Ba yếu Tố Căn Bản của Đường Đạo – Khích Lệ Lắng Nghe

Tuần 2: Khích Lệ Lắng Nghe

Tuần vừa qua chúng ta đã nói về đoạn thi kệ đầu tiên (“Phác Thệ Trước Tác”)

Đoạn thi kệ đầu tiên bàn về chủ đề chính sắp tới, trong khi đoạn thi kệ thứ hai lại nói về những ai thích hợp cho chủ đề này (thính giả mục tiêu).

Chúng ta tập trung vào:

o Buông xả
o Có tâm Bồ Đề
o Chứng ngộ Tính Không

Hôm nay chúng ta sẽ xem đến đoạn thi kệ thứ hai như sau:

[2] Những ai không tham đắm hỷ lạc của thế gian [luân hồi],
Nỗ lực để nhàn mãn (cuộc đời có tự do và thuận lợi) có ý nghĩa,
Kính tin vào đạo làm hoan hỷ các Đấng Chiến Thắng –
Hỡi các bậc hữu duyên: hãy lắng nghe với tâm tĩnh lặng.

Đoạn thi kệ 2, DÒNG 1: “Những ai không tham đắm hỷ lạc của thế gian [luân hồi]”

Chúng ta có thể tự hỏi, bản văn này được soạn cho hạng người nào vậy?

Câu “Những ai không tham đắm hỷ lạc của thế gian” là ám chỉ thế gian xoay vòng như luân hồi.

Những cá nhân tái sanh vào cõi thế gian do bởi nghiệp lực, những cá nhân tái sanh và đi vào vòng luân hồi sẽ mang một cái thân vật chất. Những thân như vậy đều ô trược và bị gắn liền với đau khổ. Do vậy là bởi vì chúng ta bám chấp vào những cảm xúc bất tịnh. Ngay cả hạnh phúc của chúng ta cũng gây đau khổ. Bản chất của thân gây ra đau khổ vì nó vốn dĩ sẽ suy tàn và ngày càng già đi. Khi đến hạn, cơ thể sẽ gia tăng cường độ đau đớn, khổ nhọc và bệnh tật.

Chúng ta bị trói buộc vào một thân thể chỉ gây ra đau khổ. Bản luận này dành cho những người không tham đắm vào những thú vui do sự hiện hữu của luân hồi tạo ra.

Để hiểu rõ vô tham đắm là gì thì các bạn phải hiểu rõ tham đắm là gì đã. Tham đắm thật sự là bản chất của đau khổ – bản luận này không phải dành cho những người bị buộc chặc vào sự hiện hữu của thế gian.

Đoạn thi kệ 2, DÒNG 2: “Nỗ lực để nhàn mãn có ý nghĩa,”

Sanh ra được làm người là sự viên mãn vĩ đại. Thật ra tái sanh làm người là một phần của 8 sự nhàn hạ (tự do) và 10 viên mãn. Đây là bản luận dành cho những người muốn sự tái sanh làm người này là một sự tái sanh có ý nghĩa. Chúng ta được sanh ra trong điều kiện có thể thấy, nghe và có các giác quan khác. Chúng ta có khả năng suy nghĩ sâu xa và chuyển biến tâm. Chúng ta có khả năng mang sự thay đổi vào trong thế giới.

Bản luận này là dành cho những người muốn sự tái sanh làm người là một sự tái sanh có ý nghĩa. Có nhiều người rất toại nguyện với hoàn cảnh hiện tại. Chẳng hạn, những người như vậy lại giống như các chư thiên. Họ ưa chuộng những gì họ có, và quá bận rộn hưởng thụ sự giàu có của mình mà không thấy tầm quan trọng của sự tử tế, lòng từ bi và yêu thương. Những người tham ái vào thế giới vật chất sẽ không thể có thời gian để thực hành. Rất nhiều người trên thế giới làm việc vất vả đến nỗi họ có thể có các tiện nghi riêng biệt. Người ta ai cũng đều nghĩ rằng đây là nguồn hạnh phúc. Nền giáo dục hiện đại cũng dạy rằng vật chất mới là nguồn hạnh phúc – nhưng đây chính là vấn đề. Tình yêu thương, từ bi và thiền tập mới thật là quan trọng – nếu chúng ta không thực hành những điều này, thì chúng ta đã phung phí cuộc đời của mình.

Hạnh phúc nhất có phải là những người giàu có không? Không hề đâu. Có mọi thoải mái vật chất mà chi nếu suốt đêm bạn không thể ngủ ngon? Nếu những người trong thế giới vật chất đó chỉ cần bỏ ra chút ít thời gian để thiền, thì họ sẽ phát triển sự tập trung tốt hơn, sau đó họ có thể chuyển biến cuộc sống của mình.

Thiếu tâm từ bi và yêu thương, thì không có cách nào đạt được hạnh phúc. Chúng ta nên cố gắng làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa bằng cách chuyển biến tâm. Điều này thật quan trọng bởi vì chính tâm của chúng ta sẽ đi sang kiếp sau, chứ không phải thân của chúng ta.

Giờ tôi sẽ mô tả 8 Nhàn Hạ. Nói chung, nếu sinh ra trong một số tình huống, bạn có thể không có cơ hội để tu tập (thực hành pháp).

  1. Không bị sanh vào cõi địa ngục: Nếu bị sanh vào cõi địa ngục, thì bạn không có tự do để tu tập.
  2. Không bị sanh vào cõi ngạ quỷ: Nếu sanh vào cõi ngạ quỷ, mọi thời gian đều dùng để thỏa mãn cơn đói thì ở đó không có thời gian để tu tập.
  3. Không bị sanh vào cõi súc sanh: Các con vật không thể thực hành pháp nhiều được vì chúng luôn sống trong sự sợ hãi bị các con vật khác làm hại.
  4. Không sanh làm người man rợ, hung tợn: Chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự tu tập trong khi những người man rợ thì không thực hiện.
  5. Không sanh làm Chư Thiên sống trường thọ: Ở một số cõi trời, bạn sống trong một thời gian rất là lâu dài. Thật ra, những vị Chư Thiên này có thể chỉ là đang ngủ (thiền miên mật) trong khi các vị Chư Thiên khác sống trong cõi dục giới.
  6. Không sanh ra với chấp tà kiến: Nếu bạn không tin vào nghiệp, nếu bạn không tin rằng yêu thương và từ bi là sức mạnh, thì bạn không thể nào được tự do để tu tập. Một số người tin rằng việc thực hành pháp là dấu hiệu của sự yếu đuối, không hề như vậy.
  7. Sanh vào thời không có những Bậc Giác Ngộ: Chúng ta được sanh ra vào thời kỳ vẫn còn tồn tại giáo pháp của Đức Phật. Nếu sanh vào thời kỳ mà giáo pháp của Đức Phật bị mất đi, thì thật là đáng tiếc cho thực tại đó. Chúng ta sẽ không thể hiểu được những lời dạy và các pháp của Đức Phật, nhất là thực hành tính thiện.
  8. Không sanh ra làm người bị điếc, câm: Chúng ta có khả năng tranh luận thế nào là thiện, và có khả năng nghe pháp.

Kế đến, chúng ta đi qua 10 viên mãn:

5 viên mãn đầu tiên là Tự Viên Mãn (Năm điều kiện viên mãn của chính bản thân mình):

  1. Được sanh ra làm người.
  2. Được sanh ra ở vùng trung tâm nơi có Đức Phật xuất thế.
  3. Được sanh ra với đầy đủ các năng lực: Có năm căn giúp ích chúng ta.
  4. Bản thân có lối sống đúng đắn theo chánh pháp: Chẳng hạn, chúng ta nên cảm thấy may mắn là mình không sống bằng việc lừa gạt người khác hay giết hại các con vật.
  5. Có niềm tin vào giáo pháp tôn kính. Chúng ta nên cảm thấy may mắn có được sự tín tâm. Một số người tin vào việc lừa gạt những người khác. Chúng ta tin vào giáo pháp của Đức Phật, và chúng ta tin vào nghiệp quả. Chúng ta tin vào việc sống hài hòa với thiên nhiên.

5 viên mãn kế tiếp là tha viên mãn (Năm điều kiện viên mãn bên ngoài):

  1. Sự thật là đã có một Bậc Giác Ngộ (Đức Phật) xuất hiện ở thế gian.
  2. Sự thật là Bậc Giác Ngộ đó đã thuyết pháp. Mặc dù một Bậc Giác Ngộ xuất hiện, nhưng không bảo đảm là vị đó sẽ để lại các giáo pháp cho hậu thế. Trong một số thời kỳ, Bậc Giác Ngộ đã không để lại bất kỳ giáo pháp nào cả.
  3. Sự thật là các giáo pháp này vẫn còn hiện hữu. Mặc dù Bậc Giác Ngộ đã đưa ra các giáo pháp, nhưng chúng ta nên cảm thấy thật may mắn là các lời dạy này vẫn còn nguyên.
  4. Sự thật là các giáo pháp được thực hành. Chúng ta nên biết ơn là các giáo pháp này được truyền dạy và đã có các luận giải giảng giải thực hành như thế nào.
  5. Sự thật là có những vị thiện tri thức nhân từ sẵn lòng chia sẻ các giáo pháp.

Đoạn thi kệ 2, DÒNG 3: “Kính tin vào đạo làm hoan hỷ các Đấng Chiến Thắng–

Dòng kệ “Đạo làm hoan hỷ các Đấng Chiến Thắng” nói về đường tu bao gồm những điều này:

o Buông xả
o Có tâm Bồ Đề
o Chứng ngộ Tính Không

‘Chiến thắng’ ở đây là ám chỉ những người đã vượt qua các phiền não bất thiện. Đấng Chiến Thắng là nói đến Đức Phật người đã đánh bại các cảm xúc tiêu cực. Đấng Chiến Thắng cũng kể đến những người là hiện thân của ba phẩm chất chính này.

Đoạn thi kệ 2, DÒNG 4: “Hỡi các bậc hữu duyên: hãy lắng nghe với tâm tĩnh lặng.”

Thay vì dùng từ “calm” (tĩnh lặng) ở đây, tôi nghĩ nên dịch tiếng Anh là “faith”(tín tâm) or “devotion” (đức tin). Thật ra, “calm mind” (tâm tĩnh lặng) được nói đến ở đây có thể được dịch là “trusted mind” (tâm tín cẩn) hay “devoted mind” (tâm tận tụy).

Nếu bạn có thể dấn mình trên đường tu với ba phẩm chất này, thì bạn thật may mắn. Lý do tại sao lại gọi là “chính yếu” là bởi vì đó là ba điểm quan trọng nhất giúp bạn đạt đến Phật Quả.

Teak (Ghi lại từ buổi pháp thoại của Lama Nawang Kunphel, ngày 24/02/2021)