Tuần 1: Phát Thệ Trước Tác (Lời hứa biên soạn)
Đây là một trong những tuyệt tác do đại đạo sư Lobzang Drakpa – Je Tsongkhapa biên soạn. Ngài là một đại hành giả và học giả Phật Giáo. Ngài sinh tại vùng Amdo – Tsongkha, Tây Tạng – vào thế kỷ thứ 14.
Lý do tại sao tôi chọn bản văn này là vì nó bao gồm ba yếu tố căn bản của đường đạo – ba cái trọng yếu nhất trong thực hành để đạt đến Phật Quả. Ba điểm quan trọng này như là cam lồ của tất cả giáo pháp của các Đức Phật, và là những điểm thiết yếu của tất cả các kinh điển.
Một lý do khác tại sao tôi lại chọn bản văn này là vì tác giả của bản văn – Lama Tsongkhapa – thật sự được xem là vị đạo sư vĩ đại nhất (và được tôn kính nhất) trong số tất cả các đạo sư Tây Tạng. Khi Lama Tsongkhapa nghiên cứu về Đạo Phật, ngài đều cố gắng hiểu những lời dạy thông qua thiền. Trước khi ngài chứng ngộ Tính Không, qua thiền quán, ngài đã có năng lực trực kiến Đức Văn Thù Sư Lợi – Đức Phật hiện thân của Trí Tuệ. Lama Tsongkhapa là một đạo sư có thể trực kiến Đức Văn Thù Sư Lợi, giống như cách chúng ta có thể nhìn thấy vị thầy của mình. Ngài đã nhận nhiều giáo pháp trực tiếp từ Đức Văn Thù Sư Lợi.
Đây là bản dịch tiếng Anh tôi có được và bản văn này được dùng cho FPMT – một trong những trung tâm Phật Giáo liên kết với tu viện của tôi. Vì vậy, bản dịch này đáng tin cậy để sử dụng.
Nhiều người nói rằng bản văn này thật ra là do Đức Văn Thù Sư Lợi giảng dạy và sau đó được Lama Tsongkhapa viết ra. Một trong những lý do tại sao người ta nói vậy bởi vì bản văn thật là tuyệt diệu, chỉ có vài trang nhưng giải quyết tất cả các điểm quan trọng; ba điểm tinh yếu của đường đạo theo một cách thật dễ hiểu. Đó là:
o Buông Xả
o Tâm Bồ Đề
o Trí Huệ Chứng Ngộ Tánh Không.
Ba điều này là những điểm thiết yếu nhất hiện có trong tất cả các kinh điển. Bằng cách tu tập ba điểm này, chúng ta có thể đạt đến sự Giác Ngộ. Nếu sự thực hành của một người không bao gồm cả ba chủ đề này, thì người đó không thể nào đạt đến sự Giác Ngộ được.
Rất nhiều chúng sinh thậm chí không thể nói, hiểu hay nhận ra được sự cần thiết phải diệt trừ đau khổ vi tế, là bởi vì họ không thể hiểu bản chất của đau khổ thực chất chính nó là gì. Chỉ có con người mới có thể hiểu được đau khổ vi tế. Vì vậy, chúng ta nên suy ngẫm về tầm quan trọng và số phận của chúng sinh được sanh ra làm người trong thế giới này. Chúng ta nên cảm thấy thật may mắn gặp được những lời dạy của Đức Phật. Không chỉ có thế, chúng ta còn có thời gian để học Giáo Pháp Phật. Chúng ta nằm trong số những người không chỉ mong ước thoát khỏi luân hồi cho chính mình, mà còn cho tất cả các chúng sinh hữu tình khác bằng cách thực hành Phật pháp. Cách duy nhất để giúp tất cả chúng sinh hữu tình là khi bạn đạt được Phật Quả. Vì điều đó, nên với động cơ như vậy, chúng ta ở trong số những người mong ước đạt đến Phật Quả.
Nếu bạn nhìn vào thế giới này, rất nhiều người luôn bận rộn, và bị mọi công việc chiếm chỗ. Những công việc như vậy chỉ giúp họ no bụng và cho họ quần áo chỉ đối với kiếp sống này. Nhiều người chỉ nghĩ rằng, “Tôi còn phải mua thức ăn; tôi còn phải mua quần áo mặc,” có thể chỉ ưu tiên cho hai khía cạnh này là quan trọng nhất. Tôi nghĩ các động vật và chim chóc cũng làm như vậy (chẳng hạn tìm kiếm thức ăn, nguồn nước để uống, chỗ an toàn để sống, và làm tổ như thế chúng có thể sống được …).
Vì vậy, từ quan điểm là người, (được phú cho một bộ não và trí thông minh phi thường, bao gồm khả năng phân biệt cái tốt cái xấu), chúng ta phải thấy nhiều hơn những gì chúng ta có thể làm. Chúng ta không nên chỉ nghĩ trước một hay hai ngày, hay nghĩ về làm sao không khổ trong kiếp này, mà chúng ta còn phải nghĩ xa hơn nhiều cho kiếp sau. Chúng ta phải nghĩ không chỉ tới kiếp sau cho chúng ta thôi, mà còn cho tương lai của tất cả chúng sinh hữu tình nữa.
Người nào gặp được pháp thì sẽ gặp được giáo pháp Đại Thừa. Chúng ta nói về sự Giác Ngộ, và lòng từ bi đối với mọi chúng sinh hữu tình. Đó là cơ hội tuyệt vời để có thể tu tập các thực hành này, như thế chúng ta có thể đạt đến Giác Ngộ và giúp đỡ mọi chúng sinh hữu tình.
Cho nên, với động cơ đạt đến Giác Ngộ, chúng ta hãy bắt đầu với bản văn này, bản văn giải thích ba điểm chính yếu của thực hành để đạt đến Giác Ngộ.
Chúng ta đi vào phần 1:
“Lễ Tán (bày tỏ sự tôn kính)
Con kính lễ chư tôn giả vô thượng sư.”
Theo truyền thống ở Ấn Độ, những vị đại sư cổ xưa khi viết sách, họ thường cầu nguyện đến một số vị Phật, cầu nguyện đến Tăng già, cầu nguyện với lòng từ bi và cầu nguyện đến một số bậc thầy Thánh Giả. Lý do tại sao họ cầu nguyện là biểu lộ động cơ phụng sự mọi chúng sinh hữu tình của họ. Động cơ (để viết sách này) bao hàm ước muốn cho nhiều người tìm thấy Giác Ngộ từ vô minh và đạt đến Phật Quả.
Vì vậy, ở đây, thay vì kính lễ đến một vị Phật cụ thể, Pháp hay Tăng già, Lama Tsongkhapa kính lễ đến bậc thầy toàn hảo. Từ “guru” có hai phần: Gu và Ru. Gu nghĩa là vô minh, Ru là loại bỏ. Vì vậy, Guru nghĩa là người diệt trừ sự vô minh, và cung cấp tri kiến và sự hiểu biết. Trong tiếng Anh chúng ta dùng từ “master” hay “teacher” [“sư” hay “thầy”] để thay cho.
Trước khi một vị đạo sư viết nội dung thật sự của bản văn, vị đó cúi đầu xuống hay kính lễ để kính ngưỡng bậc thầy toàn hảo. Bởi vì các Đức Phật đều dạy giáo pháp cho những vị đại sư, là người dạy lại giáo pháp cho Tăng Đoàn. Tăng Đoàn sẽ đi theo những lời dạy của Đức Phật bằng cách tu tập và đạt đến những mức độ chứng đắc khác nhau. Một phương tiện và chỉ một qua đó bạn có thể nhận được tất cả giáo pháp là những lời dạy từ những vị guru – từ những vị thầy toàn hảo đó, bởi vì bạn không thể nhận chúng trực tiếp từ các Đức Phật. Bạn có thể không hiểu rõ được các khái niệm nếu bạn chỉ đọc những lời dạy hay nhận pháp trực tiếp từ các Đức Phật.
Lý do tại sao Lama Tsongkhapa kính lễ hay cúi đầu xuống trước vị guru toàn hảo là vì khi làm như vậy, nó giống với việc cúi đầu xuống trước tất cả các vị Phật, Pháp và Tăng Già ở mười phương.
Nếu bạn xem xét đến các bản văn cổ xưa, tất cả các vị đại sư đều đi theo một luật lệ vẫn được tôn trọng: Trước khi viết những bản văn, đầu tiên họ đều kính lễ Đức Phật, Pháp, Tăng Già hay vị thầy quan trọng của họ. Sau đó, họ bày tỏ một lời hứa sẽ viết bản văn.
Lama Tsongkhapa, không chỉ hứa sẽ viết một bản văn, mà còn diễn đạt chủ đề của bản luận. Khi đọc đoạn thi kệ đầu tiên, người ta hiểu rằng họ sẽ tìm thấy những điều gì trong bản luận. Họ có thể xem trước nội dung của bản luận ở ngay trang đầu tiên.
Vì vậy, trong cùng một phong cách viết, ở đoạn thi kệ đầu tiên (tức là bốn dòng thơ đầu tiên) bạn có thể thấy ngay chủ đề mà tác giả dự định sẽ viết trong bản luận. Đồng thời, đoạn thi kệ đầu tiên cũng cho thấy lời hứa là Lama Tsongkhapa (hay tác giả) sẽ biên soạn thành bản luận.
Lý do tại sao các vị đại sư này đưa ra lời hứa ở phần bắt đầu của đoạn thi kệ là bởi vì họ có thể tích lũy nhiều công đức. Công đức có thể giúp loại bỏ các chướng ngại khi họ viết bản luận.
Đây là một đoạn thi kệ phi thường trong kinh điển nói lên rằng những Thánh Giả không dễ dàng đưa ra những lời hứa.
Lý do là vì khó có những lời hứa. Mặc dù không dễ hứa, nhưng khi đã hứa thì những lời hứa chắc như đá. Khi những lời hứa được viết ra, thì chắc chắn chúng không bị thất hứa dễ dàng.
Tương tự, tác giả của bản luận này cũng đưa ra lời hứa ở phần đầu của bản văn để bày tỏ sự cống hiến của mình cho bản luận. Lời hứa biên soạn là lời đã được chọn lọc để đưa ra nội dung của đoạn thi kệ đầu tiên.
Phát Thệ Trước Tác (Lời hứa biên soạn)
[1] Tâm ý tất cả tôn ngữ của các Đấng Chiến Thắng
(Ý nghĩa cốt yếu của những lời dạy của các Đấng Chiến Thắng)
Đạo được Chư Vương Tử thậm thâm tán thán
(Đường tu được tất cả Chư Bồ Tát thiện hảo ca tụng),
Lối vào của những bậc hữu duyên mong cầu giải thoát–
Con nguyện tận sức giảng giải như thế.
Đoạn thi kệ 1, DÒNG 4: “Con nguyện tận sức giảng giải như thế.”
Dòng thơ này cho thấy lời hứa của Lama Tsongkhapa đưa ra. Ngài hứa sẽ cố gắng hết sức để viết một bản luận. Lý do tại sao ngài nói “tận sức” là bởi vì ngài không muốn khoe khoang là mình biết mọi thứ. Đó là, ngài không muốn biểu lộ quá nhiều tri kiến về Tánh không, việc sử dụng Tâm Bồ Đề hay khả năng Buông Xả của mình. Lama Tsongkhapa đã từng nhận được những lời dạy từ Đức Văn Thù Sư Lợi. Ngài muốn tận sức giảng giải để làm giảm đi bản ngã của mình càng nhiều càng tốt.
Vậy về nội dung. Có ba điểm chính yếu: Buông Xả, Tâm Bồ Đề và Tánh Không. Dòng đầu tiên là về sự Buông Xả; dòng thứ hai là về phát triển Tâm Bồ Đề; và dòng thứ ba là về Tánh Không (trí tuệ chứng ngộ Tánh Không).
Đoạn thi kệ 1, DÒNG 1: “Tâm ý của tất cả tôn ngữ của các Đấng Chiến Thắng”
Vậy thì “các Đấng Chiến Thắng’” ở đây nghĩa là các Đức Phật. Lý do tại sao các Đức Phật được gọi Đấng Chiến Thắng là vì các Đức Phật đã chế ngự được sự đau khổ (nghĩa là thoát khỏi các cảm xúc tiêu cực và bỏ lại hạt giống cảm xúc tiêu cực [ND: chỉ còn là dấu ấn]).
Ngoài ra, “One” ở đây là số nhiều, bởi vì có nhiều Đức Phật và nhiều giáo pháp của các Đức Phật.
Theo tông phái Nguyên Thủy, họ tin vào một Đức Phật thôi, nhưng theo Phật Giáo Đại Thừa, có rất nhiều vị Phật, vì mỗi và mọi chúng sinh hữu tình đều có khả năng trở thành một vị Phật. Có nhiều chúng sinh đã đạt đến Phật Quả rồi. Vì thế, không chỉ có một vị Phật. Lama Tsongkhapa nhận những lời dạy từ Đức Phật hiện thân của Trí Tuệ. Đó là một Đức Phật khác.
Chẳng hạn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã xuất hiện ở thế giới này cách đây 2,600 năm đã dạy nhiều giáo pháp khác nhau.
Trong số những giáo pháp này, thì giáo pháp cốt yếu (cam lồ của mọi giáo pháp) là giáo pháp Buông Xả. Lý do tại sao Buông Xả giống như cam lồ hay ý nghĩa cốt tủy là vì bất kỳ những lời dạy nào của Đức Phật đều giúp người ta diệt trừ khổ đau trong cuộc sống hàng ngày. Buông Xả là một mong ước thoát khỏi luân hồi. Đó là một mong muốn hết khổ đau và đạt đến giải thoát.
Đoạn thi kệ 1, DÒNG 2: “Đạo được Chư Vương Tử thậm thâm tán thán”
“Đạo được Chư Vương Tử thậm thâm tán thán” không gì khác ngoài Tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề có thể chia nhỏ làm hai phần: “Bodhi” [Bồ Đề] là nói đến một vị Phật, và “citta” là ‘tâm Giác Ngộ.’ Tâm Giác Ngộ là đạo được các Đấng Chiến Thắng tán thán. Đấng Chiến Thắng giống như các Đức Phật. Con cái của các ngài là các vị Bồ Tát. Bồ Tát giống như các con của Đức Phật bởi vì họ được cho là sẽ đạt đến Phật Quả. Chẳng hạn, con của Vua – Hoàng tử – là người đang trên con đường trở thành Vua. Bồ Tát cũng giống như là một hoàng tử người được cho là sẽ đạt đến trạng thái Phật Quả.
Vậy thì, trạng thái nào của tâm nhất thiết đạt đến Giác Ngộ là điểm quan trọng cần xem xét. Tâm mong muốn đạt đến Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Ước muốn như vậy trở thành hiện hữu và được dẫn bởi lòng Đại Bi đối với mọi chúng sinh hữu tình – một ước muốn bao quát toàn bộ để đạt đến Giác Ngộ.
Hai mức độ này (lòng đại bi và ước muốn) đối với tất cả chúng sinh hữu tình sẽ được giải thoát khỏi luân hồi sẽ dẫn tâm hướng đến sự Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu bạn có lòng đại bi và mong muốn to lớn loại trừ hết đau khổ của tất cả chúng sinh hữu tình, thì bạn nhận ra rằng hiện tại có thể không có lực để làm như vậy. Mặc dù tôi muốn loại trừ hết khổ đau của mọi chúng sinh hữu tình, nhưng hiện tại tôi không thể làm được điều đó vì tôi không thể nào diệt trừ hết khổ đau của chính bạn bè và gia đình tôi. Nếu tôi vẫn không thể diệt trừ đau khổ của những người quanh tôi, thì làm thế nào tôi có thể loại trừ hết khổ đau của tất cả chúng sinh hữu tình khác được chứ?
Thấy được sự cần thiết phải đạt đến Giác Ngộ thật quan trọng – đó là, để loại trừ khổ đau của tất cả chúng sinh hữu tình. Lòng đại bi có thể thúc đẩy bạn. Nếu bạn có lòng đại bi, tự khắc bạn có thể phát triển Tâm Bồ Đề. Vì khi bạn mong muốn loại trừ hết đau khổ của mọi chúng sinh hữu tình, bạn sẽ tìm kiếm cách nào để làm như vậy. Trong sự tìm kiếm các cách để loại trừ hết đau khổ của mọi chúng sinh hữu tình, bạn sẽ nỗ lực tìm bất cứ cách nào để đạt Phật Quả.
Lý do tại sao tất cả Chư Phật và Bồ Tát đều tán thán tâm mong muốn đạt đến Giác Ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình là vì những mong muốn như vậy không những làm thanh tịnh nghiệp quá khứ, mà còn có thể tích lũy lượng rất lớn công đức chỉ trong một phút. Đầu tiên khi chúng ta khởi phát Tâm Bồ Đề, đó được gọi ‘Tâm Bồ Đề Nhân Tạo’ bởi vì nó được khởi phát qua sự nỗ lực, nhưng nếu chúng ta tiếp tục hoàn thiện Tâm Bồ Đề của chúng ta qua thiền tập, cuối cùng nó sẽ khởi lên một cách tự nhiên không cần nỗ lực. Tâm Bồ Đề tự phát này là Tâm Bồ Đề đích thực. Trong khi chúng ta rèn luyện Tâm Bồ Đề thì chúng ta cần phải ngăn ngừa đừng cho mong muốn này thoái hóa đi.
Một Tâm Bồ Đề thật sự là một tâm phải rất bền vững. Nó phải kiên cố, giống như mong ước của một người tù nhân ước muốn thoát khỏi nơi giam cầm. Giả sử bạn ở trong tù. Một bạn tù đến và đánh bạn mỗi ngày làm cho bạn bị thương trầm trọng. Nếu ở cảnh ngộ như vậy thì ước muốn thoát khỏi nhà tù sẽ liên tục còn đó, dù cho bạn có muốn làm gì. Ước muốn này lúc nào cũng nổi lên bất chấp là bạn có đang cố ngủ cái đã sau khi bị phạt tới tấp, hay bạn có đang ở tư thế nhận món ăn ngon mà bạn ưa thích.
Cũng giống y như vậy, nếu bạn có Tâm Bồ Đề thật sự, bạn sẽ có tâm mong muốn Phật Quả để làm lợi ích cho mọi chúng sinh hữu tình. Mong muốn đó cũng vững chắc như là mong muốn thoát khỏi ngục tù. Bạn sẽ mong muốn liên tục cho dù bạn đang làm gì đi nữa, ngay cả nếu bạn đang ở một buổi tiệc rất vui, có thời gian vui chơi hoặc có thời gian ý nghĩa bên cạnh gia đình hay bạn bè. Nếu bạn có một tâm như vậy thì bạn là một vị Bồ Tát. Ngay cả nỗ lực nuôi dưỡng một Tâm Bồ Đề trong một phút thôi cũng tích lũy công đức to lớn hơn bất kỳ khoảnh khắc nào khác trong cuộc đời của bạn cho đến nay.
Khi hành động giúp đỡ các chúng sinh hữu tình mọi lúc, thì tâm bạn không có chỗ trống cho ghen tỵ, cố chấp, đố kỵ (tất cả các cảm xúc tiêu cực) đối với người khác. Với Tâm Bồ Đề, người ta sẽ có tâm tốt nhất—họ biểu lộ sự chăm sóc và yêu thương thật lòng giúp đỡ người khác bằng cách đạt đến Phật Quả. Nó làm giảm đi tính ích kỷ và mọi cảm xúc bất thiện – các cảm xúc chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân. Bạn có thể bộc lộ xu hướng hành động vị kỷ qua các cảm xúc như tính tham lam, cố chấp, tự mãn, ghen tỵ và đố kỵ. Tuy nhiên, khi bạn có Tâm Bồ Đề, thì tâm này tự động làm thanh tịnh nhiều nghiệp bất thiện liên quan với tâm vị kỷ. Đây là tại sao những con đường tu của Tâm Bồ Đề này đã được tất cả Chư Phật và Bồ Tát – các Đấng Chiến Thắng và con các ngài – đều tán thán.
Đoạn thi kệ 1, DÒNG 3: “Lối vào của những bậc hữu duyên mong cầu giải thoát”
Theo truyền thống Đại Thừa, giải thoát là trạng thái của Giác Ngộ. Thoát khỏi các cảm xúc tiêu cực, và không còn đau khổ là ý nghĩa của giải thoát. Trí tuệ chứng ngộ Tánh Không giống như là một lối đi vào mà những người may mắn có mong muốn giải thoát sẽ đi tiếp để đạt đến như vậy. Bởi vì nếu bạn không có trí tuệ chứng ngộ Tính Không, thì dù cho bạn làm những công đức gì (bất kể những loại thực hành nào mà bạn tham gia), thì không có hoạt động nào như vậy lại mang bạn đến giác ngộ. Lý do cho điều đó là để vươn tới trạng thái giải thoát và Phật Quả, thì bạn cần phải loại trừ đau khổ.
Có thể loại trừ đau khổ khi bạn có thể xóa bỏ được các cảm xúc tiêu cực. Có thể xóa bỏ được các cảm xúc tiêu cực khi bạn diệt được tam độc: ngu si, tham ái và sân giận. Ba thứ chất độc này có thể được tẩy trừ khi lấy đi gốc rễ của các thành phần này (nghĩa là sự vô minh). Sự vô minh về bản chất hiện tượng, sự vô minh về ngã, sự vô minh về cách thức hiện hữu thực sự là tất cả thành phần đối kháng lại việc chứng ngộ Tính Không. Thiếu hiểu biết về Tánh Không có thể gây ra sự bám víu, ghét bỏ, cố chấp, ghen tỵ, tự mãn, tham lam (tất cả các cảm xúc tiêu cực). Vì điều này mà chúng ta vẫn còn đau khổ và còn trong luân hồi.
Nếu bạn muốn chặt gốc rễ của mọi đau khổ, thì bạn phải xóa tan sự vô minh. Vô minh chỉ có thể được xóa đi khi bạn chứng ngộ được Tính Không. Đó là lý do tại sao lối vào cho những người mong muốn giải thoát bắt đầu bằng trí tuệ chứng ngộ Tính Không như là đạo hướng đến đạt tới Giác Ngộ.
Cả ba điểm này (tức là Buông Xả, Tâm Bồ Đề và Tính Không) là những điều mà Lama Tsongkhapa thuyết “Con nguyện tận sức giảng giải”. Đây là cái hay của bản văn tuyệt vời này. Bạn có thể nói rằng bản văn này và 99% các bản văn của đạo sư Nalanda đều được soạn theo cách như thế này. Nếu bạn chỉ đọc vài câu kệ đầu tiên, bạn có thể hiểu được ý tưởng chính mà người viết muốn nói đến. Bạn sẽ tìm ra lời hứa của người viết cũng như, chưa kể đến, sự trình bày rõ ràng về nội dung của bản luận.
Nhiều người nói rằng bản văn này là những điều mà Đức Văn Thù Sư Lợi đã thuyết và sau đó được Lama Tsongkhapa biên soạn. Do đó, nội dung của bản văn được coi là cốt yếu hay những điểm quan trọng nhất – đó là cam lồ của các kinh điển Phật Giáo Đại Thừa.
Tôi khuyên bạn nên đọc bản văn này cùng với bản văn “Tám thi kệ rèn luyện tâm.” Chất lượng thực hành quan trọng hơn là số lượng các thực hành. Ngay cả nếu bạn hiểu 40-50 bản luận, cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều nếu bạn không hiểu các khái niệm một cách rõ ràng. Vì vậy hãy cố gắng hiểu các tư tưởng từ cốt lõi, từ chiều sâu của nó một cách rõ ràng. Hiểu biết ý nghĩa của một bản văn và có kinh điển trong tâm của bạn được xem là có chất lượng thực hành. Kết quả thực hành của các bạn sẽ có chất lượng nếu nguồn tri thức đưa vào của bạn cũng có chất lượng. Để cho các khái niệm được hấp thu vào trong tâm của mình giống như thực hành, thì bạn sẽ có thể thể hiện tri thức bằng thân tướng và lời nói.
Teak (Ghi lại từ buổi pháp thoại của Lama Nawang Kunphel, ngày 02/02/2021)