lượng [giác tri xác thực trực tiếp], tỷ lượng [giác tri xác thực bằng luận đoán] và tái quyết tri [giác tri tiếp theo sau] – Ba giác tri này, tâm thứ nhất, thứ hai và thứ ba đều là tâm chứng được đối tượng, biết đối tượng của nó – bốn tâm còn lại không nhận ra đối tượng của nó, ví dụ, sự nghi ngờ không biết đối tượng của nó, nhầm lẫn về đối tượng. Vì vậy, ba tâm đầu tiên chứng được đối tượng của nó, bốn tâm còn lại không chứng được đối tượng của nó. Rất đơn giản!

Ba giác tri đầu tiên chứng được đối tượng: hiện lượng, tỷ lượng và tái quyết tri.

Trong số ba giác tri đầu tiên, để chứng được đối tượng, thì hai tâm thức đầu tiên là ‘lượng’ và tâm thức thứ ba là ‘tái quyết tri’, ‘tái’ có nghĩa là tâm thức thứ ba là khoảnh khắc sau của hai tâm thức đầu tiên.

Khi bạn nhìn vào chiếc xe, nhãn thức của bạn sẽ chứng được chiếc xe. Khoảnh khắc [sát na] đầu tiên nó nhận ra bởi chính nó mà không phụ thuộc vào các tâm thức khác hoặc bất kỳ tâm thức nào trước đó. Nhờ lực riêng của mình, nó chứng được chiếc xe. Bạn nhìn vào chiếc xe, bạn nhận ra chiếc xe và khoảnh khắc thứ hai dựa vào khoảnh khắc đầu tiên của nhãn thức. Khoảnh khắc đầu tiên, tâm rất rõ ràng, đồng thời, khoảnh khắc đầu tiên như là nó tự dùng năng lượng riêng của nó hoặc bằng lực riêng của nó. Khoảnh khắc thứ hai của nhãn thức trở thành ‘tái quyết tri’. Vì vậy, một tâm thức mới, không nhầm lẫn thật sự là định nghĩa của  ‘lượng’. Tâm thức thứ nhất và thứ hai là lượng, nó phải là mới, điều này có nghĩa là nó không bị cảm ứng bởi một số các ‘lượng’ khác. Nó phải là mới, mới chứng được cái gì đó. Khoảnh khắc thứ hai của tâm này trở thành tái quyết tri [giác tri tiếp theo sau].

Vì vậy hai tâm đầu tiên: tâm thứ nhất là ‘hiện lượng’, có nghĩa là nó chứng được đối tượng một cách trực tiếp như mắt-xe hơi; tâm thứ hai là ‘tỷ lượng’. Tỷ lượng như là bạn không trực tiếp nhận ra đối tượng, mà bạn nhận ra điều gì đó bằng cách suy nghĩ lý lẽ. Bạn nhìn vào chiếc xe và bạn nhận ra chiếc xe đó, bạn không cần phải suy nghĩ về bất kỳ lý lẽ nào. Một trong những ví dụ phổ biến là: giả sử có một ngọn núi, và có một khu rừng phía sau ngọn núi mà bạn biết, nhưng bạn đang ở bên này của ngọn núi, và sau đó bạn có thể thấy một làn khói lớn bốc lên từ ngọn núi, phía bên kia ngọn núi, từ phần bên kia của ngọn núi một làn khói lớn bốc lên. Bạn nhận ra điều gì? Rằng có thể có lửa, rừng gây ra cháy. Qua dấu hiệu hoặc qua lý lẽ có nhiều khói bốc lên có nghĩa là đám cháy đang diễn ra mặc dù mắt bạn không nhìn thấy ngọn lửa. Bạn chỉ biết qua suy nghĩ lý lẽ “OK, có đám cháy vì tôi có thể nhìn thấy khói”. Vì vậy, bạn nhận ra rằng khu rừng gây ra hỏa hoạn, đó là ‘tỷ độ’ [giác tri bằng luận đoán]. Vì vậy, sát na đầu tiên của tâm đó cũng là một ‘lượng’ và sát na thứ hai của tâm đó là một ‘tái quyết tri’.

Tóm lại.

Vậy, tôi sẽ lặp lại tâm thứ nhất, thứ hai và thứ ba, đó là những tâm thức chứng được đối tượng. Tâm đầu tiên là ‘hiện lượng’ biết đối tượng của nó một cách trực tiếp mà không cần suy nghĩ bất kỳ lý lẽ nào, chúng ta chỉ nhận ra nó một cách trực tiếp. Tâm thứ hai là ‘tỷ lượng’ phải dựa vào một số lý lẽ và qua tâm của bạn, tâm thứ hai không thể là nhãn thức của bạn, tâm thứ hai không thể là bất kỳ tâm của năm giác quan. ‘Tỷ độ’ không thể là tỵ thức hoặc thiệt thức hoặc nhĩ thức hoặc thân thức của bạn. Nó phải là ý thức bởi vì bạn đang suy nghĩ, rồi bạn đang nhận ra “Ồ, phải có lửa”. Vì vậy mà mắt của bạn không thể suy nghĩ, tai của bạn không thể suy nghĩ, cho nên đó là lý do tại sao năm căn thức thường được gọi là tâm thức ngu ngốc, bởi vì năm căn thức không thể tự mình suy nghĩ.

Vì vậy, ba thức đầu tiên chứng được đối tượng. Tôi lặp lại một lần nữa, ‘hiện lượng’ như là nhãn thức mới nhận ra đối tượng, nhĩ thức mới nhận ra và ý thức cũng mới nhận ra đối tượng giống như một thần thông. Vì vậy, tâm thứ hai cũng là một tâm thức mới tri nhận nhưng thông qua một số lý lẽ và phải có một ý thức. Tâm thứ ba về cơ bản là sát na thứ hai của tâm đầu tiên và của tâm thứ hai, bởi vì hai tâm này phải là mới tri nhận, tâm thức mới nhận ra đối tượng. Do đó, sát na thứ hai của tâm thứ nhất, rồi sát na thứ hai của tâm thứ hai trở thành tâm thứ ba. Và dĩ nhiên, tâm thứ ba là ‘tái quyết tri’ hoặc phải được cảm ứng bởi ‘hiện lượng’ hoặc nó phải được cảm ứng bởi  ‘tỷ độ’. OK, ba tâm thức đầu tiên.

Bốn tâm thức còn lại không chứng được đối tượng: tứ sát tri, hiển nhi bất định, tâm nghi, tâm điên đảo.

  • Tứ sát tri [tâm thức giả định là đúng].

Bây giờ chúng ta còn lại bốn tâm. Các tâm đầu tiên là khá đơn giản, và bốn tâm còn lại thậm chí còn đơn giản hơn. Vậy, tâm thứ tư là ‘tứ sát tri’, tâm thứ tư về cơ bản phải là một ý thức, một tâm thức tư duy. Đó là ‘một ý nghĩ phân biệt’ không chứng được đối tượng của nó, không nhận ra nhưng cách nó giả định là đúng đắn. Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng “OK, cây cối là vô thường”. Không có cây nào là vĩnh viễn, cây luôn thay đổi, chẳng hạn cây táo không trở thành cây xoài mà cây táo là cây táo nhưng nó thay đổi từng sát na. Luôn luôn có sự thay đổi, vì vậy nếu một người nghĩ rằng cây táo là vĩnh viễn, thì đó không phải là giả định đúng đắn. Đó không phải là ‘tứ sát tri’ nếu tư duy nghĩ một cái gì đó và nếu nó không đúng.

Một ý nghĩ phải là tư tưởng không phải hai phía như là ‘có thể là thường hằng’ hoặc ‘có thể là vô thường’, nếu một tâm thức suy nghĩ như vậy thì nó trở thành ‘tâm nghi’, ‘tứ sát tri’ phải là ý nghĩ phân biệt nghĩ theo một phía rằng “OK cái này là cái kia, cây là vô thường”, nên là ‘tứ sát tri’. Tôi sẽ nói sau về mối liên hệ giữa bảy tâm thức này, nhưng trước tiên chúng ta sẽ chỉ xem xét về cơ bản ý nghĩa của ‘tứ sát tri’ là gì. Nên điều đó khá đơn giản, nó phải là một ý thức, và kế đó nó phải nắm bắt [chấp trì] hoặc nhận biết đối tượng của mình một cách đúng đắn, nhưng nó lại không nhận ra đối tượng của mình, nó chỉ đang giả định. Đó là tâm thức thứ tư.

  • Hiển nhi bất định [giác tri mà đối tượng trình hiện không được xác định chắc chắn].

Bây giờ, là tâm thứ năm là ‘hiển nhi bất định’ [giác tri mà đối tượng trình hiện không được xác định chắc chắn, không được nhận ra]. Vậy tâm thứ năm là một tâm thức, đối tượng trình hiện đối với tâm thức nhưng tâm thức lại không thể chứng được đối tượng. Ví dụ, nếu bạn đang nghe một bản nhạc rất hay, sau đó bạn hoàn toàn đắm chìm vào bản nhạc và rồi có người đi lướt qua, giống như người đó đã trình hiện đối với bạn, nhưng bạn lại không thể nhận ra người đó. Nếu có ai hỏi bạn là ai vậy? thì bạn như là “Ồ, tôi có thấy ai đó đi ngang qua, nhưng tôi không chắc đó là ai”. Bạn đang ăn một món ăn rất ngon và rồi có ai đó nói điều gì và bạn thực sự không nghe thấy người đó nói gì cả. Có một giác tri, nhĩ thức trở thành ‘hiển nhi bất định’, có nghĩa là không chứng được, bạn không thể nhận ra.

Đôi khi bạn xem giả sử một bộ phim, bạn đang xem một bộ phim rất hay. Giả định bạn đang xem một bộ phim và rồi bạn đang ăn bắp rang, bạn thực sự thích bộ phim và có bắp rang gần bên và bạn tiếp tục ăn bắp rang và trước khi bộ phim kết thúc, giả sử bắp rang cũng hết và sau đó nếu có ai hỏi bạn chẳng hạn “Bắp rang có vị gì?”. Nếu bạn thực sự bị đắm chìm vào bộ phim, thì đôi khi bạn thậm chí không biết hương vị là gì. Bạn đang ăn bắp rang nhưng bạn bị cuốn vào bộ phim đến nỗi bạn không biết mùi vị của bắp rang là gì? Đó là vị đường caramen hay sô cô la hay là vị mặn hay nó là vị gì?

Nên thiệt thức của bạn trở thành tâm này. Dĩ nhiên, thiệt thức của bạn trở thành giác tri mà đối với giác tri đó đối tượng trình hiện, nếu đó là vị mặn hay đường caramen, sô cô la, bất cứ hương vị nào, thì hương vị đó đã trình hiện đối với thiệt thức của bạn. Nhưng bạn đã không thể nhận ra nó vì bạn đã quá gắn chặt hoặc bạn đã bị cuốn vào bộ phim quá nhiều. Vì vậy, khi đó giác tri đó trở thành ‘hiển nhi bất định’. Đó là tâm thứ năm.

  • Tâm nghi

Và tâm thức thứ sáu là tâm nghi. Tâm nghi như trong trường hợp tương tự, giả sử bạn không thích vị mặn, nhưng bạn biết rằng bạn rất thích bắp rang. “Nếu bắp rang có vị mặn, tôi thường không ăn được” thì bây giờ bạn có sự nghi ngờ, có thể đó là vị đường caramen hoặc có thể là vị sô cô la thì bạn có sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ thì các bạn ai cũng  biết nhưng sự nghi ngờ có tới ba loại:

  • Hợp nghĩa nghi [nghi ngờ có xu hướng hướng tới đúng đắn, sự kiện thật];
  • Bất hợp nghĩa nghi [nghi ngờ có xu hướng hướng tới sự giả dối (sự kiện không thật)]và
  • Đẳng phần nghi [nghi ngờ bằng nhau].

Giống như nếu bạn nghĩ rằng có người từ một quốc gia nào khác không thực sự chắc chắn liệu Biden có phải là Tổng thống của Hoa Kỳ hay không nhưng anh ta nghĩ rằng có thể Biden là tổng thống hoặc có thể Biden không phải là tổng thống, thì đó là ‘đẳng phần nghi’. Sự nghi ngờ này có vẻ bằng nhau, có thể có, có thể không, như nhau. Nếu một người có sự nghi ngờ nhưng người đó nghĩ rằng “Có thể Biden là tổng thống hoặc không là tổng thống?”, Nhưng sau đó anh ta nghĩ rằng “Có thể ông ấy là tổng thống”, thì đó là ‘hợp nghĩa nghi’. Nếu bạn nghĩ rằng “Có thể ông ấy không phải là tổng thống”, thì đây là một nghi ngờ, nhưng có thể ông ấy không phải, thì điều đó là ‘bất hợp nghĩa nghi’.

Điều này rất quan trọng, ý tôi là tôi thực sự nghĩ nó rất quan trọng vì chẳng hạn “có thể có” và đúng là có một sự khác biệt rất lớn. Nhiều người đưa ra kết luận trên “có thể có”, nhiều người đưa ra kết luận dựa trên “có thể không”, dù cho ‘có thể có’ hoặc ‘có thể không’, nó có thể nghĩa là nghi ngờ, có nghĩa là không nhận ra và khi đó tâm thức đó không đáng tin cậy. Ngay cả khi bạn nghe thấy mọi người nói chuyện, ngay cả trong những bộ phim mới nhất hay ở bất cứ đâu, thậm chí là trong cuộc sống thực, thì ‘có lẽ là điều đó’. Và tôi cũng thấy rằng mọi người đang đặt cược dựa trên ‘có thể có’, điều này thực sự tức cười. ‘Có thể có’ đó là một sự nghi ngờ, ‘tâm nghi’, và ‘tâm nghi’ không đáng tin cậy, ‘có thể có’ có thể là bất hợp nghĩa nghi, có thể là hợp nghĩa nghi. Nếu bạn so sánh “có thể có” và ‘tỷ độ’ [giác tri bằng luận đoán], thì ‘tỷ độ’ là một ‘lượng’. Vì vậy, thay vì dựa vào ‘có thể có’ hoặc ‘có thể không’, quan trọng là phải nghĩ về lý lẽ, dựa vào bộ não, cố gắng suy nghĩ, cố gắng phân tích. Dù sao thì ‘tâm nghi’ là tâm thứ sáu.

  • Tâm điên đảo [tâm sai lầm/sai trái]

Tâm thức thứ bảy là ‘tâm điên đảo’. Vì vậy, tâm điên đảo là một tâm thức nắm bắt đối tượng mà đối tượng đó không tồn tại. “Ồ, tôi thấy ma!”, ma tồn tại, tâm đó không sao cả, nếu ma không tồn tại ở đó, thì đó là ‘tâm điên đảo’. Ngay cả một tâm thức nghĩ rằng có thể Biden không phải là tổng thống cũng là một ‘tâm điên đảo’, bởi vì ông ta là tổng thống. Bạn gặp một người lạ nào đó, và bình thường chúng ta đã quá quen với việc đưa ra kết luận, đây là tâm của chúng ta, bởi vì tâm thức của chúng ta đã quá quen với điều đó. Như tôi đã nói trước đó trong một số buổi học rằng tâm của chúng ta không thể tập trung vào một chủ đề trong một thời gian dài, nó có thể tập trung trong thời gian rất ngắn, vì vậy khi nói chuyện với ai đó bạn thường bỏ lỡ nhiều thứ, nhưng bạn luôn điền vào điều gì đó bằng chính tâm của mình. Khi chúng ta lắng nghe một điều gì và sau đó chúng ta nghĩ rằng “Ồ đó là điều đó, có thứ đó”, nhưng thường thì những gì chúng ta nghĩ và những suy nghĩ đó có thể là một ‘tâm điên đảo’.

Cho nên điều rất quan trọng là phải suy nghĩ lại, dù cho bạn nghĩ đó là điều bạn biết hoặc bạn đã nghe, nhưng nếu điều đó quan trọng thì bạn nên và phải xác nhận lại. Bởi vì tâm của chúng ta đã quá quen đưa ra kết luận rất dễ dàng. Nói chung, khi một người gặp một người nữa, “Ồ, anh ta có thể là người xấu, ồ anh ta có thể là người này, anh ta có thể là người kia, v.v.”, chúng ta thường đưa ra kết luận như thể chúng ta là Phật, như thể chúng ta biết tất cả mọi thứ. Nhiều người dựa trên những cảm tính, bạn gặp ai đó “Tôi cảm thấy điều đó” sau đó bạn đưa ra kết luận chẳng hạn hoặc người đó tốt hoặc người xấu.

Một trong những lợi thế đối với một thầy tu là mọi người nói chung đều nghĩ rằng “Ồ ông ấy là một nhà sư, đó phải là một người rất tốt” và nếu một người luộm thuộm trong một khung cảnh hoạt động như vậy, thì một kết luận ngay lập tức như “Ồ hắn ta có thể rất xấu hoặc hắn ta là một kẻ ăn xin hoặc hắn ta phải là một tên trộm ”. Những kết luận như vậy dựa trên cảm tính thường là ‘tâm điên đảo’.

CÁCH TÂM CHỨNG ĐỐI TƯỢNG [NHẬN RA ĐỐI TƯỢNG]

Lý do tại sao tôi nói là vì tâm dẫn dắt chúng ta, thường là một số tình huống lạ lẫm. Cho nên từ ‘tâm điên đảo’ như vậy, trước tiên là một tâm điên đảo, bạn nghĩ về một lý lẽ, sau đó bạn trở nên nghi ngờ, ‘tâm nghi’,  và sau đó nếu bạn nghĩ đến một lý lẽ khác hoặc bạn nghe ai đó biết về nó, thì nó sẽ trở thành ‘tứ sát tri’ như “OK, anh ta là người tốt”, nhưng bạn vẫn không nhận ra bằng cách nào và tại sao anh ấy hoặc cô ấy là một người tốt, nhưng chúng ta giả định đúng như vậy. Sau đó, bạn nghĩ đến một lý lẽ “OK, bởi vì anh ta là thế này, thế này và thế kia” thì bạn có một ‘tỷ độ’, bạn nhận ra.

Khoảnh khắc thứ hai của ‘tỷ độ’ là ‘tái quyết tri’ hoặc bạn thấy người đó uống thứ gì đó hiệu quả, đủ lý lẽ để nói người đó là tốt. Vì vậy, trong trường hợp đó, bạn có một ‘hiện lượng’, bạn nhìn thấy nó bởi chính bạn.

Trong Đạo Phật, chúng ta nói mỗi một thứ đều là vô thường, chúng ta phải hiểu sự thay đổi, chúng ta phải hiểu bản chất thay đổi từng sát na. Đầu tiên, bạn có thể có một ‘tâm điên đảo’ chẳng hạn “Không, không phải mọi thứ đều thay đổi, có nhiều thứ không hề thay đổi.”, đó là một ‘tâm điên đảo’. Sau đó, bạn nói như “Ồ có một sự thay đổi”, bởi vì ngay cả từ những lý lẽ khoa học, mỗi một hiện tượng thay đổi trong một năm hoặc trong một thập kỷ, sự thay đổi diễn ra từng giây phút. Ngay cả từ cách tiếp cận khoa học, nó phải thay đổi vì phần electron luôn chuyển động, thậm chí trong một tế bào nếu bạn nhìn rất kỹ, rất sâu thì giống như một nhung mao, có quá nhiều thứ, quá nhiều diễn biến. Tôi đã nghe nói rằng có một số nhà nghiên cứu dành khoảng 20-30 năm chỉ nghiên cứu một tế bào, và cũng có nhiều người trong lĩnh vực y tế, cách thuốc phản ứng với tế bào để diệt tế bào như vậy hay bất cứ điều gì,… Tôi không biết nhiều, nhưng tôi nghe nói rằng có những người dành tới 20 năm chỉ để khám phá những gì bên trong một tế bào, có quá nhiều thứ, và rồi một điều mà chúng ta có thể hiểu như là có rất nhiều thứ luôn chuyển động, thay đổi trong từng khoảnh khắc.

Vì vậy, nếu bạn giải thích theo cách này và ngay cả một hiện tượng rắn như kim cương, chúng cũng thay đổi. Đó chỉ là sự thay đổi không diễn ra ở rất gần chúng ta, nhưng nếu bạn nhìn thật kỹ, nếu bạn nhìn nó từ những góc độ khác nhau mà mắt thường của một người không thể cảm nhận được, thì bạn sẽ thấy những sự vật biến đổi. Vì vậy, từ quan điểm đó, bây giờ bạn có thể có sự nghi ngờ, giống như mọi thứ có thể là vô thường, mọi hiện tượng chức năng có thể là vô thường, nên nó không khác gì ‘tâm nghi’. Nếu ai đó nói “Hãy nhìn cái cây kia thay đổi”, thì sự thay đổi diễn ra ở cái cây và nhãn thức của chúng ta sẽ trở thành ‘hiển nhi bất định’ [giác tri mà đối với giác tri đó đối tượng trình hiện không xác định], tâm thứ năm. Bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thứ sáu là ‘tâm nghi’. ‘Tâm điên đảo’, tâm thứ bảy, trở thành ‘tâm nghi’ khi bạn nghe một số lý lẽ rằng mọi thứ là vô thường, rồi đến mức độ tiếp theo.

Nếu bạn nhìn thấy những chiếc lá hoặc một cái cây, những hiện tượng xung quanh chúng ta, và nếu ai đó nói như là mọi thứ đang thay đổi trong từng sát na, sự vật trình hiện đối với mắt chúng ta, sự thay đổi trình hiện đối với mắt, nhưng chúng ta không thể hiểu hoặc nhận ra nó bởi vì nó rất vi tế, sự thay đổi đó rất vi tế. Mặc dù nó trình hiện đối với mắt của chúng ta, nhưng mắt của chúng ta cũng không thể nhận ra, một là nó rất nhanh, hai là nó rất vi tế. Sự thay đổi diễn ra rất chậm hoặc rất vi tế, đó là lý do tại sao mắt chúng ta không thể nhận ra, ở giai đoạn này chúng ta đang ở giai đoạn tâm thứ năm, giác tri mà đối với giác tri đó đối tượng trình hiện, sự thay đổi trình hiện, sự thay đổi trong từng sát na trình hiện, nhưng chúng ta không có thể nào nhận ra thì chúng ta đang ở giai đoạn tâm thứ năm.

Sau đó, chúng ta nghĩ đến một số lý lẽ khác, thời điểm đó, mọi thứ đang thay đổi trong từng sát na, khi đó bạn nói như là “Ừ, nó phải đang thay đổi, nó phải thay đổi vì tôi thấy sự thay đổi trong một tháng”. Sự thay đổi diễn ra trong một tháng, không xảy ra vào ngày cuối cùng hoặc không đột ngột. Nó phải diễn ra hàng tuần, hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây, hàng mili giây. Vì vậy, khi đó bạn giả định rằng “Đúng rồi, nó phải thay đổi”. Nếu không có sự thay đổi trong một ngày, sẽ không có sự thay đổi trong một tuần, vì vậy ở giai đoạn đó bạn có ‘tứ sát tri’.

Bạn có ‘tứ sát tri’, nhưng bạn vẫn không nhận ra rằng mọi sự vật đang thay đổi trong từng sát na. Khi bạn nghĩ đến một lý lẽ rằng mỗi một thứ mà chúng ta thấy được tạo thành từ nhiều yếu tố nhỏ, nhiều nguyên tử nhỏ. Mọi hình tướng đều được tạo thành từ các electron, neutron, proton không kém hơn. Và từ quan điểm của Đạo Phật, tôi muốn nói bốn yếu tố, mọi hình tướng mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt của mình đều được tạo thành từ những yếu tố như yếu tố lửa, yếu tố nước, yếu tố đất và yếu tố gió. Vì vậy những yếu tố này đang thay đổi từng sát na, do đó khi các nguyên nhân thay đổi từng sát na thì hình tướng phải thay đổi bởi vì các nguyên nhân đang thay đổi, các nguyên nhân không ổn định nên các kết quả không thể ổn định trong một hình tướng.

Bằng cách luôn nghĩ điều này, bằng cách nghĩ rằng mọi sự vật thay đổi trong thời gian dài, thì nó phải thay đổi trong khoảng thời gian ngắn, bằng cách nghĩ đến lý lẽ này lần nữa, bằng cách nghĩ nhiều lý lẽ khác, rồi dần dần bạn có thể nhận ra điều đó qua một lý lẽ. Giống như vì có khói thì phải có lửa, vì vậy khi nhìn thấy khói, chúng ta hiểu rằng có một đám cháy đang bốc cháy trên rừng. Cho nên, tương tự như vậy bằng cách suy nghĩ sự tăng trưởng thay đổi và kế đó bằng cách nghĩ rằng sự thay đổi tăng trưởng phải diễn ra từ từ, dần dần từng sát na, và rồi bằng cách suy nghĩ lặp đi lặp lại, chúng ta có thể hiểu rằng vạn vật đang thay đổi từng sát na, do đó mọi hiện tượng chức năng đều vô thường. Nên tại thời điểm đó bạn có ‘tỷ độ’, ‘tỷ lượng’, đó là lúc bạn nhận ra.

‘Tỷ lượng đó’ nếu bạn kết hợp với thiền định, nếu bạn kết hợp với định nhất tâm và thiền tuệ đặc biệt, thông qua đó nếu bạn thực hành lâu dài, thì bạn có thể sẽ nhận ra rằng mọi thứ là vô thường, thay đổi từng sát na. Bạn nhận ra như thể bạn nhìn thấy một chiếc xe một cách trực tiếp mà không cần dựa vào nghĩa tổng [hình ảnh tượng tượng trong tâm], không dựa vào bất kỳ hình ảnh nào, bạn có thể sẽ nhìn thấy mọi thứ rất rõ ràng như thể bạn nhìn vào lòng bàn tay của mình. Vì vậy, một người có thể đạt đến một giai đoạn như vậy.

Thay đổi trong từng sát na là sự thay đổi diễn ra trong từng mili giây mà mắt chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng qua thiền định nhất tâm, nếu bạn thực hành nó trong một thời gian khá lâu, thì bạn có thể đạt đến giai đoạn mà bạn có thể phát triển một ý thức như tôi đã đề cập trước đó, du già hiện tiền. Khi bạn phát triển du già hiện tiền, bạn có thể sẽ nhận ra đối tượng thay đổi, một sự thay đổi rất vi tế như thể bạn nhìn vào lòng bàn tay rất rõ ràng mà không cần phải qua bất kỳ hình ảnh nào. Bạn có thể sẽ thấy sự thay đổi như thể bạn nhìn vào chiếc xe hơi.

Vậy giai đoạn đó bạn đã đạt đến phân loại tâm đầu tiên là ‘hiện lượng’ và sát na thứ hai của ‘hiện lượng’ hoặc sát na thứ hai của ‘tỷ lượng’ là ‘tái quyết tri’. Do đó, để nhận hoặc đạt được một ‘hiện lượng’ như vậy, bạn phải đi qua ‘tỷ lượng’ bởi vì trước tiên bạn phải chứng được qua một số lý lẽ, sau đó bạn phải luôn suy nghĩ về nó, rồi ‘tỷ lượng’ trở thành ‘tái quyết tri’. Sau đó, ‘tái quyết tri’, bạn nghĩ đi nghĩ lại về nó, rồi từ từ bạn đạt đến ‘giai đoạn arya’ [giai đoạn bậc thánh], và lúc đó bạn có thể sẽ có các ‘hiện lượng’.

Tôi đang nói về sự vô thường, nhưng ‘hiện lượng’ là nhãn thức nhìn vào chiếc xe của chúng ta cũng là ‘hiện lượng’ không làm cho phức tạp. Nhưng khi đến tới vô thường là sự thay đổi trong từng sát na thì phải đạt tới giai đoạn mà bạn có được năng lực như vậy và sự thiền định của bạn rất cao và khi đó bạn nhận được du già hiện tiền nào đó và rồi bạn chứng được sự vô thường một cách trực tiếp. Nhưng để làm cho nó đơn giản và để biết nó một cách thật đơn giản với những thứ rất đơn giản như bạn chỉ nghĩ về một chiếc xe hơi.

Nếu bạn gắn cả bảy tâm với chiếc xe, nếu đó là Ferrari hay BMW, nếu bạn không biết về BMW và bạn nghĩ rằng BMW là Ferrari hoặc Ferrari là BMW, đó là một ‘tâm điên đảo’, thì có người sẽ nói “Ồ không, đây là BMW, không phải Ferrari”, khi đó bạn có sự nghi ngờ “OK, có thể phải, có thể không”, bạn nghi ngờ. Sau đó, nếu chiếc BMW đến và chạy rất nhanh, chúng ta nghĩ rằng chiếc BMW trình hiện đối với mắt bạn hoặc một chiếc Ferrari trình hiện đối với mắt bạn, nhưng khi đó bạn không thể nào nhận ra rõ ràng đó là những tính năng gì, khác với Ferrari hay BMW như thế nào, khi đó nó trở thành ‘hiển nhi bất định’. Sau đó, có người đến gặp bạn và giải thích cho bạn một chiếc BMW phải là như thế này, thế này và thế kia trong khi chiếc Ferrari phải là như thế này, thế này và thế kia hoặc đó chỉ là khác nhau về công ty, hoặc tính năng này ở chỗ kia, không phải ở chỗ này, thì bạn OK, bạn nghĩ rằng bạn hiểu, nhưng nó không giống như bạn chứng được [nhận ra] chiếc xe. Khi bạn nghĩ rằng “Ồ OK, giờ tôi hiểu rồi”, lúc đó bạn có ‘tứ sát tri’, hiểu được sự khác biệt giữa BMW và Ferrari, sau đó bạn nghiên cứu thêm một chút và rồi bạn chứng ngộ được.

Khoảnh khắc đầu tiên mà bạn chứng ngộ trở thành ‘tỷ lượng’, bạn nhận ra điều đó. Sau đó, sát na thứ hai, trở thành ‘tái quyết tri’, bạn nhận ra chiếc xe nhưng không phải bởi chính nó, mà bởi lực của tâm thức đó. ‘Tái quyết tri’ là do điều này điều nọ, rồi đột nhiên cả hai chiếc xe đến hoặc có thể bạn đi đến một nơi mà bạn có thể nhìn thấy cả Ferrari và BMW, nhưng bạn nhìn thấy cả hai chiếc xe bằng nhãn thức xác thực của bạn, thì đó là ‘hiện lượng’, bạn nhìn thấy nó một cách trực tiếp mà không cần thông qua bất kỳ lý lẽ nào hoặc không thông qua bất kỳ điều kiện [duyên] nào, sự giải thích nào hoặc bằng cách không dựa vào tâm thức khác, nhãn thức của bạn tự nhìn thấy. Đó là ‘hiện lượng’.

KẾT LUẬN.

  1. Ba thức đầu tiên là tâm thức chứng được đối tượng:

        –    ‘Hiện lượng’ là tâm thức không dựa vào nghĩa tổng, nghĩa là bạn nhìn thấy nó một cách trực tiếp, không chỉ thấy mà bạn nhận ra nó một cách trực tiếp, nhưng nó phải là                  sát na đầu tiên.
        –     ‘Tỷ độ’, bạn chứng được đối tượng, cũng là sát na đầu tiên, nhưng thông qua một số lý lẽ.
        –     ‘Tái quyết tri’ là sát na thứ hai của tâm thứ nhất và thứ hai này.

Ba tâm này là tâm thức quán tưởng đối tượng.

  1. Bốn tâm thức khác không chứng được đối tượng của nó.
  • Tâm đầu tiên là ‘tứ sát tri’, đó là sự giả định, đúng nhưng vẫn là sự giả định, nó không phải như bạn nhận ra.
  • Tâm thứ hai là đối tượng trình hiện nhưng không thể nhận ra giống như chúng ta đang say mê vào tivi và chúng ta không biết hương vị của thức ăn hay mùi vị của nó là gì. Một số trẻ khi ăn, chúng xem thứ gì đó, sau đó cha mẹ có thể hỏi “món ăn có vị gì vậy?”.
  • Tâm thứ ba như là ‘tâm nghi’, nó rất phổ biến đối với tất cả chúng ta, bạn có sự nghi ngờ, bạn không biết, bạn bối rối.
  • Tâm thứ tư là ‘tâm điên đảo’. Chẳng hạn những gì bạn nghĩ là không đúng, một ý nghĩ như vậy nhận thức đối tượng rằng “đối tượng không tồn tại là không đúng”.

Bốn tâm thức này không đáng tin cậy chút nào. Vì vậy, dựa trên bốn tâm thức này, nếu bạn đang đưa ra một quyết định nào đó, thì bạn thực sự phải rất cẩn thận, bạn phải suy nghĩ thêm vài lần nữa. Bởi vì dựa trên bốn thức này thì bạn không thể dựa vào bất cứ thứ gì vì đây không phải là ‘lượng’ [nhận thức xác thực], nó không xác thực, nên bạn không thể dựa vào bốn thức này.

Vì vậy, về cơ bản đây là tất cả về bảy tâm thức, dĩ nhiên, mỗi thức này có thể được chia thành hai hoặc ba, đôi khi nó còn được chia thành như là 3-4 trong một số bản văn, thì bạn biết sự phân chia đó, bạn có thể chỉ cần nghĩ về sự phân chia đó, nó khá dễ hiểu. Nhưng nếu bạn biết về chính bảy tâm này, tôi nghĩ là đã quá đủ.

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

  1. Thưa Lama, khi nào hiện tiền được coi là hiện lượng bởi vì các tâm này không bị sai loạn?

Không phải, ví dụ như mắt, đối tượng trình hiện đối với mắt mà không được xác định chắc chắn [nhãn căn hiển nhi bất định]. Bạn đang nghe một bản nhạc rất hay hoặc có thể một chiếc Ferrari đi tới, chiếc Ferrari trình hiện đối với nhãn thức của bạn, nhưng nhãn thức không chứng được, nhãn thức đó cũng là ‘hiện tiền’, nó không sai loạn, cho nên nó là ‘hiện tiền’, nhưng nó không phải là ‘hiện lượng’ vì nó không nhận ra đối tượng của nó. Tâm thức thứ năm ‘hiển nhi bất định’, nếu chúng ta lấy ví dụ về nhãn thức mà đối với nhãn thức đó đối tượng trình hiện không được nhận ra [nhãn căn hiển nhi bất định], thì nhãn thức đó trở thành ‘hiện tiền’, nó không phải là ‘hiện lượng’ bởi vì nó không chứng được đối tượng của nó.

  1. Thầy có thể nói thêm về ‘giai đoạn Arya’ không?

‘Arya’ trong tiếng Anh như là extraordinary [phi phàm]. ‘Giai đoạn Arya’ giống như một chúng sinh khi bạn chứng được một giai đoạn nào đó qua lực của thiền định, bạn đạt đến ‘giai đoạn Arya’ có nghĩa là bạn đạt đến giai đoạn thánh nhân, đó là lúc bạn chứng ngộ tính không một cách trực tiếp. Bây giờ bạn có thể sẽ hiểu: một người chứng được tính không, không có nghĩa là bạn trở thành ‘chúng sinh arya’ [thánh nhân], một chúng sinh phi phàm. Nếu một ‘hiện lượng’ chứng ngộ tính không, có nghĩa là bạn chứng ngộ tính không như thể bạn nhìn vào chiếc xe, thì bạn đạt đến ‘giai đoạn Arya’.

  1. Thưa Lama, chúng ta có thể nói rằng tâm Phật luôn hoạt động chỉ với ‘hiện lượng’ phải không?

Đúng vậy, các vị Phật không có các tâm nhận thức của thế tục, bởi vì tâm nhận thức thế tục cũng là một tư tưởng phân biệt không nhìn thấy rõ đối tượng của nó. Vì vậy, tất cả các tâm của Phật đều là những ‘hiện lượng’.

  1. Nếu vạn vật là vô thường, người thấy được vô thường có được coi là thường hằng không?

Không, sự vô thường cũng là biến đổi, cho nên vô thường cũng là vô thường. Không có gì là thường hằng [vĩnh viễn]. Điều đó rất quan trọng, khi bạn thấy thời gian là vô thường, điều đó rất hữu ích. Thời gian thay đổi, bây giờ chúng ta có thời gian, chúng ta có cơ hội, thân chúng ta có thể thực hành được thì chúng ta nên làm ngay bây giờ. Nơi nào có thực hành, nơi có thiền định hoặc mọi điều tốt đẹp mà bạn có trong tâm mà bạn muốn làm, nếu bạn có thể làm ngay bây giờ, bạn nên bắt đầu.

Sẽ có lúc mà dù cho bạn muốn, nhưng thân bạn vẫn không thể giúp bạn làm những điều như vậy như thiền định. Hoặc nếu bạn muốn thực hành tình yêu thương và lòng từ bi, phải làm ngay bây giờ, sau này bạn thực sự không biết hoặc bạn cũng không biết liệu hoàn cảnh, điều kiện sẽ xuất hiện trong tương lai vì chúng ta không kiểm soát được tương lai, chúng ta. thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Nếu bạn có bất kỳ kế hoạch tốt đẹp nào trong đầu, bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt. Nhưng nếu bạn không thể làm được hôm nay hoặc ngày mai, bạn nên kiên nhẫn.

Ồ, nếu bạn đang hỏi tâm mà là ‘lượng’ có phải là thường hằng? À, hiểu rồi. Nhiều người nghĩ rằng Phật là thường hằng. Không, Phật cũng không là thường hằng, Phật cũng thay đổi trong từng sát na, đó là lý do tại sao Phật không ở đâu mà chúng ta có thể nhìn thấy ngày nay. Ngài đã ở Ấn Độ như 2500 năm trước, nhưng rồi Ngài thay đổi hình tướng, xuất hiện dưới dạng khác, dạng khác ở những thời điểm khác nhau tùy theo nghiệp với các đệ tử, tùy theo nghiệp của cả Phật và người. Và tâm Phật cũng không thường hằng, tâm không là bất cứ thứ gì, tâm do duyên tạo thành, nên không thể thường hằng.

Bởi vì dựa vào các duyên nó sẽ thay đổi, nhưng ngay cả tâm của Phật cũng được tạo thành do rất nhiều duyên khác nhau, nó phải thay đổi. Như tôi đã nói, tâm được tạo thành do bốn điều kiện, một trong những điều kiện của tâm là đối tượng ở ngoài kia, vì vậy đối tượng ngoài kia bạn không kiểm soát nó được. Cái tách này, Phật nhận ra cái tách này, Phật thấy cái tách này đang tồn tại, nếu tôi làm vỡ nó thì tâm đó thay đổi, cái tách không còn tồn tại nữa. Cho nên, một trong những điều kiện của tâm là đối tượng, đó là lý do tại sao đối tượng thay đổi, tâm thay đổi. Cái tách không phải là một khái niệm, cái tách là một đối tượng. Cái nhãn ‘tách’ là một cái nhãn, được đặt cho hiện tượng như vậy có chức năng đựng nước trà hay thứ gì bên trong, giữ thứ gì bên trong. Nếu bạn nói về hiện tượng đó, thì nó là sự vật có thể nhìn thấy bằng mắt.

KẾT THÚC

Cảm ơn bạn rất nhiều. Tôi rất tiếc vì tôi đã không thể xem kỹ bài kiểm tra, cảm ơn nhóm đã tạo ra bài trắc nghiệm. Tôi vui vì các bạn đọc lại một lần nữa. Nhiều bạn có thể bận công việc, nên việc dành thời gian đọc bài trắc nghiệm cũng là một cách để đọc lại bài, trở thành một sự ôn bài và tôi thực sự rất vui và cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian để làm điều đó và hoàn thành với câu trả lời của bạn bất kể bạn nghĩ gì và bạn hiểu như thế nào.

Bạn không cần phải làm đúng, điều quan trọng là bạn nghĩ về nó thêm một lần nữa, không giống như chúng ta hoàn hảo về tâm, ngay cả bản thân tôi. Trong sách nói rằng không ai có thể hoàn hảo với tâm thức cho đến khi chúng ta đạt đến trạng thái đó của Đức Phật, bởi vì chẳng hạn, ‘cảm thọ’, thậm chí không thể mô tả được, bạn thậm chí không thể mô tả. Trong sách, ‘cảm thọ’ được giải thích rất dễ hiểu là ‘cảm thọ xả’, ‘cảm thọ lạc’ và ‘cảm thọ khổ’ hoặc đau đớn, chỉ có ba loại, thật dễ, nhưng khi mô tả thì rất khó. Giống như ai đó đã nói rằng nếu bạn không có mật ong trong đời, thì bạn sẽ không thể mô tả được vị của mật ong như thế nào.

Vì vậy, như là một cảm thọ, bạn cảm thấy như thế nào? Vì vậy, bất kể bạn được bao nhiêu điểm, tôi thực sự rất vui khi nhận được câu trả lời và tôi thực sự vui khi tất cả các bạn đã dành một chút thời gian để xem lại, nhìn kỹ lại bài. Trước đây tôi đã nghĩ rằng bạn biết trong bài trắc nghiệm, bạn chỉ được chọn một câu trả lời và sau đó tôi nghĩ rằng nhiều bạn chỉ chọn một câu trả lời. Nhưng trong hai, ba bài trắc nghiệm đầu tiên, tôi nghĩ có nhiều câu trả lời, bạn phải chọn một, hai hoặc ba câu trả lời. Sau đó, nếu bạn không trả lời tất cả các câu trả lời đúng, thì không có hiển thị điểm cũng là một sự khác biệt, tôi cũng không biết về điều đó trước đây. Nhưng dù sao, tôi rất vui vì tất cả các bạn đọc lại bài một lần nữa.

Để làm quen với các thuật ngữ tiếng Anh cho tâm thức cũng rất tốt lúc ban đầu, nhưng sau đó từ từ khi bạn học qua một số lớp nữa thì bạn sẽ quen với tên gọi của tâm, chức năng của tâm và tất cả những thứ này. Tôi thực sự rất biết ơn vì tất cả thời gian mà bạn dành cho việc học về tâm, thức. Tôi hy vọng điều này sẽ có thể giúp tạo ra sự hiểu biết đúng đắn về tâm và do đó có thể mang lại sự bình yên và hạnh phúc và sự hài hòa trong bản thân chúng ta và có thể lan truyền nó đến những người xung quanh sống gần chúng ta và trên thế giới này.

Source.

https://drive.google.com/drive/folders/1iL4lYG2Pj9vtHs1xsPQ-xDcHOTUALCuF