Giận dữ và cách đối trị trong đạo Phật.

Tóm Tắt

 Mục đích thật sự của Phật Pháp là giúp chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành những cảm xúc tích cực, chỉ bởi vì chúng làm cho chúng ta không hạnh phúc, lý do tại sao chúng ta luôn đau khổ ở mọi kiếp sống trong luân hồi. Sân giận là một trong các cảm xúc tiêu cực rất thường xuyên trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Giáo pháp của Đức Phật giống như toa thuốc trong đó Đức Phật đã giải thích rõ bản chất và nguyên nhân của các cảm xúc tiêu cực này, làm sao để loại bỏ được chúng và phương thuốc cần dùng cho từng loại bệnh nội tâm như vậy là gì và cách dùng như thế nào.

Và mọi giáo pháp của Đức Phật đều cho thấy phương pháp giúp chúng ta loại bỏ các cảm xúc tiêu cực đó và mức độ cao hơn là bệnh nội tâm và chỉ có đọc toa thuốc thôi thì không chữa được bệnh, chỉ đọc các lời dạy của Đức Phật thì không đủ để loại bỏ các cảm xúc tiêu cực như là sân giận một cách hoàn toàn. Vì vậy chúng ta phải thực hành các lời dạy này của Đức Phật.  Và với cách ứng dụng đúng đắn các phương thuốc trị liệu như thực hành lòng từ bi, thực hành trí tuệ, thực hành nhẫn nhịn, thực hành giữ giới, v.v… Chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc tối thượng.

Đối với sân giận, phương thuốc trị liệu tốt nhất đó là thực hành sự nhẫn nhịn. Lama Nawang Kunphel đã đưa ra một phương pháp thật đơn giản để thực hành sự nhẫn nhịn. Đó là suy nghĩ các hậu quả tiêu cực hay bất lợi của sân giận và tập trung vào các ích lợi của không sân giận. Để có thể tập trung suy nghĩ vào hai mặt bất lợi của sân giận và ích lợi của không sân giận, dựa vào kinh nghiệm của chính mình, Lama giới thiệu 8 điểm mà thầy đã thực hành từ lúc còn nhỏ cho đến tận bây giờ và đạt được những kết quả như mong muốn. Đó là:

  1. Nếu sân giận bạn sẽ mất các giá trị của mình, mất đi sự tôn trọng và tiếng nói của mình.
  2. Nếu sân giận, không chỉ làm cho bạn không vui mà còn hủy hoại hạnh phúc của những người rất thân yêu đối với bạn.
  3. Sân giận trong lòng, giống như ngọn lửa, nó thiêu đốt bạn.
  4. Nếu hay sân giận, sẽ tạo nên một thứ cô độc và bạn mất đi những người bạn, và mối quan hệ tốt đẹp.
  5. Khi sân giận, bạn mất khả năng phân tích cái tốt và cái xấu, tâm quán sát của mình, khả năng ra quyết định của mình, bộ não tri thức của bạn sẽ không hoạt động nữa.
  6. Khi sân giận, người ta không còn thấy bạn dễ thương, không còn nghĩ bạn đủ thân thiện để đến gần.
  7. Khi quá sân giận, thì mối quan hệ lâu dài bị đổ vỡ.
  8. Khi quá sân giận, bạn muốn làm tổn thương người khác, điều đó chỉ vì bản ngã của bạn mà thôi.

Và việc thực hành tám điểm này mỗi ngày cũng không mất thời gian, chỉ cần tập trung ngồi thiền suy nghĩ cho mỗi điểm trong khoảng 2 phút vào 2 lần buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày là đủ. Như vậy chúng ta chỉ cần 30 phút cho hai lần thiền hoặc chỉ một lần trong 14 phút mỗi ngày nếu bận rộn. Chúng ta có thể thấy được sự thay đổi lớn trong ít nhất hai tuần ngay cả chỉ trong hai – ba  ngày chúng ta đã bắt đầu thấy cơn giận của mình chuyển hóa theo chiều hướng tích cực.

Vì vậy ngay trong kiếp này, nếu chúng ta không có sân giận, nếu chúng ta có thể kiểm soát được cơn giận của mình, chúng ta sẽ rất là bình yên. Đó chính xác là những gì Đức Phật đã nói: “Sự chuyển hóa là điều con cần đến”.

Nếu chúng ta yêu thương chính mình, nếu chúng ta thật sự có lòng từ bi với chính mình, thì chúng ta cần bỏ đi các khổ đau có thể đến từ các hành động tiêu cực, các hành động tiêu cực đến từ cảm xúc như sân giận. Vậy để loại bỏ cơn giận, chúng ta cần thực hành sự nhẫn nhịn, phương cách tu tập nhẫn nhịn là tám điểm này.

Mở đầu

Mục đích thật sự của Phật Pháp là trợ giúp hay hỗ trợ bạn chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực của bạn như ghen tỵ, sân giận, bám víu, đố kỵ, cố chấp, tự mãn, tham lam thành ra tích cực. Các cảm xúc đó làm cho chúng ta không hạnh phúc là lý do tại sao chúng ta đau khổ ở mọi kiếp sống trong Luân Hồi. Bạn cần phải hiểu tại sao thực hành một việc như vậy lại giúp cho chúng ta, hiểu cách nào giúp chúng ta chuyển hóa là điều rất quan trọng mà chúng ta cần tập trung vào.

Tất cả giáo pháp của Đức Phật giống như toa thuốc.

Nếu bị mắc bệnh, bạn đi đến bệnh viện và điều bác sĩ làm cho bạn giống như một trình tự: sau khi viết tên bạn và ngày tháng, bác sĩ sẽ viết loại triệu chứng bạn có, chẳng hạn bạn có thể bị sốt, bạn có triệu chứng này và triệu chứng kia. Rồi dựa vào các triệu chứng và kết quả phân tích, bác sĩ đi đến kết luận như là “Bạn có thể bị nhiễm virus này và virus kia hoặc vi khuẩn này và vi khuẩn kia”. Bác sĩ ghi tên bệnh và dựa vào căn bệnh và các nguyên nhân của bệnh, bác sĩ cho thuốc và khuyên bạn dùng thuốc này, uống thuốc này, và bác sĩ cũng cho bạn hướng dẫn cách uống như là dùng hai lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều, vân vân. Như thế gọi là toa thuốc.

Đức Phật cũng là bác sĩ của chúng ta, Phật Pháp là thuốc uống, Tăng già được cho là điều dưỡng hướng dẫn cho bạn khi bác sĩ không có ở đó.  Chính xác cũng như vậy, Đức Phật đã dạy những gì trong kinh sách? Những kinh sách đó là gì? Các kinh sách này như là các toa thuốc, chúng bao gồm không chỉ tên của bạn mà còn tên của chính bác sĩ, ngày bác sĩ kê toa, những người ở quanh đó khi bác sĩ cho toa, bệnh của bạn, bạn cần dùng thuốc gì, khi nào cần dùng và dùng như thế nào.  Nếu mở kinh ra, nếu nhìn vào một cuốn kinh, bất kỳ sách kinh hay lời kinh giáo huấn nào, bạn sẽ tìm thấy ví vụ như là lời giáo huấn này dành cho ai và khi nào lời giáo huấn này được đưa ra.

Đúng vậy, bạn có vấn đề về sân giận, bạn có vấn đề về ghen tỵ,  không chỉ giải thích về sự sân giận mà Đức Phật còn nói về bản chất của sân giận cũng như các nguyên nhân của nó, chính xác giống như là bản chất của căn bệnh và các nguyên nhân của nó. Đức Phật giải thích làm sao để giảm đi, làm sao để loại bỏ được bệnh, rồi ngài cho thuốc trị có thể là lòng từ bị. Thực hành lòng từ bi là một thuốc trị bệnh, thực hành tình yêu thương là một thuốc trị bệnh, thực hành đạo đức (giữ giới) là một thuốc trị bệnh, thực hành kỷ luật bản thân, giống như giữ giới, cũng là một thuốc trị bệnh.  Vì vậy giống như sự nhẫn nhịn của Đức Phật, thực hành nhẫn nhịn cũng là một thuốc trị bệnh, và Đức Phật thuyết là bạn nên thực hành như thế nào. Vì thế chính xác giống như một toa thuốc.

Điều chúng ta đang làm chỉ là đọc toa thuốc mà bác sĩ đưa cho, chúng ta chỉ đọc kinh, dĩ nhiên, nó cũng có ích, giúp chúng ta tích lũy nhiều công đức, năng lượng tích cực, vân vân, nhưng chỉ làm như vậy thì không đủ để loại bỏ được bệnh tật là sân giận, ghen tỵ, đố kỵ, cố chấp, tham lam, tự mãn. Đây là căn bệnh mà chúng ta ai cũng có trong thế giới này.

Chúng ta có nhiều bác sĩ điều trị các vấn đề về thể chất của chúng ta, nhưng vấn đề là chúng ta không có bác sĩ nào ngoài các Đạo Sư Phật Giáo chữa trị căn bệnh nội tâm, như đố kỵ, ghen tỵ, cố chấp, lo âu, căng thẳng, trầm cảm. Những thứ này làm chúng ta đau khổ nhiều hơn là đau khổ thân thể. Bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ trường hợp tự tử do đau khổ về thể xác, rất hiếm hoi, cực kỳ hiếm hoi. Chín mươi chín phần trăm các trường hợp tự tử đều là do đau khổ về tinh thần, đau khổ trong lòng, niềm đau trong tâm trí, chứ không phải cái đau trên thân thể. Đáng tiếc là chúng ta không có nhiều bác sĩ cho những đau khổ này, Đức Phật là bác sĩ đã qua đời và thiền giống như một trong những phương cách cho các vấn đề này.

Và bây giờ chúng ta sẽ đi qua về sân giận và đối trị của nó bởi vì đây là điều mà mọi người ít nhiều đều có và là điều tạo nên vấn đề căn bản hàng ngày. Bởi vì bạn sẽ không tìm thấy người nào nói rằng “Tôi thật là vui mấy ngày nay bởi vì tôi quá giận đi”. Bạn sẽ không tìm thấy người nào như vậy bởi vì bất kỳ khi nào bạn giận dữ, bất cứ khi nào bạn nổi giận đối với ai khác bạn đều không được vui vẻ.

Nếu bạn ôm giữ sân giận trong một thời gian dài, bạn sẽ không vui vẻ, chẳng hạn, nếu bạn giận người hàng xóm, thì bất cứ khi nào gặp mặt hàng xóm, bạn sẽ chẳng vui. Đáng tiếc là bạn lại gặp họ hàng ngày, thì hàng ngày bạn cũng chẳng vui. Đây là một trong những lý do mà nhiều người không thể tìm được con đường mang đến bình yên bên trong họ khi họ có những vấn đề này. Khi bạn đến gặp bác sĩ, họ không thể làm được gì nhiều, nên cách tốt nhất là tu tập Đạo Phật bởi vì Đức Phật đã đưa phương thuốc cho loại đau khổ này và những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Chánh Pháp sẽ giúp đỡ cho những người tin vào Đạo Phật, hãy sử dụng Phật Pháp và áp dụng Phật Pháp vào cuộc sống hàng ngày và cố gắng có cuộc sống có ý nghĩa hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn, dù cho bạn có những gì đi nữa. Hạnh phúc không phải là thứ dựa vào các hiện tượng bên ngoài. Hạnh phúc chỉ là một trạng thái của tâm, nó chỉ là trạng thái của sự toại nguyện.

Nếu bạn hài lòng với bất kỳ thức ăn nào mà bạn đang ăn, thì bạn thấy hạnh phúc. Nếu bạn không thỏa mãn với món bạn đang ăn, thì dù cho thức ăn của bạn ngon hay mắc tiền như thế nào, bạn cũng sẽ chẳng thích thú ăn thức ăn đó. Rất dễ hiểu, rất hợp lý.

Vì thế tôi cố gắng đi qua một tiếp cận rất hợp lý, một tiếp cận đúng với nguyên tắc xử thế. Tôi sẽ không nói nhiều về Đức Phật đã thuyết như thế này hay Đức Phật đã thuyết như thế kia, tôi cũng sẽ không trình bày bằng cách nói như là “Đúng vậy, nếu bạn sân giận, bạn sẽ rơi vào địa ngục” hoặc tôi sẽ không hề nói như thế bởi vì tôi muốn điều này, tôi muốn bạn thực hiện một cách rất nghiêm túc, rất thiết thực, và tôi không đưa ra điều này một tiếng đồng hồ để bạn tích lũy một số công đức chỉ bằng cách lắng nghe nó, mà là để thật sự thực hành và tôi thật lòng đề nghị bạn thực hiện một cách nghiêm túc ít nhất trong 14 ngày, bởi vì bạn sẽ bắt đầu thấy một sự thay đổi lớn trong khoảng 14 ngày. Nhưng nếu bạn đi qua các phương pháp này trong hai hay ba ngày thì bạn cũng sẽ bắt đầu thấy một kết quả tích cực trong hai hay ba ngày.

Đức Phật nói rằng nếu bạn muốn xóa tan bóng tối trong phòng, bạn cần bật đèn lên. Nếu trong phòng bị tối, bạn đi ra ngoài và nhờ toàn thế giới cầu nguyện cho bạn xóa đi bóng tối.  Chẳng giúp bạn xóa đi bóng tối trừ phi bạn bật đèn lên.  Và nếu bạn thật đói bụng, bạn cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện, sẽ chẳng có tác dụng, sẽ chẳng làm hết đói bụng, cách duy nhất là ăn thức ăn bởi vì đó là phía đối lập lại, đó là cách đối trị! Nếu điện thoại của bạn bị virus, bạn đi đến chùa và cầu nguyện, sẽ chẳng có tác dụng. Bạn cần cài đặt phần mềm chống virus là hợp lý, đây là cách duy nhất loại bỏ virus khỏi điện thoại hay máy tính của bạn. Rất sáng suốt, rất hợp lý! Đây là cách mà Đức Phật giải thích, không phải bằng virus và phần mềm chống virus trong sự tiện lợi, mà bằng ánh sáng và bóng tối, lạnh trong cái nóng. Trời nóng quá, bạn bật máy lạnh lên thôi.

Bạn chỉ đi đến đó, cầu nguyện bất kỳ thứ gì, mặc dù bạn thật là rộng rãi, mặc dù bạn làm từ thiện, cũng sẽ chẳng xóa đi bóng tối trong phòng bạn trừ phi bạn bật đèn. Không có cách nào hết! Nếu bạn bật đèn lên, ánh sáng có thể không thật sáng để xóa tan hoàn toàn bóng tối trong phòng nhưng nếu bạn làm cho ánh sáng ngày càng sáng hơn thì bạn sẽ có thể xóa hết bóng tối.

Tương tự như sân giận, bạn cần có trí tuệ để xóa tan vô minh; bạn cần có tri kiến để xóa tan sự nghi ngờ. Giả sử bạn nghi ngờ, có thể cái này là cái kia? Vậy bạn cần làm gì để biết. Khi bạn có được tri kiến, thì bạn không còn nghi ngờ nữa phải không? Nếu bạn có một cái hộp đóng kín và khóa lại, thì bạn có sự nghi ngờ “Trong cái hộp này có cái gì vậy?” Giờ để loại bỏ sự nghi ngờ, bạn không thể đến chùa và cầu nguyện. Điều này không hề xóa đi nghi ngờ đó chút nào. Điều bạn cần làm là gì? Bạn cần biết cái gì trong đó. Hãy mở cái hộp và xem cái gì trong đó thì bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa, dù cho bạn có muốn nghi ngờ, bạn cũng không nghi ngờ được vì bạn đã nhìn thấy, giờ bạn đã biết. Vì tri kiến là sự đối trị, là phía đối lập với bóng tối, khi bạn có tri kiến, sự nghi ngờ không còn, khi bạn có trí huệ, vô minh không còn.

Tương tự đúng như vậy, sân giận cũng là một loại virus mà chúng ta cần ứng dụng phần mềm chống virus. Vì vậy phần mềm chống virus của sân giận là sự nhẫn nhịn, thực hành sự nhẫn nhịn, đó là điều bạn cần làm, bạn cần tu tập sự nhẫn nhịn, bạn cần áp dụng sự nhẫn nhịn để diệt virus gọi là sân giận. Và bạn có thể nghĩ rằng “Có lẽ tôi không có tức giận và nổi nóng gì đâu hay tôi chẳng có vấn đề sân giận gì cả”, nhưng ai ít nhiều cũng có trừ phi bạn tu tập tinh tấn, trừ phi bạn thật sự nhận ra.

Thực hành nhẫn nhịn, đối trị của sân giận

Ai ít nhiều cũng có điều này, nếu bạn vẫn nghĩ rằng bạn không có, thì chỉ cần tưởng tượng rằng có ai đó đến và đánh mẹ bạn hay làm hại gia đình bạn, bạn sẽ biết bạn tức giận nhiều như thế nào. Nếu việc nổi giận giúp ích thì tốt thôi nhưng nếu nó chẳng giúp ích gì cả, nó còn hủy hoại! Vậy nhẫn nhịn là sự tu tập. Nếu nhẫn nhịn là điều chúng ta cho là sự tu tập, thì câu hỏi là thực hành sự nhẫn nhịn như thế nào?

Một câu chuyện hài hước về một chú tiểu, một số bạn của chú làm điều gì đó sai trái, và rồi chú ta thật sự kiềm chế, chú trông đỏ ké, và luôn nhìn xuống sàn nhà và một ngày tôi mới hỏi chú là “Chuyện gì vậy?” Chú trả lời “Con đang thực hành nhẫn nhịn”, “Ô, rất tốt nhưng con thực hành nhẫn nhịn ra sao?” Tôi sẽ không nói gì về chú này. Nhưng đây không phải là thực hành nhẫn nhịn. Nhiều người trong xứ sở chúng ta có sự hiểu nhầm. Họ cho là, có thể ở người Butan cũng như người Tây Tạng hay người Ladakh, những học trò đó với thực hành tốt về nhẫn nhịn, sẽ rất kiềm chế, có thể, nhưng không nhất thiết! Trong xã hội này, chúng ta nói rằng những cậu bé rất kiềm chế đó là “Ô đứa trẻ tốt quá, nó rất là kiềm chế”, tốt quá, có thể đúng, tốt quá, có thể không.

Nếu bạn nghĩ mọi điều xấu về cái người làm hại bạn, ngay cả dù cho bạn có nói điều gì hay không, bạn cũng không nên cho đó là thực hành nhẫn nhịn.  Bạn không nói điều gì là tốt, nếu bạn không nói gì thì không làm hại đến người khác nhưng bạn đang làm hại đến chính mình và đó không phải là thực hành nhẫn nhịn.

Nếu bạn giữ sân giận trong lòng mình và thật ra theo một quan điểm, nắm giữ mà không giải quyết nó, nắm giữ đau khổ, đôi khi lại nguy hiểm hơn. Nếu bạn cứ giữ nó trong một thời gian dài, nó sẽ tạo nên sự cô độc trong lòng bạn và nó thật sự làm cho bạn bất an, nó làm bạn mất vui, điều đó cũng không lành mạnh cho cơ thể bạn. Vậy nếu đây không phải là thực hành nhẫn nhịn, thì câu hỏi là “thực hành nhẫn nhịn là gì?”

Vì vậy tôi muốn xếp loại thực hành nhẫn nhịn thật ra là làm hai:

  • suy nghĩ hay tập trung về các khuyết điểm của việc sân giận là một cách, và
  • một cách khác là nghĩ về các ưu điểm của việc không sân giận.

Rất đơn giản! Thực hành nhẫn nhịn là suy nghĩ các hậu quả tiêu cực hay bất lợi của sân giận và tập trung vào các ích lợi của không giận.

Nếu bạn chú ý vào phần này một chút, bạn sẽ thấy một sự chuyển hóa rất lớn trong chính bạn. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra nó trong vài ngày. Tôi đã từng dễ nổi nóng, nhưng khi tôi trở thành một thầy tu lúc 11,12,13 tuổi, thì khoảng 14, 15 tuổi tôi đã thật sự có thể chuyển hóa chính tôi qua một số các tu tập này và đa số các thực hành này gồm khoảng 6, bảy điểm. Tôi sẽ xem xét đến các bất lợi của việc nổi giận, và bạn cần tập trung và thiền về mỗi điểm trong khoảng hai phút  mỗi ngày, nếu được, bạn có thể thực hành hai phút vào buổi sáng, hai phút vào buổi chiều cho mỗi một điểm của bảy điểm, vì thế bạn cần đến khoảng 14 phút vào buổi sáng và 14 phút vào buổi chiều. Không phải cố gắng nhiều!

Bạn chỉ cần nửa tiếng mỗi ngày hoặc chỉ 14 phút mỗi ngày, như thế không mất nhiều thời gian và sau đó bạn sẽ đạt một kết quả rất lớn cho cả cuộc đời.  Bạn hãy quên đi về công đức, quên về kiếp sau, sự tái sinh tốt đẹp và những điều này đi, nhưng ngay trong kiếp này, bạn sẽ tìm thấy một lượng lớn kết quả, một kết quả tích cực, hạnh phúc nhiều hơn, nhiều an bình, khi bạn lớn tuổi, người ta sẽ thích ở gần bạn.

Nhưng nếu bạn giận quá, thì khi bạn là một ông già hay một bà lão, nếu bạn chợt nổi nóng vì bạn giận, người ta sẽ cảm thấy không được thoải mái khi ở gần. Ngay cả với những thầy tu, nếu một số thầy thâm niên rất lớn tuổi thật sự dễ nổi nóng và họ nói mọi điều không tốt, thì dù cho những thầy còn trẻ cũng không cảm thấy dễ chịu khi đến gần. Vì vậy hãy quên về kiếp sống sau, ngay trong kiếp này, rất là hữu ích nếu bạn không có sân giận, nếu bạn không có gia tăng cơn giận, nếu bạn có thể kiểm soát được cơn giận của mình, bạn sẽ rất là bình yên.

Tám điểm thực hành nhẫn nhịn.

Giờ chúng ta đi vào tám điểm, những điểm này rất quí báu, nghe lại có vẻ rất dễ, nghe như nó là bất cứ thứ gì. Nhưng những điểm này là những phương pháp không những từ chính Đức Phật mà còn từ các Đại Đạo Sư Nalanda, chẳng hạn như ngài Nguyệt Xứng, ngài Tịch Thiện vân vân. Bạn sẽ tìm thấy các phương pháp này, các kỹ năng này, các kỹ thuật này trong những kinh sách do họ viết, cũng như, dĩ nhiên, trong các kinh của Đức Phật. Vì thế tôi thật lòng đề nghị bạn có thể đi từng điểm trong hai phút mỗi ngày.

Điều này rất đáng quan tâm và tôi có nhiều học trò đang thực hành, đã thực hành, đang bắt đầu thực hành hôm nay và các kết quả có thể thấy khá rõ. Nhiều trong số các học trò của tôi  thật sự thích các buổi học với tôi. Một số học trò thật sự thích lớp học của tôi chỉ vì giảng dạy các điểm này, vì họ thấy điều này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ. Vậy tám điểm này là gì?

Điểm thứ nhất: nếu bạn nổi giận bạn sẽ mất các giá trị của mình, bạn sẽ mất đi sự tôn trọng và tiếng nói của mình.

Cho rằng bạn có những nguyên tắc sống, mọi người đều có nguyên tắc này như “Tôi sẽ không làm hại ai cả, tôi sẽ không nói thế này với ai cả” và dựa trên những nguyên tắc sống, bạn tôn trọng chính bạn và những người khác tôn trọng bạn; và dựa trên những sự tôn trọng đó bạn có tiếng nói trong gia đình, bạn bè, cộng đồng của bạn. Nếu bạn đang ở trong một buổi học, buổi học của bạn; nếu bạn đang ở trong một trường học, trường học của bạn; nếu bạn đang ở trong văn phòng, văn phòng của bạn, bạn nổi giận, thì bạn mất các giá trị của bạn.

Khi mất các giá trị của mình, bạn mất sự tự tin, bạn không còn biết bạn là gì, bạn nghĩ bạn là người rất dễ thương, nhưng rồi bạn không như là bạn nghĩ. Cuối cùng, dựa trên những hành động của bạn nói lên điều ngược lại, người ta sẽ bắt đầu đánh giá bạn, nếu bạn có tiếng tăm rất tốt trong mắt mọi người, thì tiếng tăm không còn ở đó nữa.

Tôi sẽ không đi vào nhiều câu chuyện về điểm này, tôi nghĩ đã khá đủ cho bạn hiểu điểm đầu tiên là sân giận làm mất các giá trị của bạn, lấy đi những sự tôn trọng mà bạn có từ chính bạn và từ những người khác, bạn cũng làm giảm đi tiếng nói của bạn. Vì vậy hãy chú tâm vào điểm này trong hai phút, bạn có thể tự do suy nghĩ về bất kỳ ví dụ nào phù hợp với bạn, phù hợp với cuộc sống đã xảy ra với bạn, đã xảy ra với bạn bè hay thành viên trong gia đình của bạn hay với một số người, điều đó đã xảy ra với một số người trong lịch sử. Thật ra bạn có thể thiền về chủ đề này bao lâu bạn muốn nhưng tôi chỉ muốn bạn đi qua trong hai phút với những điều thật sự làm lay động tâm của bạn.

Điểm thứ hai: nếu bạn nổi giận, không chỉ làm cho bạn không vui mà còn hủy hoại hạnh phúc của những người rất thân yêu đối với bạn.

Khi bạn sanh ra ở thế giới này, bạn đến với thân trơ trụi, không có gì, ngay cả một mảnh vải. Tôi không biết bạn có nhớ lúc đó hay không, nhưng bạn gần như chả có gì cả ở tuổi đó. Từ lúc đó cha, mẹ và các thành viên trong gia đình bạn chắc hẳn đã chăm sóc bạn như thể bạn là cơ thể của họ. Họ lưu tâm đến bạn và chăm sóc bạn hơn cả thân thể họ rất nhiều. Nếu có ai làm tổn thương bạn, một con muỗi cắn bạn, thì bao nhiêu người giết nó, đúng không? Chỉ mới làm tổn thương bạn có một chút thì bạn đã giết con muỗi đó liền. Và các thành viên của gia đình, họ thật sự bỏ mặc thân thể chính họ để sanh ra bạn, họ có thể ăn suốt các thực phẩm không lành tốt để cho bạn có thể ăn thực phẩm bổ dưỡng. Họ có thể hy sinh loại thực phẩm họ thích bằng cách nghĩ rằng “Có thể không tốt cho em bé trong bụng mình”.

Hãy tưởng tượng bạn đang mang trên lưng một cái túi nặng hai ký lô, nó sẽ khó khăn như thế nào?  Và những người mẹ của chúng ta đã phải mang thai trong suốt 24/7 trong 9 tháng trời dù cho nó làm cho bà có thấy khó chịu hay thoải mái hay không, dù cho khổ cực như thế nào, ngay cả khi nằm ngủ, một số người mẹ phải thay đổi tư thế ngủ vì có hại cho sức khỏe khi họ đang mang thai.

Tôi nghe nói có một số phụ nữ phải trải qua nhiều đêm không ngủ bởi vì họ phải thay đổi tư thế ngủ vì em bé. Có một số người thích ngủ nằm sấp, họ không thể ngủ như thế khi có em bé, ý tôi là có em bé trong bụng họ. Và một số người đã ngủ ở tư thế đó suốt cả đời rồi đột nhiên người ta phải thay đổi và không thể rơi vào giấc ngủ ở cách này.

Và người phụ nữ thèm ăn một món ngon, nhưng không thể bởi vì bà nghĩ rằng nó có thể không tốt cho con bà, cũng giống như vậy không chỉ có mẹ chúng ta mà còn có cha, người thân, các thành viên trong gia đình chúng ta, cũng đã hy sinh nhiều lắm. Nếu chúng ta quên không chú ý, giả sử bạn là đứa trẻ mới một tuổi, bạn sẽ nhai mọi thứ phải không? Nếu có ai đưa cho bạn một cái chuốc viết chì, bạn sẽ nhai nó; nếu có ai đưa cho bạn cái muỗng, bạn sẽ nhai nó; nếu bạn thấy một đồng tiền, bạn sẽ nhai nó; bạn sẽ nhai mọi thứ; nếu bạn cầm một cây viết, bạn sẽ nhai cây viết. Vì thế cha mẹ bạn phải dạy cho bạn gần như 24 tiếng, nếu không bạn sẽ đập mọi thứ vào mặt thì bạn bị đầy sẹo, nếu cha mẹ không chăm sóc khi bạn còn nhỏ. Do đó những người như thế, người thật sự hy sinh không chỉ chín tháng mà còn rất nhiều thời gian, là người trông chừng bạn trong một thời gian khá dài.

Nếu có ai yêu cầu bạn đem cho đi chất bổ dưỡng trong cơ thể bạn, nếu ai đó đòi hỏi: “Tôi sẽ tiêm rút hết chất dinh dưỡng trong cơ thể bạn”, cho cơ thể họ, thì bạn sẽ không đồng ý. Ai mà đồng ý chứ? Nhưng đó chính xác là điều cha mẹ chúng ta đã làm, đặc biệt mẹ chúng ta đã làm.

Nếu bạn không vui, nhất là nếu bạn nổi giận, dù cho bạn có cố gắng giấu cha mẹ bạn thế nào, cha mẹ bạn vẫn thấy điều đó, mặc dù bạn cố nói gì đó rất bình thường, người ta vẫn nhìn thấy nó trên khuôn mặt bạn. Nếu bạn có ngọn lửa sân giận trong lòng, thì khói sẽ bốc ra ngoài miệng bạn, bạn không thể giấu ngọn lửa phải không? Không.  Bạn có thể nghĩ rằng “Vậy thì tôi sẽ trùm mền lên nó” hay “Tôi có thể sẽ che ngọn lửa lại”. Bạn không thể, bạn có thể đè ngọn lửa xuống nhưng sau đó khói cũng bay ra ngoài.

Giống y như vậy, bạn có thể nghĩ rằng “Tôi sẽ không biểu lộ cơn giận này với gia đình tôi khi về nhà”. Giả sử bạn nổi giận trong văn phòng bạn nhưng khi trở về nhà, mặc dù bạn cố gắng nói gì đó dễ chịu, người ta vẫn cảm thấy nó không bình thường. Mặc dù bạn chẳng có tỏ ra sân giận gì cả, bạn rất là cởi mở, vẫn làm cho gia đình bạn không vui được, những người sống chung với bạn, chung nhà với bạn, chung thực phẩm với bạn, những người dùng bữa ăn chung chén bát, dùng chung bếp với bạn, dùng chung nhà tắm với bạn.

Vậy đây là điểm thứ hai, nếu bạn giận dữ, không chỉ hủy hoại hạnh phúc của bạn, mà còn hủy hoại hạnh phúc của các thành viên gia đình bạn là những người đã tử tế, yêu thương, người đã ở đó, đã chịu đựng ở đó khi bạn không có gì cả; người đã chịu đựng ở đó suốt thời gian, suốt cả ngày trong cuộc đời của bạn, điều đó làm cho họ không vui. Giả sử bạn giận dữ với người hàng xóm, thì bạn đang làm tổn thương chính bạn, bạn đang làm tổn thương cha mẹ bạn, bạn đang làm tổn thương các thành viên gia đình bạn, và đó thật sự không công bằng.

Điểm thứ ba: khi bạn sân giận trong lòng, nó giống như ngọn lửa, nó thiêu đốt bạn.

Giả sử bạn rất giận Tashi, Tashi đã nói gì đó, Tashi đã viết một tin nhắn cho bạn và có thể anh ta không có ý như thế nhưng anh ta lại không biết rằng bạn giận anh ta. Nhưng chuyện gì xảy ra vậy? Bạn ghìm cơn giận lại và bạn cứ nghĩ về tin nhắn hoài. Thì chuyện gì xảy ra? Nó vừa tạo ra một thứ lửa trong bạn và nó đốt cháy chính bạn, bạn thậm chí cũng không biết chuyện gì đang xảy ra với Tashi.

Sự sân giận có hai mặt, một mặt là khi bạn giận, bạn không bao giờ thấy đối tượng như nó là, bạn thấy đối tượng tệ hơn là nó thật sự có. Tashi thật ra chỉ xấu có hai mươi phần trăm, nhưng khi bạn giận Tashi, bốn mươi phần trăm, sáu mươi phần trăm, tám mươi phần trăm, ngay cả chín mươi phần trăm, đôi khi đến một trăm phần trăm bạn sẽ thấy Tashi thật là xấu dù anh ta có hồi đáp lại, điều đó vẫn có thể xảy ra.

Vậy mặt thứ nhất của sân giận là cường điệu tình trạng lên, nó thấy tình hình xấu tệ hơn nhiều.   Và mặt thứ hai của sân giận là nó muốn làm cho tổn thương. Nếu có ai đó nói như là: “Bạn trông giống khỉ” thì phản ứng bẩm sinh tự nhiên của bạn là “Giống hồi nào, có bạn giống khỉ thì có”. Bởi vì mặt khác của sân giận là gây tổn thương lại, vì vậy bạn cố gây tổn thương lại, bằng lời nói, bằng cử chỉ, vì thế tại sao bạn nói “Bạn giống khỉ thì có.”

Cũng vậy, nếu một con muỗi cắn bạn, nó làm bạn đau nhức, và bạn cáu giận, thì phản ứng ngay tức thì là giết nó lại. Con muỗi chỉ lấy có một giọt máu của bạn, thì bạn lấy đi mạng sống của nó luôn, thật là không công bằng, nhưng đó như thế là cách khi bạn sân giận, đó là cách người ta có lẽ sẽ làm.

Đáng tiếc, điều này dường như rất là tự nhiên, bạn ngay cả không nghĩ gì về nó, nó có lẽ gần như không chủ ý, bởi vì bạn rất thường sân giận trong nhiều kiếp quá khứ, vì thế tại sao khi bạn sanh ra ở tuổi còn rất nhỏ, bạn chẳng cần được dạy làm cách nào để giận. Không ai dạy bạn giận cả nhưng đó là điều mà bạn đã làm trong cả kiếp trước, không cần dạy bạn cách nào để ghen tỵ, bạn thật sự đã biết rồi, đúng không?

Giải thích một chút về sân giận là gì, về tinh thần, sân giận là một tâm thức, sân giận là một tâm có hai mặt, một mặt, nó thổi phồng tình trạng lên và thấy tình trạng xấu tệ hơn nhiều và mặt thứ hai là nó muốn gây tổn thương lại, gây hại lại.

Vậy điểm thứ ba, nếu bạn giận Tashi, nó chẳng gây tổn thương Tashi chút nào, nó muốn làm tổn thương Tashi, nhưng Tashi không biết, chẳng hề bị ảnh hưởng. Điều mà bạn đang làm là tạo ra ngọn lửa này ở bên trong đốt cháy bạn, lấy đi sự bình yên trong tâm bạn. Và có thể bạn đang ăn một món ăn rất ngon, chẳng có thú vị gì! Có thể bạn đang ở cùng những người rất thân yêu chung quanh, không cảm thấy dễ chịu! Có thể ban đang tham dự một bữa tiệc thân mật nhưng rồi bạn không vui vẻ gì vì bạn vừa có ngọn lửa với Tashi và bạn vẫn giận trong lòng, phải không? Vì thế mọi thứ bạn làm là không vui thích.

Hãy suy nghĩ đó là một trong những điểm phản ánh các bất lợi của sân giận, vì nó chẳng thiêu đốt phía bên kia, mà nó đốt cháy chính bạn, giống như là bạn muốn đốt căn nhà của người hàng xóm và điều bạn đang làm là đốt cháy chính ngôi nhà bạn, đây là mức độ ngu xuẩn mà sân giận tạo ra. Vì thế tại sao chúng ta phải kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, chúng ta không nên để các cảm xúc đó kiểm soát chúng ta, chúng ta cố gắng kiểm soát các cảm xúc tiêu cực và chuyển đổi chúng sang tích cực. Đó là ý nghĩa của Pháp, đó thật sự là tu tập Đạo Phật, là lời dạy của Đức Phật.

Điểm thứ tư: nếu bạn hay sân giận, nó tạo nên một thứ cô độc và bạn mất đi những người bạn, và mất đi mối quan hệ tốt đẹp.

Chẳng hạn, nếu bạn là học sinh, thì bạn có thể có mối quan hệ tốt đẹp với thầy giáo nhưng nếu bạn tỏ ra sân giận với thầy, thì quan hệ đó bị bẻ gãy. Nếu bạn là thầy giáo, nếu bạn nổi giận với học sinh, thì mỗi lần bạn giận, bạn tạo ra một số vết sẹo lên hình ảnh của mối quan hệ mà bạn có.  Nếu một vị tăng nổi giận với một người, thì người đó bắt đầu mất niềm tin đối với thầy này. Thầy tu phải là người làm gương mẫu cho mọi người và nếu những thầy bắt đầu tỏ ra những dấu hiệu không thực hành Pháp, không có chuyển hóa, thì thầy làm mất niềm tin của mọi người. Điều này đều xảy ra với mọi người và nó tạo ra một thứ cô độc. Giả sử bạn có năm người bạn thân, bạn giận một người này, giờ bạn không còn quan hệ tốt với người này, bạn lại giận người nữa và rồi bạn lại giận người nữa, người nữa và người nữa và cuối cùng bạn ngày càng sân giận hơn. Bạn sẽ ngày càng có ít bạn và sẽ không thấy thích chia sẻ những bí mật của bạn ngay cả những gì bạn cảm thấy trong lòng, và hậu quả là bạn sẽ càng cô độc hơn.

Điểm thứ năm: khi giận, bạn mất khả năng phân tích cái tốt và cái xấu, tâm quán sát của mình, khả năng ra quyết định của mình, bộ não tri thức của bạn sẽ không hoạt động nữa.

Khi người ta giận quá, họ trở nên giống như ngu xuẩn, họ trở nên thật ngớ ngẩn, họ làm hại những người gần như trân quý đối với họ. Như tôi đã thấy, những bà mẹ luôn yêu thương con cái hơn bất cứ thứ gì khác, tôi đã thấy nhiều bà mẹ ly dị chồng của chính họ vì con cái. Nhiều lần, tôi đã thấy rất nhiều bạo lực gia đình diễn ra nhưng người phụ nữ vẫn không ly dị chồng họ vì con cái. Họ thật sự đang hy sinh hạnh phúc của họ, họ đang ở với người mà họ không còn thương nữa, người đang làm hại họ, vì cái gì? Vì con cái.

Điều tôi đã thấy nhiều phụ nữ đang làm, nhất là ở các nước Á Châu, cá nhân tôi không ủng hộ  điều đó nhưng đó là cách người ta ngăn cản tình yêu thương của họ với con cái. Mặc dù bà mẹ rất thương con nhưng nếu bà nổi nóng, bà hơi thẳng tay với những đứa con.  Điều này thật sự đáng buồn nhưng lại đang xảy ra, không thể chấp nhận được theo Đạo Phật. Nếu bạn đánh con, bạn thật sự đang giết chết sự tự tin ở trẻ. Giả sử muốn hỏi vài câu hỏi, người ta không hỏi một cách dễ dàng, mọi người do dự khi hỏi một số câu hỏi, bởi vì họ đã bị cha mẹ, thầy giáo đè ép. Trong nhiều trường học, một số thầy giáo hơi thẳng tay và hậu quả là có thể giúp cho trẻ có thêm điểm trong thi cử nhưng chúng không có tự tin, chúng thất bại trong cuộc sống vì thiếu sự tự tin.

Tôi không nói đúng hay sai, nhưng cá nhân tôi không ủng hộ điều đó, tôi đã nghe một số Thầy và Giáo viên nói rằng đôi khi nên thẳng tay một chút. Đó là ý kiến của họ nhưng cá nhân tôi không đồng ý với điều đó.

Dù sao thì điểm này là nếu bạn có khả năng ra quyết định rất tốt và năng lực quán sát rất tốt, rất thông minh và nhạy bén để ra quyết định, nhưng khi bạn nổi giận, tất cả những khả năng này của não đều bị cản trở hết, bạn thật ra đã ngăn cản mọi phần của năng lực này, nó làm cho bạn hơi ngu xuẩn đi.

Đó là tại sao nếu bạn đến một nhà tù, ở Ấn Độ có một nhà tù lớn tên là Tahar Jail. Khi phỏng vấn tất cả những người đó là những kẻ giết người và khi hỏi họ “Tại sao bạn làm vậy”, đa số họ đều nói rằng “Tôi không biết, tôi thật sự không biết, tôi cảm thấy giống như có ma quỷ trong tôi”. Ma quỷ chẳng là gì cả ngoài sự sân giận, khi họ nổi giận, họ không biết họ đang làm gì và họ hối tiếc suốt cả đời, họ vào tù, họ chịu khổ ở đó. Mặc dù ra khỏi tù, họ vẫn không tìm được việc làm thích hợp bởi vì mọi người khác đều nghĩ rằng họ là những kẻ giết người. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao?  Bởi vì họ đã sân giận. Vì vậy điểm thứ năm là sân giận làm giảm khả năng giải quyết vấn đề của trí tuệ, hậu quả nó đẩy bạn vào sự tối tăm vô minh mà bạn không biết.

Điểm thứ sáu: khi bạn giận, người ta không còn thấy bạn dễ thương nữa, mọi người không còn nghĩ bạn đủ thân thiện để ở gần.

Cho dù bạn trông đẹp như thế nào, không chỉ ở thân thể mà còn ở hành động giao tiếp nữa. Người ta vẫn nói rằng sự chấp vào cái đẹp không chỉ ở màu sắc, không chỉ ở hình dáng, mà còn ở cử chỉ nữa, chẳng hạn nếu bạn mỉm cười, bạn là một người đẹp. Cười thêm một chút cũng là một trong những thành phần lớn nhất của nét đẹp. Và cái đẹp không phải là cái gì mà một người có thể đánh giá hay hai người có thể đánh giá, bởi vì nó tùy thuộc rất nhiều vào những cá nhân, không phải tất cả mọi người. Không phải một cái điện thoại là đẹp đối với mọi người, không phải một cái bút là đẹp đối với mọi người. Mọi người thích những chiếc bút khác nhau, những chiếc xe khác nhau, những màu tóc khác nhau. Ở Á Châu, về mặt văn hóa, có thể thật sự không thoải mái có những màu tóc khác nhau, bạn có thể không có nhiều loại màu tóc khác nhau cho bạn, nhưng không nhất thiết nghĩa là bạn thích màu đen. Ngay cả với một con chó, nó trông dễ thương, có nhiều con chó khác thực sự thích nó, và nếu bạn cho con chó một sự lựa chọn, như là “Mày có thể chọn bất cứ ai trên thế giới này làm vợ hay làm chồng mày”, con chó sẽ không bao giờ chọn con người, con chó sẽ chọn một con chó bởi vì đối với nó, con chó đó là đẹp nhất.

Cũng thực đúng đối với mọi người, có những người đẹp khác nhau đối với họ. Trong một buổi hội thảo, tôi đã nói rằng mỗi một và mọi hiện tượng, không chỉ có con người, mà mỗi một và mọi hiện tượng đều đẹp, nó có đặc tính riêng của nó, bởi vì nó đẹp đối với người nào đó, vì thế dựa trên điều đó, bạn đẹp như thế nào đối với ai đó, nếu bạn giận dữ, là bạn đang làm giảm đi nét đẹp của bạn.

Và cũng cần nói thêm ở Ladakh, tôi không thấy mấy ai chú ý nhiều vào vẻ bề ngoài, bởi vì tôi không thấy có nhiều mỹ phẩm và phẫu thuật, vân vân. Nhưng ở một số nơi, một số người chú tâm rất nhiều vào vẻ ngoài của thân thể, tôi có thể dễ dàng nói như vậy bởi vì tôi có thể thấy đang có rất nhiều mỹ phẩm. Và mọi thứ này, cũng tốt, theo một ý nghĩa tự tôn trọng mình, nhưng đồng thời, nếu bạn mất nét đẹp trong cử chỉ, tôi nghĩ đó mới là điều chính yếu.

Một người có thể đẹp nhờ tính nết, thái độ, cử chỉ và đối với người Á Châu có thể là màu sắc. Đáng tiếc, điều này thật sự gây ngạc nhiên, nhưng đây là một trong những lý do ở người Tây Tạng hay cũng như trong Đạo Phật, chúng ta có thể nói ai đức hạnh hơn, ai tội lỗi hơn.  Nếu bạn trông thấy một con mèo đen “Ô xui rồi vì nó là con mèo đen”.

Vì vậy có sự phân biệt to lớn dựa trên màu sắc và chúng ta được nuôi nấng trong một bầu không khí như vậy, bầu không khí tại sao mà màu trắng có thể được xem là tốt hơn một chút, tôi không biết. Nhưng mọi người lại thích ăn sô-cô-la và người ta không quan tâm xảy ra thế nào khi ăn sô-cô-la phải không? Và khi xảy ra cho tóc, người ta lại không thích màu trắng, người ta lại bắt đầu lo lắng. Và khi xảy ra cho răng, thì người ta lại thích màu trắng.

Có thể trong Đạo Phật chúng ta sẽ không thấy các hiện tượng hay sự phân biệt dựa vào màu sắc và đó không phải là cách chúng ta nên nghĩ, nhưng dù sao, khi bạn nổi giận, cho dù bạn đẹp như thế nào, bạn cũng giảm giá trị của nét đẹp và bạn trông không dễ thương. Cũng vậy bạn là người rất dễ thương để lại gần, bạn là người rất thân thiện để lại gần, nhưng khi bạn sân giận, người ta không thấy bạn dễ thương, người ta không nghĩ bạn đủ thân thiện để lại gần. Đó là điểm thứ sáu.

Điểm thứ bảy hay điểm áp chót: khi bạn quá giận, thì mối quan hệ lâu dài bị đổ vỡ.

Giả sử bạn có một mối quan hệ rất lâu dài với khách hàng, đó là một điều quan trọng khi thực hiện kinh doanh. Mối quan hệ lâu dài thật sự có ý nghĩa bởi vì điều đó tạo một sự tin cậy và mặc dù bạn làm một số lỗi nhỏ, người ta vẫn hiểu bạn, vì người ta đã biết bạn trong một thời gian rất lâu. Nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục giận mãi, thì nó sẽ bẻ gãy mối quan hệ lâu dài đó. Mối quan hệ đó ngay cả có thể với một người bạn, hàng xóm, người thân, khách hàng, thầy giáo, học sinh, bất kỳ là gì. Vì vậy điểm thứ bảy là đổ vỡ mối quan hệ mà bạn đã có được và đã chăm sóc từ nhiều năm.

Điểm thứ tám: khi quá giận, bạn muốn làm tổn thương người khác, điều đó chỉ cho bản ngã của bạn mà thôi.   

Tôi đã hỏi một số người “Tại sao bạn muốn làm tổn thương những người khác?”, “Bởi vì nếu như tôi đánh được người đó, người đó đánh tôi, nói những lời rất khó chịu với tôi, tôi thấy, nếu tôi nói những lời tệ hại với người đó, tôi sẽ rất vui, thật sự giúp tôi nhiều lắm, tôi sẽ thấy yên ổn trong tâm, v.v…”

Vậy điểm thứ tám là khi ai đó gây tổn thương cho bạn, bạn muốn gây tổn thương lại vì bạn nghĩ điều đó sẽ có lợi ích cho bạn, sẽ làm điều gì đó thay đổi nơi bạn, nó giúp ích thật sự cho bạn hay nó đem lại sự bình yên và đại loại như vậy. Nhưng nếu bạn suy nghĩ thật cẩn thận, nó mang bình yên đến chỗ nào? Chỗ nào vậy? Nó mang bình yên đến bàn tay bạn? Nó chữa lành vết sẹo của bạn? Nó giúp mọc lại răng cho bạn? Không hề, nó chẳng hề giúp gì cho thân thể bạn cả.

Hãy kiểm lại xem. Nó giúp ich cho mắt của bạn không? Nó giúp ích cho tóc của bạn không? Nó giúp ích cho bàn tay của bạn không? Chẳng có phần nào của cơ thể chúng ta được ích lợi cả. Thì cái gì được lợi vậy? Bạn đang nói về cái gì dễ chịu hay cái gì có lợi vậy? Nếu bạn kiểm lại một cách kỹ lưỡng, nếu bạn gây tổn thương lại ai đó, nó có giúp ích cho lòng từ bi của bạn không?  Không. Nó có giúp ích cho sự nhẫn nhịn của bạn không? Không. Nó có giúp ích cho sự quy y Phật của bạn không? Không. Nó có giúp ích cho bất kỳ tâm tích cực nào của bạn không? Không. Nhưng bạn lại nghĩ rằng nó giúp ích cho tâm của bạn phải không? Nó đem lại bình yên cho tâm của bạn phải không? Vậy bạn đang nói về tâm nào? Nếu bạn kiểm lại một cách tỉ mỉ, đó chỉ là cái ngã của bạn, nếu bạn đánh lại, nó chỉ giúp cho bản ngã của bạn, nó chỉ đem lại một số bình yên cho bản ngã của bạn.

Bản ngã đó đang làm sai lạc cả cuộc đời bạn, bản ngã đó đang kiềm hãm bạn nhận tri kiến từ bạn bè, bản ngã đó đôi khi cũng làm bẽ mặt bạn. Nơi nào nuôi dưỡng cái bản ngã đang làm tổn thương bạn cả cuộc đời vậy? Nếu bạn đánh lại, nếu bạn nói lại gì đó, thì tất cả lợi ích của nó chỉ làm gia tăng, tất cả nó đẩy mạnh, tất cả nó trợ giúp là bản ngã của bạn. Có thật sự đáng để nuôi dưỡng bản ngã của bạn bằng cách làm tổn thương người khác không? Bằng cách nói những lời khó chịu với kẻ khác, mặc dù có người nói hay không? Nhưng hãy nhớ rằng bạn không cần phải là một người ngớ ngẩn, bạn không cần giả vờ như là bạn không biết điều đó. Bạn có thể nói rằng “Tôi biết những gì bạn nói với tôi là khó chịu lắm, nhưng tôi sẽ không nói gì xấu với bạn cả bởi vì đó không phải là tôi”. Những gì mà người khác nói với bạn, những gì mà người khác làm với bạn cho thấy họ là gì rồi, điều đó cho thấy cá tính của họ. Những gì bạn phản ứng, cách bạn phản ứng cho thấy cá tính của bạn, điều đó cho thấy các giá trị cuộc sống bạn có. Nhưng bạn không cần giả vờ như là bạn không biết, thì người ta sẽ được thể như là “Hắn ngu thật”, “Không sao, tôi có thể bắt nạt hắn ta hay cô ta, được mà, tôi chỉ cần xả mọi căng thẳng bằng cách chửi mắng người này”. Bạn cần nói với họ “Được thôi, tôi cũng là chúng sinh có các cảm xúc, nhưng đôi khi có lúc giữ im lặng lại là tốt”. Bạn có thể nói với người đó sau vài giờ khi họ có lẽ trở lại bình thường. Có thể bạn sẽ nói vào hôm sau trong văn phòng hay ở trường học rằng “Hôm qua, bạn thật sự có nói này nọ nhưng rồi tôi nghĩ có thể cho qua, ai cũng vậy hết nếu bạn biết thông cảm” và rồi mọi người sẽ lúng túng, điều đó thật sự làm thay đổi, thật sự bắt người ta phải suy nghĩ.

Vậy chỉ xin bạn hai phút cho mỗi điểm trong tám điểm mỗi ngày, nếu bạn thật sự yêu chính bạn, thì hai lần mỗi ngày, nếu bạn chẳng quan tâm nhiều về chính bạn, thì chỉ thực hiện một lần. Như gia đình, cha mẹ bạn là rất quan trọng, nhưng chỉ có bạn, người bạn tốt nhất luôn đứng bên cạnh bạn, người bạn thật sự luôn ở với bạn, là chính bạn. Bạn là người bạn của bạn, bạn là người bạn tốt nhất luôn ở đó. Tâm tạo ra những điều bất thiện, tâm nổi giận và cơ thể phải chịu đau khổ, tâm quyết định ăn đồ cay và rồi cái lưỡi phải chịu đựng.

Vậy đến lúc làm điều gì đó tốt cho chính bạn, hãy từ bi với chính bạn, yêu thương chính bạn. Nó đáng để làm cho tâm bạn bình yên, cho hạnh phúc của gia đình bạn. Nếu bạn rất trầm tĩnh, bi mẫn, thì bạn trở thành người mà mọi người yêu mến lại gần. Bạn có thể hỏi mọi người điều này, Tôi nói với đa số học trò của tôi rằng có một số người nghĩ rằng “Tôi không có nhiều bạn, tôi không có những người bạn này”. Họ tự than thở, có thể họ không nói ra, nhưng họ than trong lòng. Nhưng nếu bạn thực hiện một khảo sát với cả thế giới, bạn hỏi mọi người là họ thật sự muốn có loại bạn nào? Thì mỗi một và mọi người đều nói rằng “Tôi cần một người bạn tốt, một người bạn biết thông cảm, một người bạn không sân giận, một người bạn không ghen tỵ, một người bạn không ích kỷ, một người bạn biết thương người, một người ở đó giúp đỡ bạn khi cần”. Ai cũng sẽ nói như vậy.

Có thể một số người lại sẽ nói rằng “Cho dù ngay cả một người bạn ghen tỵ, sân giận, ích kỷ, bất cứ là gì miễn là anh ta giàu có, là chấp nhận”. Có thể một số người nói như vậy, nhưng mặc dù một người giàu có, nếu anh ta rất ích kỷ, sân giận, ghen tỵ và rồi kiêu căng về tất cả những thứ này thì có thể bạn sẽ không thích điều đó, có thể bạn sẽ đi cùng trong hai, ba ngày, rồi bạn không ở đó nữa, mặc dù bạn là bạn của một nam diễn viên hay nữ diễn viên, diễn viên nổi tiếng nhất thế giới. Nếu họ rất ích kỷ, dễ cáu giận nhưng ghen tỵ và cố chấp và hết thảy những điều này, bạn sẽ không thấy bình yên khi ở gần người này. Cuối cùng, mọi người đều thích một người tốt bụng, biết thông cảm, có lòng bi mẫn, thân ái, nếu anh ta ở đây vì bạn khi bạn sẵn sàng gặp mặt, thì bạn thích loại bạn bè này phải không?

Kết Luận.

Vậy nếu bạn trở thành một người như vậy, nếu bạn chuyển hóa trở thành một người bạn, một người tử tế, biết thông cảm, có lòng bi mẫn, thân ái, là người biết giúp đỡ người khác khi cần đến thì chính bạn thật sự là người thích hợp đối với ai đó, là người mà mọi người đều muốn.  Nếu bạn trở thành một người như vậy, thì chính bạn đã là người mà mọi người trên thế giới đều muốn làm bạn.

Vậy chừng nào người ta còn biết bạn, thì mọi người đều muốn làm bạn với bạn, cho dù đó có là vua hay hoàng hậu hay một kẻ ăn xin, một người nghèo. Vì thế tại sao bạn không cố gắng hết mình trở thành một người như vậy. Đó chính xác là những gì Đức Phật đã chỉ cho biết, là những gì Đức Phật đã thuyết “Sự chuyển hóa là điều con cần đến”.

Tôi muốn nói nếu bạn yêu thương chính bạn, thì bạn có thể chuyển hóa tình thương này, bạn có thể mở rộng tình thương này. Nếu bạn không yêu thương chính bạn, thì bạn chẳng thể nào mở rộng đến người khác. Nếu bạn không có lòng từ bi với chính bạn, bạn không thể nào mở rộng lòng từ bi này đến người khác. Nếu bạn thật sự có lòng từ bi đó với chính bạn, thì hãy cố gắng loại bỏ sự đau khổ, bạn cần bỏ đi các nguyên nhân khổ đau có thể đến từ các hành động tiêu cực, các hành động tiêu cực đến từ cảm xúc như sân giận. Vậy để loại bỏ cơn giận, bạn cần thực hành sự nhẫn nhịn, phương cách tu tập nhẫn nhịn là tám điểm này. Vì thế hãy bỏ ra hai phút bằng từ bi đối với chính mình và bằng sự yêu cầu đó.

Bài ghi chép từ pháp thoại của Lama Nawang Kunphel 

Nguồn
youtu.be/D3AfRp08kKs