Ba yếu Tố Căn Bản của Đường Đạo – Mục đích của khởi tâm buông xả

Tuần 3: Mục đích của khởi tâm buông xả

———————————————————————

Tôi muốn lưu ý đến vấn đề chào hỏi.

Các bạn có thể đã quen với câu chào rất phổ biến tại Ấn Độ là namaste hay namaskara.

Nama nghĩa là  “Tôi kính lễ” và -skara là nói đến Ishvara, hay vị được biết đến như là “Đấng Thần Linh” trong đạo Hindu (Ấn giáo).

Vì thế ý nghĩa của namaskara là “Tôi kính lễ Đấng Thần Linh ở trong bạn.” Những người theo các tôn giáo như đạo Hindu sẽ không kính lễ đến những vị không phải là Thần Linh. Vì thế, khi những người này chào người khác, họ sẽ hướng lời chào của họ đến “Đấng Thần Linh ở trong ai đó”.

Những người theo Đạo Phật lại không tin vào một vị cứu vớt tối cao nào cả. Thay vì nói namaste hay namaskara, những Phật tử tại Ấn Độ đều nói Namo Buddhaya với ý nghĩa “Tôi kính lễ Đức Phật.” Lời chào như vậy có thể giúp chúng ta thiện lành hơn. Kính lễ Đức Phật có thể nhắc nhở chúng ta một điều gì đó tích cực, và những lời dạy tuyệt vời đó là Phật Pháp.

Chúng ta đã phân tích những lời chào hỏi, bây giờ tôi lại đề cập về mặt kết cấu quan trọng của bản văn.

————————————————————————

Trong các bản văn quan trọng, như Tam Tướng Yếu Đạo, dạng kết cấu của các bản văn như sau:

Đoạn thi kệ đầu nói rõ bản văn sẽ nói về điều gì. Đó là, nêu lên được chủ đề.

Đoạn thi kệ thứ hai nêu rõ bản văn này chủ ý là dành cho ai. Ai sẽ là những người nghiên cứu bản văn này?

Đoạn thi kệ nói rõ được thính giả mục tiêu.

Vậy tại sao chúng ta cần phải phát tâm buông xả (xả ly)?

Buông xả nghĩa là không bám chấp vào luân hồi (và các thú vui thế gian). Buông xả (như là một tư duy) nghĩa là phát triển lòng mong mỏi thoát khỏi luân hồi. Buông xả là một tâm sở. Buông xả là mong ước đạt đến sự giải thoát—không còn đau khổ.

Luân hồi thì đầy đau khổ. Bất cứ điều gì trong cõi luân hồi đều là thứ bạn cần phải từ bỏ. Từ bỏ mọi thứ không có nghĩa là bạn cần vứt bỏ hết những thứ này đi. Bạn có thể sống bên cạnh những thứ của thế gian. Điều quan trọng là bạn không được tham ái vào những thứ của thế gian mà bạn đang cùng chung sống.

Tại sao lại cần thiết buông xả? Hôm nay chúng ta sẽ xem đến đoạn thi kệ thứ ba như sau:

[3] Thiếu tâm buông xả thuần tịnh thoát khỏi luân hồi,
Truy cầu lạc quả trong biển thế gian nên vô phương tĩnh lặng
Hơn nữa, mê đắm vì hiện hữu thế gian đều trói chặt mãi kẻ có thân,
Vì thế, trước tiên hết hãy tìm cầu tâm buông xả.

Đoạn thi kệ 3, DÒNG 1: “Thiếu tâm buông xả thuần tịnh thoát khỏi luân hồi,”

Ở đây bản dịch tiếng Anh không rõ nghĩa như trong bản văn tiếng Tạng.

Để tôi dịch câu này theo nghĩa đen:

Đoạn thi kệ 3, DÒNG 1: nên đọc là:“Thiếu tâm buông xả đúng đắn thì không có phương cách nào thấu hiểu được ước muốn đạt được lạc quả trong biển luân hồi”

Đoạn thi kệ 3, DÒNG 2: Truy cầu lạc quả trong biển thế gian nên vô phương tĩnh lặng.”

Lại lần nữa, bản dịch tiếng Anh ở đây không rõ nghĩa như trong bản văn tiếng Tạng. Để tôi chỉ rõ một vài từ:

Thay vì ‘attachment’ (attachment seeking: truy cầu) ở đây, chúng ta nên dùng ‘wish hay desire to achieve’ (mong ước hay mong muốn đạt được, mong cầu).

Thay vì dùng ‘pleasure’ (lạc thú) hãy dùng ‘result of happiness’ (lạc quả). Từ ‘hạnh phúc’(lạc) ở đây có thể ám chỉ đến hạnh phúc về thể chất, nhưng hạnh phúc này gần như là nói đến ‘hạnh phúc về tinh thần.’

Thay vì nói ‘circling’(xoay vòng), hãy dùng ‘cycling existence/samsara’(sự hiện hữu của xoay vòng/luân hồi)

Luân hồi và bản chất như huyễn của hạnh phúc:

 Nhiều người trong thế gian này đều mong muốn sự hạnh phúc bắt nguồn từ luân hồi. Nhiều người muốn tu tập Phật Pháp đơn giản bởi vì họ muốn được tái sanh lại làm người. Họ nhìn thấy con vật sinh sống và họ không muốn sinh làm động vật. Tuy nhiên, mặc dù sinh ra làm người, thì vẫn có nghĩa là bạn vẫn bị mắc kẹt vào vòng xoay của sự hiện hữu (luân hồi). Đó là, nhiều người vẫn phải chịu đau khổ.

Vì thế mong cầu thoát khỏi luân hồi và không bám víu lấy hạnh phúc bắt nguồn từ luân hồi là rất quan trọng. Tái sanh làm người này là một cơ hội rất tuyệt vời để bạn có thể đạt được rất nhiều thứ. Cuộc đời này là nền móng (và cơ hội) mà bạn có thể xây dựng các kiếp tương lai. Bạn có thể làm điều gì đó trong kiếp này cho mọi chúng sinh hữu tình. Mặc dù có được cơ hội lớn lao như vậy, thì thay vì vậy, người ta lại dùng cả cuộc đời cố tìm cho được một công việc tốt hay một mức lương cao. Mọi người làm việc thật vất vả vì thứ gì đó mà họ không biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Mọi thứ mà một người đã đạt được trong cuộc đời này, (như danh tiếng, xe hơi, nhà cửa), họ đều thực sự không biết là họ sẽ có thời gian để thụ hưởng những thứ vật chất mà họ kiếm được hay không. Giả sử về vật chất bạn có được những thứ gì đó trong cuộc sống này, vậy chúng sẽ ở với bạn trong bao lâu?

Vào lúc bạn kiếm được những sở hữu mà bạn ước muốn, bạn có thể đã 40 hoặc 50 tuổi. Ở tuổi này, bạn sẽ có thời gian để thụ hưởng thứ bạn đã kiếm được hay không? Công việc có thể là có đạo đức, nhưng người ta cũng nên xem xét điều này. Giả sử rằng bạn làm việc thật vất vả, và bạn kiếm được đủ giá trị của cải cho con hay cháu bạn không phải làm việc. Con và cháu bạn trong suốt cuộc đời của chúng giả sử chỉ có việc tiêu xài không thôi hay sao? Sự hiện hữu của chúng có ý nghĩa gì khi chúng chỉ có việc phải tiêu thụ thôi.

Tất cả những điều đang nói đây, có một số điều tích cực và một số điều truyền cảm hứng mà bạn có thể học hỏi từ luân hồi. Với mọi thực phẩm chúng ta đang ăn vào, chúng ta đều phải làm gì đó để tiêu hóa thức ăn (vì điều này thì sự tiêu hóa sẽ hoạt động tốt). Nhưng bạn sẽ không hoạt động cứ như là bạn sẽ sống mãi mãi. Bởi vì ngay khi một người không còn hoạt động (hay ngừng hoạt động), thì cơ thể cũng từ bỏ những điều như vậy [ND: tiêu hóa]. Cơ thể luôn cần một số loại hoạt động hay làm việc (như thế cơ thể có thể tiếp tục sống).

Điều tôi đang nói là, trong cuộc sống, quan trọng là sống một cách dễ chịu. Tuy nhiên, đồng thời sống một cuộc sống có đạo đức cũng rất quan trọng. Vì thế, bạn không nên làm việc chỉ vì danh tiếng hay vì vật chất, bởi vì không chắc là bạn sẽ có thể hưởng thụ những thứ như vậy hay không. Chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Thay vì mất quá nhiều thời gian vào việc đạt được những thứ chỉ kéo dài trong kiếp này, chúng ta nên xây nền móng cho các kiếp khác. (Như thế chúng ta có thể thoát được luân hồi).

Dù cho chúng ta lại sinh ra ở cõi Thiên hay cõi người, chúng ta vẫn phải đau khổ. Sự đau khổ không bao giờ lìa bỏ trừ phi chúng ta thoát khỏi luân hồi. Bản thân cơ thể cũng gây đau khổ. Khi chúng ta ngày càng già đi, sẽ chẳng có ai khác gây đau khổ cho chúng ta ngoại trừ thân thể của chính mình. Đơn cử một ví dụ, Tôi biết những người mắc phải bệnh ung thư. Mặc dù những người này muốn tu tập, nhưng ung thư phá hủy sự bình yên của họ. Nếu một người đã tu tập Đạo Phật và Pháp từ trước, họ có thể giải quyết với nó một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu một người phải bắt đầu thực hành tâm linh sau khi mắc bệnh ung thư, thì điều này là rất khó.

Để dừng luân hồi, bạn phải loại bỏ các cảm xúc tiêu cực. Đó là cách duy nhất để loại bỏ khổ đau. Bạn phải có một mong muốn và động cơ đúng đắn. Luân hồi chỉ là hạnh phúc thế gian tạm thời. Có tâm buông xả đúng đắn là cách duy nhất buông bỏ hạnh phúc từ luân hồi.

Đoạn thi kệ 3, DÒNG 3: “Hơn nữa, mê đắm vì hiện hữu thế gian đều trói chặt mãi kẻ có thân,

Chúng ta liên tục bị kiểm soát và trói chặt vào luân hồi bởi vì lòng khao khát các lạc thú của luân hồi. Vì thế, để thực hành con đường đạo (để đạt đến giác ngộ) và phát tâm Bồ Đề—những điều này rất quan trọng. Chúng ta quá tham ái vào hạnh phúc thế gian; chúng ta bị trói chặt vào luân hồi, và không thể nào thoát ra được.

Đoạn thi kệ 3, DÒNG 4: “Vì thế, trước tiên hết hãy tìm cầu tâm buông xả.”

Hãy nhìn thật tỉ mỉ các con vật và côn trùng, và cách chúng sử dụng 24 tiếng đồng hồ của chúng. Đó là, tất cả các con vật đều quan tâm về thức ăn và một chỗ an toàn để sống (một nơi mà các con vật khác không ăn thịt chúng). Đó là tất cả những gì chúng quan tâm. Người ta ngủ mất 6-7 tiếng, thức dậy, và tìm cái này và cái kia. Chẳng hạn, họ thức dậy và uống cà phê, làm việc, dự tiệc và ăn tối. Tất cả các hoạt động này để làm gì? Mục đích của các hoạt động như vậy là gì—tại sao họ làm tất cả thứ này? Công việc của ai đó đều dẫn đến sự hạnh phúc tạm thời (không kéo dài lâu). Hầu như là không có mấy ai nghĩ về kiếp kế tiếp. Những người tin vào một Đấng Thượng Đế, thì không hiểu gì về khái niệm kiếp sắp tới—họ chỉ tin vào một kiếp sau trên thiên đàng.

Nếu bạn quan sát các mục đích của mọi người– hầu như là đều cho sự giàu có và họ gần như muốn sự giàu có để cho danh tiếng. Đây là cách mà đa số người ta sống cả cuộc đời của họ.  Hãy nhớ đến 8 sự nhàn hạ và 10 viên mãn mà chúng ta đã nói về trong buổi học vừa qua.

Bất cứ những gì chúng ta đạt được trong kiếp này, đôi khi, giàu có nhiều chính nó cũng là một chướng ngại. Bạn phải mất rất nhiều thời gian để trông coi của cải. Đúng vậy, giàu có có thể giúp tạo thuận lợi cho Pháp, giúp đưa đến tận nhiều người hơn, nhưng bạn cũng mất nhiều thời giờ lo lắng về tài sản.

Tôi sẽ nói điều này theo một cách khác. Nếu bạn không thể nói tiếng Nhật, thì không có cách nào dạy tiếng Nhật cho người khác. Nếu bạn không thể giữ cho mình an toàn, thì làm thế nào cứu người khác? Vì thế mọi người hành động nhằm tới mục đích kiếp sau là rất quan trọng. Nếu bạn muốn giúp các chúng sinh hữu tình, thì hãy tu đạo. Khi đó bạn sẽ có nhiều cơ may hơn giúp những chúng sinh khác trong các kiếp sống tương lai.

Thay vì mong muốn được tái sinh làm người, hay tích lũy công đức để tái sinh làm người hay làm một Chư Thiên, thì hãy dùng những thực hành của bạn để thoát khỏi luân hồi. Mặc dù bạn vẫn chưa ra khỏi luân hồi trong kiếp này, nhưng nhờ nghiệp thiện, bạn tự khắc có một cuộc sống tốt đẹp. Nếu bạn mong mỏi điều gì cao hơn nữa, thì bạn không phải lo lắng về những điều nhỏ nhặt.

Chẳng hạn, nếu bạn ước muốn được giác ngộ như Đức Phật, thì bạn không phải bám víu vào tái sanh làm người. Bạn sẽ có công đức để vượt xa hơn là làm người.

Đức Phật nói về ba loại đau khổ (Skt. triduḥkhatā; Tib. སྡུག་བསྔལ་གསུམ་, dukngal sum, Wyl, sdug bsngal gsum) —

  1. khổ-khổ (Skt. duḥkha duḥkhatā; Tib. སྡུག་བསྔལ་གྱི་སྡུག་བསྔལ་, Wyl. sdug bsngal gyi sdug bsngal)
  2. hoại khổ (Skt. vipariṇāma duḥkhatā; Tib. གྱུར་བའི་སྡུག་བསྔལ་, Wyl. ‘gyur ba’i sdug bsngal)
  3. biến hành khổ [ (Skt. saṃskāra duḥkhatā; Tib. ཁྱབ་པ་འདུ་བྱེད་ཀྱི་སྡུག་བསྔལ་, Wyl. khyab pa ‘du byed kyi sdug bsngal)

Khi giải thích khổ đế, Đức Phật nói về:

  1. Khổ-khổ (khổ chồng khổ). Gây ra do các thứ về thể chất (như các phần của cơ thể)
  2. Hoại khổ (khổ do sự biến đổi). Đây là bản chất của khổ. Bạn có thể cảm thấy vui thích, nhưng chừng nào mà nó là niềm vui của luân hồi, thì mọi sự vui thú sẽ đem đến là đau khổ trong một thời gian dài. Chẳng hạn, khi uống rượu, người ta có thể cảm thấy thích thú khi họ uống, nhưng đó là sự vui thích của luân hồi. Theo thời gian, bạn sẽ ngày càng muốn uống, và cuối cùng bạn có thể sẽ bị hư mất gan.
  3. Biến hành khổ (khổ đầy dẫy). Cho dù chúng ta trải nghiệm điều gì—thú vui tạm thời (cảm thọ lạc) hay đau khổ (cảm thọ khổ), ngay cả trạng thái trung tính (cảm thọ xả)—chúng ta đang luôn tự tạo đau khổ tương lai cho mình. Tại sao vậy? Bởi vì điều kiện (duyên) hiện tại của chúng ta là các nhân trực tiếp cho các tình trạng tương lai.

Nếu một người bị bám víu vào tên tuổi như nhiều nam diễn viên và nữ diễn viên, suốt cả cuộc đời họ cố gắng để được nổi tiếng. Nhưng cuối cùng họ sẽ thật sự được cái gì? Tiếng tăm có thể rất lớn khi họ còn trẻ, nhưng khi về già (khi họ không còn những người hâm mộ hay thấy người khác nổi tiếng hay hấp dẫn hơn họ), họ sẽ rơi vào trạng thái bị trầm cảm. Lấy Michael Jackson làm ví dụ. Ông ta thật sự đạt đến điều gì? Ông cố kiếm cho được quá nhiều sự nổi tiếng và qua đời.  Tất cả của cải của ông– ông có thể thật sự tiêu pha hết hay không? Những nghệ sĩ khi họ lớn tuổi, về mặt hình thể họ cũng không thể nào nhảy múa ở tuổi già. Họ có thể cảm thấy ghen tỵ với những người khác. Bạn sẽ có khả năng đầy tự mãn và lo sợ mất đi những thứ mà bạn có, trừ khi bạn là một hành giả tinh tấn. Bạn có thể luôn ở trong sự lo sợ mất mát. Nếu bạn không thực hành Pháp vào lúc này, ai biết được điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sanh ra làm người vào kiếp sau. Đó là, bạn có thể tái sanh làm một người mà bạn không có duyên để có thể tu tập.

Vì tất cả những lý do này, chúng ta nên cố gắng nhìn thấy được tầm quan trọng của sự buông xả. Phát tâm buông xả nghĩa là suy nghĩ trên một số điểm như sau:

  • sự vô thường của cuộc sống,
  • cơ hội lớn lao được sinh làm người,
  • có khả năng quy y Phật,
  • cơ hội gặp những vị thầy đức hạnh ở gần.

Hôm nay chúng ta đã nói về mục đích của sự buông xả, nhưng trong buổi học kế tiếp, chúng ta sẽ nói về thế nào là thật sự từ bỏ.

Teak (Ghi lại từ bài pháp thoại của Lama Nawang Kunphel, ngày 03/03/2021)