Lễ Vesak – Câu chuyện về Đức Phật

Vesak (tiếng Sinhala) là thời gian linh thiêng nhất theo lịch Phật Giáo. Trong các truyền thống Đại Thừa ở Ấn Độ, Vesak được biết tương đương như tiếng Sanskrit, Vaisakha. Từ Vesak bản thân nó là từ ngữ tiếng Sinhala do biến đổi từ tiếng Pali, “Visakha”. Vaishākha là tên tháng thứ hai của âm lịch Hindu. Vesak cũng được biết là Visakah Puja, Buddha Purnima hay Buddha Jayanti tại các nước Ấn Độ, Bangladesh và Nepal; Visakha Bucha ở Thái Lan, Phật Đản ở Vietnam, Waisak ở Indonesia, Vesak (Wesak) ở Sri Lanka và Mã Lai; và Saga Dawa ở Tây Tạng. Lễ hội tương tự tại Lào được gọi là Vixakha Bouxa và ở Miến Điện được gọi là Ka-sone-la-pyae nghĩa là Ngày Trăng Tròn của Kasone cũng là tháng thứ hai của Lịch Miến Điện. Vesak là ngày nghỉ lễ ở tại nhiều nước Châu Á như Sri Lanka, Mã Lai, Miến Điện, Thái Lan, Singapore, Vietnam, và vân vân..

Tháng Tư âm lịch lại về, là lúc kỷ niệm đại lễ Vesak. Đây là tháng của ba điều cát tường. Đó là Đản Sanh, Đức Phật thành đạo và Đại bát niết bàn. Câu chuyện về Đản Sanh, Đức Phật thành đạo và Đại bát niết bàn luôn là một nguồn cảm hứng đối với nhiều người trên thế giới.

Ngày xưa tại vương quốc Kapilavastu (Ca Tỳ La vệ) hạnh phúc, Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng Hậu Mahayana (Maya) biết được họ sắp có con. Vì thế Hoàng Hậu quyết định về nhà cha của mình. Trên đường đi, đoàn tùy tùng đến vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi đó Hoàng Hậu sanh được một bé trai thật đẹp được Vua và Hoàng Hậu đặt tên là Siddhartha (Tất Đạt Đa).

Buồn thay, bảy ngày sau, Hoàng Hậu qua đời. Một nhà thông thái tên là Kala Devala (A Tư Đà) nói với Nhà Vua rằng khi lớn lên, thái tử Siddhartha sẽ trông thấy những thứ làm cho thái tử buồn bã và khiến người rời bỏ hoàng cung đi vào rừng. Nhà Vua, vì vậy, không bao giờ cho phép Siddhattha đi ra bên ngoài cánh cổng của cung điện. Siddhartha là một cậu bé thông minh và vui vẻ, cậu rất chu đáo và hiền lành.

Một ngày nọ, Siddhartha và người anh em họ, Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) đang đi dạo. Thình lình Devadatta phát hiện một con thiên nga và bắn nó rớt xuống. Sau đó hai người chạy lại xem con chim bị thương. Siddhartha kinh hãi khi thấy con chim bị thương. Cậu rút mũi tên và đắp một số thảo mộc lên vết thương. Devadatta khăng khăng đòi con chim lại cho mình. Vì vậy họ đến gặp nhà thông thái của cung vua, người này tuyên bố con thiên nga thuộc về người cứu nó và không thuộc về người đã cố lấy mạng nó.

Siddhartha thường ngồi một mình. Một hôm, Siddhartha theo cha mình đến xem cuộc đấu bò, nhưng chỉ sau một lúc, cậu bé mau chóng trốn mất. Sau đó cậu ta được tìm thấy đang ngồi thiền dưới một tàng cây, tự yên lặng và hạnh phúc.

Thái tử lớn lên và trở thành một thanh niên. Vua Suddhodana cưới Công chúa Yashodhara (Ya Du Đà Ra) xinh đẹp cho Thái tử. Nhà Vua hy vọng rằng khi kết hôn, thì Siddhartha sẽ không bao giờ muốn rời bỏ gia đình. Nhưng Siddhartha không hề thấy hạnh phúc trong cung điện.

Một ngày, Thái tử nói với người hầu của mình, Channa (Xa Nặc), “Hãy đi dạo bên ngoài cung điện!” Trên đường đi, Thái tử thấy một người đàn ông lưng còng theo tuổi tác. Trước đó Thái tử chưa thấy một người già bao giờ. “Cái gì thế kia, Channa?” Thái tử hỏi. “Đây là một người già,” Channa nói. “Chúng ta ai rồi cũng trở nên già nua một ngày nào đó, thưa Thái tử !” Thái tử buồn bã và trở về cung điện.

Vài ngày sau, Siddhartha lại đi dạo bên ngoài lần nữa. Lần này Thái tử thấy một người đang mắc bệnh nặng khóc vì đau đớn. Trước đó Siddhartha chưa bao giờ thấy người bệnh, vì thế Thái tử hỏi Channa, “Tại sao người này khóc vậy?” “Ông ta bị bệnh và khóc vì đau đớn,” Channa trả lời. Lần nữa, Siddhartha thật buồn bã và trở về cung điện.

Lần tới, Siddhartha đi ra bên ngoài, Thái tử thấy một nhóm người đang khiêng một người chết. Channa giải thích cho Siddhartha là Thái tử đang trông thấy một người chết và nói, “Một ngày nào đó, chúng ta ai cũng sẽ chết!” Siddhartha nhận ra rằng phụ vương đã giữ cậu ta bên trong cung điện để ngăn không cho thấy những điều này. Thái tử tự vấn, “Chúng ta ai cũng phải già, bệnh và chết hay sao? Không còn cách nào khác hay sao?”

Siddhartha đi ra ngoài lần nữa, lần này Thái tử trông thấy một người đàn ông đã cạo tóc, mặc áo choàng màu cam, tay cầm một bình bát. Người này trông thật hài lòng. Thái tử hỏi Channa, “Người đàn ông đó là ai vậy?” Channa nói, “Đó là một người vị hiền triết đã bỏ lại hết mọi thứ và đi vào rừng để tìm sự hạnh phúc!” Siddhartha suy nghĩ đến mọi thứ mà mình đã thấy. Thái tử quyết định rời bỏ gia đình đi tìm sự hạnh phúc.

Vì thế, một đêm, trong khi vợ và con của Thái tử, Rahula (La Hầu La), nhanh chóng rơi vào giấc ngủ, Siddhartha cùng với người hầu trung thành của mình, Channa lặng lẽ rời khỏi cung điện. Họ cùng nhau đi xa mãi cho đến khi băng qua con sông Anoma. Ở đó, Siddhartha cởi hoàng bào. Thái tử đưa quần áo và ngựa cho Channa đem về hoàng cung. Sau đó Thái tử khoác chiếc áo choàng màu cam, cắt bỏ mớ tóc dài và bắt đầu lên đường với bình bát cầm trong tay.

Siddhartha đến gặp vị đạo sư này đến đạo sư khác để hỏi, “Ngài có biết con đường đi đến hạnh phúc không?” Nhưng không ai có thể nói cho Thái tử biết. Cuối cùng, người ngồi xuống dưới gốc cây Bồ Đề và cố gắng tự tìm câu trả lời cho mình. Nhiều ngày sau, sự tìm kiếm của ngài đã hoàn tất. Người bây giờ đã trở nên một vị hiền thánh và người ta gọi ngài là “Đức Phật Gautama.” (Đức Phật Cồ Đàm). Đức Phật yêu thương tất cả các động vật và đối xử chúng với lòng từ bi.

Một lần, người anh em họ tị hiềm với ngài, Devadatta cho các con voi rừng tấn công Đức Phật. Tuy nhiên, khi thấy Đức Phật, những con voi này quỳ gối trước ngài. Đức Phật Gautama có nhiều môn đồ. Ngài đi từ nơi này tới nơi khác, dạy bảo mọi người những gì ngài đã biết được. Học trò của ngài sống trong những đoàn thể gọi là Sangha (Tăng đoàn). Ngài đã thuyết giảng rằng người ta có thể đạt đến hạnh phúc bằng sự hài lòng với những gì mình có và bày tỏ lòng từ bi với mọi chúng sinh.

Khi Đức Phật trở về Kapilavastu, cha ngài, vợ và con cùng nhiều người trở thành đệ tử của ngài. Một trong những người họ hàng của ngài tên là Ananda trở thành người đệ tử tận tâm và chăm sóc cho ngài khi ngài trở về già. Đức Phật thuyết pháp thêm bốn mươi lăm năm. Đến khi đó, người đã là một người già tám mươi tuổi.

Cuối cùng, tại Kusinara, ngài đã nằm xuống dưới những cây Sala và trút hơi thở cuối cùng.

Source.
Shreya Sharma. The Story of Buddha, Mythological Stories, Jul 23rd, 2017
https://www.bedtimeshorstories.com/the-story-of-buddha