Ba yếu Tố Căn Bản của Đường Đạo – Cách Khởi Tâm Buông Xả – W4

Tuần 4: Cách Khởi Tâm Buông Xả

[4] Nhàn mãn thật khó tìm kiếm,
Và cuộc đời không có thời gian rỗi rãi.
Nếu luyện ý hiểu rõ về điều này,
Thì lìa bỏ ái lạc (sức lôi cuốn của hình tường) của kiếp này.
Nếu luôn luôn nghĩ đến
Các nghiệp quả không sai lạc,
Và suy ngẫm mãi các khổ đau luân hồi,
Thì lìa bỏ ái lạc kiếp sau.

———————————————————

Cám ơn những lời chúc tốt lành của các bạn nhân ngày sinh nhật của tôi. Tôi thường không có tổ chức sinh nhật như thời nay, nhưng tôi cũng rất lấy làm biết ơn.

Theo truyền thống Phật giáo cổ xưa, không có ăn mừng những ngày sinh nhật ngoại trừ thay bằng tổ chức ngày giỗ. Đây là vì người ta có thể suy nghĩ về toàn bộ cuộc đời của một người – trọn vẹn cả cuộc đời.

Quan trọng là nên tán dương mọi người, và tán dương tính cách là người (nhân vị tính) của họ. Nguyện cầu cho nhân của các hành động tích cực của chúng ta sẽ là nhân để giúp đỡ các chúng sinh hữu tình khác. Trong những khoảnh khắc như thế này khi chúng ta có sự sung túc (ví dụ thực phẩm), chúng ta cúng dường những thứ ấy lên Đức Phật và cũng bố thí đến những người ăn không đủ no là rất quan trong.

Trong Đạo Phật, chúng ta hiện hữu bởi vì các nghiệp thiện của chúng ta trong các tiền kiếp. Tất cả chúng ta đều có khả năng trở thành Phật. Chúng ta sẽ đi theo những lời dạy của Đức Phật.

———————————————————-

Buổi học trước chúng ta đã nói về mục đích của sự buông xả, nhưng ở buổi học này, chúng ta sẽ nói về cách khởi tâm buông xả hay nói một cách đúng hơn, ý niệm của ‘sự vượt thoát hoàn toàn’. (Tiếng Việt: Tâm xả ly || Tiếng Pali: nekkhamma)

Cách Khởi Tâm Buông Xả

[4] Nhàn mãn thật khó tìm kiếm,
Và cuộc đời không có thời gian rỗi rãi.
Nếu luyện ý hiểu rõ về điều này,
Thì lìa bỏ ái lạc (sức lôi cuốn của hình tường) của kiếp này.
Nếu luôn luôn nghĩ đến
Các nghiệp quả không sai lạc,
Và suy ngẫm mãi các khổ đau luân hồi,
Thì lìa bỏ ái lạc kiếp sau.

Để phát tâm buông xả, điều đầu tiên chúng ta phải xem cuộc sống chúng ta đang trải qua thật là bất tịnh. Nếu chúng ta quá bám víu vào cuộc đời này (nhất là, hình tướng của kiếp sống), thì không có cách nào chúng ta có thể đạt được những gì Đức Phật đã đạt đến. Lý do tại sao Đức Phật rời bỏ cuộc sống trong cung điện. Nếu chúng ta không biết vấn đề gốc rễ (của luân hồi) là gì, thì không có cách nào hoàn thiện chính chúng ta cả.

Khổ đế là lời dạy đầu tiên Đức Phật chọn ra, bởi vì người ta thậm chí vẫn không nhận ra được vấn đề (của luân hồi) thật sự là gì. Nếu bạn bám chấp vào cuộc đời này (và vào hạnh phúc), thì không có gì để đạt đến cả. Trong những năm đầu, bạn muốn đạt được sự giàu có và danh tiếng (chẳng hạn), nhưng cuối cùng, bạn tốn cả cuộc đời vào những thứ mà bạn không biết nó tồn tại bao lâu. Ví dụ, bạn có thể mất 30 năm để có tiếng tăm, nhưng sau khi làm như vậy, có thể là trường hợp bạn chỉ hưởng có một vài ngày trước khi nó mất hết.

Có lần tôi đọc bản luận Lamrim Explanation (Tiếng Việt: Bồ-đề Đạo Thứ Đệ; Tiếng Anh: “a Tibetan Buddhist textual form for presenting the stages in the complete path to enlightenment as taught by Buddha”)*. Giải thích đã sử dụng ẩn dụ của việc nhảy từ một nơi rất cao, giống như là một người đang nhảy ra khỏi một chiếc máy bay từ một độ cao rất lớn. Mặc dù độ cao như vậy, nhưng có thể chỉ cần 30-40 giây trước khi người đó đâm sầm xuống đất. Trong ẩn dụ này, chúng ta đã đang trên đường chạm đến mặt đất khi nhảy từ độ cao rất lớn này, nhưng chúng ta lại dùng quá nhiều thời gian như vậy cho việc ăn mặc hay trang điểm cho mình.

Điều chúng ta phải luôn giữ trong tâm là mặc dù đạt được những tham vọng trong kiếp này, nhưng chúng ta cũng không biết được chúng ta còn bao nhiêu phút sau khi có được điều chúng ta đã sắp đặt để thực sự được hưởng “thành quả”. Những đứa trẻ chỉ nghĩ trong ngắn hạn thôi—chúng sẽ làm mọi thứ để vui thích khoảnh khắc hiện thời, dù cho nó sẽ làm hại đến hạnh phúc trong tương lai. Người ta thường nhìn thiển cận, bởi vì sự thật là chúng ta không sống được thật lâu.

Vậy thì bây giờ là thời gian để tạo nền móng cho các kiếp tương lai. Chúng ta hãy xem đến thi kệ cho ngày hôm nay.

1Nhàn mãn thật khó tìm kiếm,
2Và cuộc đời không có thời gian rỗi rãi.
3Nếu luyện ý hiểu rõ về điều này,
4Thì lìa bỏ ái lạc (sức lôi cuốn vào hình tướng) của kiếp này.

Hai dòng đầu (ký tự số trên 1,2) nói về cách thoát khỏi tham ái vào hình tướng của kiếp sống này.

Hai dòng kế tiếp (ký tự số trên 3,4) nói về cách thoát khỏi bám chấp vào hình tướng của kiếp sau.

Chẳng có lý nào mà lại hy sinh quá nhiều (trong kiếp này), bởi vì chúng ta không biết mình sẽ sống bao lâu để nếm thành quả của điều chúng ta đã đạt được. Chẳng có lý nào mà lại bám víu quá nhiều vào sự quan tâm về hạnh phúc ngày mai. Chẳng có lý nào mà lại bám chấp vào ngày mai hay thậm chí kiếp sau.

Tại sao lại thế? Vậy thì, chừng nào mà chúng ta còn có những cảm xúc tiêu cực, mặc dù chúng ta sanh ra làm người hay một vị Thiên, thì cũng xảy ra các vấn đề giống nhau. Có nhiều vị thiên đánh và giết nhau. Chẳng hạn, một vị thiên có thể tham ái vào một thiên nữ. Nếu vị này không thực tập làm giảm các cảm xúc bất thiện, thì cuối cùng họ sẽ cạn kiệt các công đức của mình.

Chúng ta phải luôn thực hành trong mỗi một kiếp mà chúng ta tái sanh vào.

Có nhiều người sống ngay bên cạnh Đức Phật và thậm chí đã gặp Đức Phật. Nhưng nhiều người mặc dù may mắn sanh vào thời của Đức Phật, vẫn có các vấn đề trong cuộc sống của họ. Đây là vì Đức Phật không phải là đấng sáng tạo, nhưng là một người hướng dẫn. Ngài là một đạo sư. Nếu bạn không thực hành, thì bạn sẽ không được cứu giúp. Có nhiều người trong thời của Đức Phật bị đau khổ bởi vì họ đã không thực hành.

Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, thì điều ngăn cản chúng ta đạt đến đó là các cảm xúc tiêu cực của mình. Diệt trừ các cảm xúc tiêu cực là cách duy nhất để đạt đến hạnh phúc. Loại bỏ các cảm xúc tiêu cực là điều chúng ta là người có thể làm ngay bây giờ – có thể thực hành ngay bây giờ – chẳng lý nào mà lại chờ đợi. Chúng ta không bao giờ biết được chúng ta sẽ có cơ hội để diệt trừ các cảm xúc tiêu cực trong kiếp tới hay không. Chúng ta hiện đang mang các phẩm chất để thực hành. Hy vọng chúng ta sẽ lại sanh làm người lần nữa không có nghĩa là chúng ta sẽ ở trong tư thế để thực hành pháp.

Bạn sẽ có cơ may lớn hơn sinh vào cõi trời hay vào một cõi tịnh độ nếu bạn có thể diệt trừ sân giận. Trong số 7 tỉ người trên thế giới, thì con số người là Phật tử rất thấp. Bằng cách cầu nguyện thôi, và không gieo hạt và tưới nước cho hạt giống pháp, thì chẳng có gì mọc lên cả. Pháp hoa không thể phát triển – cầu nguyện có thể không đủ.

1Nhàn mãn thật khó tìm kiếm,
2Và cuộc đời không có thời gian rỗi rãi.

Hai dòng đầu (ký tự số trên 1,2), như đã đề cập, nói về cách chuyên tâm thoát khỏi tham ái vào hình tướng của kiếp sống này. Để đạt được điều này, hãy xem xét đến các từ ‘nhàn nhã và ‘viên mãn’, nó nói lên rằng sự tái sanh làm người được cho là được trang hoàng với 8 sự nhàn nhã và 10 viên mãn (xem Phụ lục A). Có nhiều điều kiện giúp cho chúng ta có được những phẩm chất trở thành những hành giả. Những duyên này rất hiếm hoi, và hiện thời chúng ta được tô vẽ với nhiều thứ.

Vì vậy, tốt hơn nên dành hết nỗ lực về những gì bền vững và có thể đạt đến được. Tiếng tăm, giàu có và vật chất trong cuộc đời này thật sự chỉ thoáng qua. Vì thế, không có thời gian rỗi rãi với kiếp sống.

3Nếu luyện ý hiểu rõ về điều này,
4Thì lìa bỏ ái lạc (sức lôi cuốn vào hình tướng) của kiếp này.

Dòng số 4 cuối đoạn thi kệ nên dịch là “có thể lìa bỏ”. Đó là, có thể lìa bỏ sự lôi cuốn vào hình tướng của kiếp này.

Chúng ta có thể không vướng vào hình tướng trong kiếp này. Thời điểm chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chỉ có công đức tích lũy được trong cuộc đời của bạn mới có thể giúp bạn vào thời điểm chết (và hỗ trợ đối với việc chuyển đến kiếp tới). Hàng núi tài sản sẽ không thể cứu giúp cho bạn.

Một số người mong ước kiếp sau được sanh ra làm vua/hoàng hậu, vận động viên, hay diễn viên. Mặc dù vào kiếp sau bạn có cuộc sống giàu có, nếu bạn không tu tập, thì sẽ không giúp ích về lâu dài.

5Nếu luôn nghĩ đến
6Nghiệp quả không sai lạc,
7Và suy ngẫm các khổ đau của luân hồi,
8Thì lìa bỏ ái lạc kiếp sau.

Dòng thứ 5 nói về “việc luôn luôn nghĩ đến,” là ám chỉ luật nhân quả. Cụ thể, luật nhân quả là những gì sẽ không lừa gạt bạn. Nếu bạn tu tập, thì sự thực hành tinh tấn của bạn sẽ không lừa gạt bạn. Khi đem so sánh, thì sự giàu có về vật chất trên thế giới là không chắc chắn. Những sở hữu vật chất có thể gây ra đau khổ. Luật nhân quả sẽ không bao giờ lừa gạt bạn. Chúng ta nên cố gắng hết sức để tham gia vào các hành động tích cực.

Mặc dù bạn sanh ra làm người, hãy xem xét đến lịch sử của các ông vua và bà chúa. Những ông vua và bà chúa có mọi thứ họ muốn, nhưng họ lại đau khổ. Trong năm qua, 2020, quá nhiều diễn viên ở Ấn Độ người có mọi thứ mà họ có thể, lại muốn tìm đến cái chết.

Nếu bạn thoát khỏi các cảm xúc tiêu cực của chính mình – thì đây là điều duy nhất xác thực.

Buông xả, vì vậy, nghĩa là không bám víu vào luân hồi. Có sự mong muốn thoát khỏi luân hồi…đây là điều có ý nghĩa qua sự buông bỏ. Điều này giúp tạo nên các duyên để đạt đến Phật Quả. Chúng ta nên có một ước muốn kiên cố ra khỏi vòng luân hồi.

Vấn đáp:

  • Thưa Lama, đối với những người hiện giờ phải làm việc trong các lãnh vực giải trí và quảng cáo, làm thế nào họ có thể thực hành khi mà điều họ đang làm là khiến cho mọi người có sự tham ái vào các thú vui của trần gian. Bản thân họ thực sự cũng muốn đạt đến Phật Quả?

Tôi sẽ không đi xa đến mức bảo bạn nên từ bỏ sinh kế của mình. Có thể làm việc theo cách bạn đang làm, miễn là bạn không phạm đến sự quá khích đối với những người khác. Bạn có thể ăn cùng món mì và pizza, chỉ cần thêm hương vị pháp vào trong đó. Nếu bạn đang làm việc trong lãnh vực quảng cáo, thì hãy xen các nguyên tắc của pháp vào công việc của bạn. Chẳng hạn, hãy tử tế với những người khác và nguyện làm những việc lành. Trong phạm vi công việc, tính cố chấp rât lớn. Vì vậy, bạn có thể nắm lấy cơ hội đó để không quảng cáo làm hại đến những người khác. Không cố gắng làm việc về quảng cáo rượu và những thứ có hại cho những người khác.

Nếu bạn là một diễn viên, thì bạn có thể sử dụng diễn đàn của mình để giúp những người khác. Nếu bạn có nhiều người hâm mộ – bạn không cần phải nói mọi người hãy tử tế hay hướng dẫn người ta thực hành pháp. Nếu bạn chỉ hành động và nêu gương tốt thì người khác sẽ theo bạn.

Có nhiều cách để giúp đỡ mọi người. Bạn có thể chia sẻ các suy nghĩ tích cực. Bạn có thể thay đổi cuộc sống của ai đó.

Nếu bạn biết một ngôn ngữ khác, thì bạn có thể giúp những người khác bằng cách là phương tiện truyền bá sự thay đổi. Nếu bạn biết pháp và bạn có một diễn đàn, thì bạn có thể chia sẻ pháp.

Hãy nhìn vào bên trong bạn về các năng lực của mình, như thế bạn có thể lan rộng tính tích cực đến những người khác. Nếu bạn nói pháp cho cha mẹ, điều này có thể giúp họ vượt qua bất kỳ những sự sở hữu vật chất mà bạn có thể cho họ. Nếu bạn cho họ một chiếc xe hơi, nó chỉ kéo dài được vài thập niên mà thôi.

Mọi người đều có các phẩm chất riêng biệt có thể được khai thác.

  • Con đã trải qua hai ba lần khi một kẻ rất hống hách (rất thế lực) là người rất chuyên quyền và hầu hết công nhân không dám có ý kiến nên phải theo quyết định của ông ta. Trong thời gian đó, không đồng ý với ông ta, con chống lại ông ta để đạt điều tốt cho bất kỳ các công nhân khác. Con đi từng bước nhã nhặn chia sẻ quan điểm của mình nhưng không có nhiều ủng hộ của bạn bè (vì họ sợ ông ta) nên rất khó khăn. Vậy con nên tháo gỡ tình huống này và đi tiếp như thế nào?

Vì chúng ta sống ở những nơi dân chủ, đa số chiếm thế quan trọng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đa số có các quan điểm đúng đắn. Đa số có thể bị tác động bởi nhiều thứ. Thực tế, nhiều người trên thế giới này đều ở trong luân hồi (bởi vì họ bị vô minh). Đa số mọi người không hiểu, hoặc họ không đồng ý với bạn, nhất là nếu bạn cố gắng thuyết phục họ về tính không. Đầu tiên hãy cố gắng truyền cảm hứng cho một người. Nếu bạn không thể nói gì trực tiếp với ai cả, thì hãy chờ đợi. Chờ đợi đúng thời điểm luôn quan trọng. Bởi vì nói gì trực tiếp với ai không đúng lúc có thể dẫn đến hệ quả xấu. Quan trọng không để mình căng thẳng và quan trọng là hãy kiên nhẫn. Bạn phải chờ đúng lúc. Nếu điều bạn nói có thể không có hiệu quả thì hãy chờ đến lúc đúng thời điểm.

Giờ tôi sẽ kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách khuyên mỗi ngày bạn có thể thấy ích lợi khi đọc thuộc lòng bản luận “Tám Thi Kệ Chuyển Tâm” .

Phụ lục A:

8 Nhàn Hạ:

  1. Không bị sanh vào cõi địa ngục: Nếu bị sanh vào cõi địa ngục, thì bạn không có tự do để tu tập.
  2. Không bị sanh vào cõi ngạ quỷ: Nếu sanh vào cõi ngạ quỷ, mọi thời gian đều dùng để thỏa mãn cơn đói không có thời gian để tu tập.
  3. Không bị sanh vào cõi súc sanh: Các con vật không thể thực hành pháp nhiều được vì luôn sống trong sự sợ hãi bị các con vật khác làm hại.
  4. Không sanh làm người man rợ, hung tợn: Chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc thực hành pháp trong khi những người man rợ thì không thấy.
  5. Không sanh làm Chư Thiên sống trường thọ: Ở một số cõi trời bạn sống trong một thời gian rất là lâu dài. Thật ra, những vị Thiên này có thể chỉ là đang ngủ (thiền miên mật) trong khi các vị Thiên khác sống trong cõi dục giới.
  6. Không sanh ra với chấp tà kiến: Nếu bạn không tin vào nghiệp, nếu bạn không tin rằng yêu thương và từ bi là sức mạnh, thì bạn không thể nào được tự do để tu tập. Một số người tin rằng việc thực hành pháp là dấu hiệu của sự yếu đuối, không hề như vậy.
  7. Sanh vào thời không có những Bậc Giác Ngộ: Chúng ta được sanh ra vào thời kỳ vẫn còn tồn tại giáo pháp của Đức Phật. Nếu sanh vào thời kỳ mà giáo pháp của Đức Phật bị mất đi, thì thực tại như vậy thật sự đáng tiếc. Chúng ta sẽ không thể hiểu được những lời dạy và các pháp của Đức Phật, nhất là thực hành tính thiện.
  8. Không sanh ra làm người bị điếc, câm: Chúng ta có khả năng tranh luận thế nào là thiện, và có khả năng nghe pháp.

10 viên mãn:

5 viên mãn đầu tiên là Tự Viên Mãn:

  1. Được sanh ra làm người.
  2. Được sanh ra ở vùng trung tâm nơi có Đức Phật xuất thế.
  3. Được sanh ra với đầy đủ các năng lực: Có năm căn giúp ích chúng ta.
  4. Bản thân có lối sống đúng đắn theo chánh pháp: Chẳng hạn, chúng ta nên cảm thấy may mắn là mình không sống bằng việc lừa gạt người khác hay giết hại các con vật.
  5. Có niềm tin vào giáo pháp tôn kính. Chúng ta nên cảm thấy may mắn có được sự tín tâm. Một số người tin vào việc lừa gạt những người khác. Chúng ta tin vào giáo pháp của Đức Phật, và chúng ta tin vào nghiệp quả. Chúng ta tin vào việc sống hài hòa với thiên nhiên.

5 viên mãn kế tiếp là tha viên mãn:

  1. Sự thật là đã có một Bậc Giác Ngộ xuất hiện ở thế gian.
  2. Sự thật là Bậc Giác Ngộ đó đã thuyết pháp. Mặc dù một Bậc Giác Ngộ xuất hiện, nhưng không bảo đảm là vị đó sẽ để lại các giáo pháp cho hậu thế. Trong một số thời kỳ, Bậc Giác Ngộ đã không để lại bất kỳ giáo pháp nào cả.
  3. Sự thật là các giáo pháp này vẫn còn hiện hữu. Mặc dù Bậc Giác Ngộ đã đưa ra các giáo pháp, nhưng chúng ta nên cảm thấy thật may mắn là các lời dạy này vẫn còn nguyên.
  4. Sự thật là các giáo pháp được thực hành. Chúng ta nên biết ơn là các giáo pháp này được truyền dạy và đã có các luận giải giảng giải cách thực hành.
  5. Sự thật là có những vị thiện tri thức nhân từ sẵn lòng chia sẻ các giáo pháp.

 Phụ lục B:

 Tám Thi Kệ Chuyển Tâm

Geshe Langri Thangpa

 1.
Với ước nguyện thành tựu mục đích cao cả nhất,

Trân quý hơn cả viên bảo châu như ý,
Vì lợi lạc của hết thảy chúng sinh hữu tình,
Con nguyện luôn yêu thương họ trong lòng.

2.
Mỗi khi gặp gỡ tiếp xúc bất kỳ ai,
Con nguyện coi mình là kẻ thấp kém nhất,
Và, từ trong sâu thẳm tận đáy lòng,
Con nguyện luôn tôn kính người khác như bậc trên.

3.
Con nguyện quán xét tâm mình ở mọi hành động,
Và ngay khi phiền não vừa khởi lên,
Bởi nguy hại cho chính con và những người khác,
Con nguyện đối mặt trực tiếp và ngăn chận nó lại.

4.

Khi thấy những người tính cách khó ưa,
Và bị đè nặng bởi tiêu cực và đau khổ khôn cùng
Như tìm ra được một kho báu quí giá,
Con nguyện yêu thương họ, vì thật hiếm gặp.

5.
Lại khi những người vì lòng ghen tỵ
Ngược đãi và vu khống con,
Con nguyện nhận thua thiệt về mình,
Và nhường phần thắng cho họ.

6.
Mặc dù người mà con đã giúp đỡ,
Hay đã đặt kỳ vọng lớn lao nơi họ,
Lại ngược đãi nặng nề gây tổn thương con
Con nguyện vẫn xem họ là vị tôn sư.

7.
Tóm lại, con nguyện dâng tặng mọi lợi lạc
Trực tiếp và gián tiếp đến hết thảy chúng sinh mẹ
Và con nguyện âm thầm gánh chịu
Mọi tổn thương và đau khổ của mẹ mình

8.
Nguyện hết thảy hạnh nguyện này không bị ô nhiễm
Bởi các vẩn đục của tám mối bận tâm thế gian.
Và bằng việc hiểu rõ mọi sự vật là huyễn ảo,
Thôi bám chấp, con nguyện thoát ràng buộc luân hồi

* A Tibetan Buddhist textual form for presenting the stages in the complete path to enlightenment as taught by Buddha:  Hình thái nguyên bản của Phật Giáo ở Tây Tạng trình bày các giai đoạn trên toàn bộ đường đạo đi đến giác ngộ do Đức Phật giảng dạy.

Teak (ghi lại từ buổi pháp thoại của Lama Nawang Kunphel, ngày 13/04/2021)