Tuần 5: Hạn độ [định rõ] khởi tâm buông xả chân thật.
Hạn độ [định rõ] khởi tâm buông xả chân thật
[5] Khi tu theo cách như thế,
Thì, ngay cả một sát na, cũng không nảy sinh,
Sức hút đối với phồn vinh luân hồi,
Và ngày đêm tâm thường tìm cầu giải thoát,
Là lúc niệm buông xả chân thật sanh khởi.
Trước khi vào bài, chúng ta hãy bắt đầu chọn một động cơ đúng đắn.
Đây là một trong những giáo lý rất quan trọng do ngài Đại Lạt Ma Tsongkhapa trước tác – nội dung của nó là “Ba Yếu Tố Căn Bản” hay “ba điểm chính, quan trọng” để thực hành, để đạt đến sự giác ngộ. Giáo lý này là giáo lý Đại thừa và là một trong những giáo lý phổ biến của Đại thừa và Kim cương thừa, nên nó rất thâm sâu. Cùng với “Tám Thi Kệ Luyện Tâm”, bản văn này cũng rất quan trọng để quán chiếu trong cuộc sống hàng ngày như thế bạn có thể không chỉ hiểu rõ hơn về giáo lý này mà còn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong suy nghĩ và trong thực hành của bạn.
Trong giáo lý Đại thừa, điều rất quan trọng là phải áp dụng một động cơ đúng đắn. Hôm nay là Saga Dawa – tháng đặc biệt khi Đức Phật không chỉ nhập thai vào bà Mayadevi – mẹ của Đức Phật, mà Đức Phật còn phá tan kho trữ của Ma Vương ngay trong tháng này, Phật cũng thành đạo trong tháng này, Phật nhập Niết bàn cũng trong chính tháng này. Bên cạnh đó, Đức Phật cũng trở thành nhà sư trong tháng này.
Tháng này được coi là rất đặc biệt, nên bất kỳ công đức nào mà chúng ta tham gia vào (như tôi đã nói ở buổi học trước) sẽ được nhân lên thành hàng triệu lần. Vì vậy, có thể đi qua suốt được giáo lý Đại thừa như vậy – tinh túy của giáo lý, tinh túy của tất cả kinh điển – là một điều rất may mắn.
Chúng ta sẽ nói về đoạn thi kệ thứ 5 hôm nay. Lần trước chúng ta đã đi qua đoạn thi kệ thứ 4. Có thể chia làm 2 phần: phần thứ nhất là bạn không nên bám chấp vào những tài sản, đó có thể là quần áo, gia đình, danh vọng và tất cả những thứ cho mục đích của cuộc sống này. Vì vậy chúng ta không nên bám víu vào những thứ đó, chúng ta hãy cố gắng cho kiếp sau, cũng như hãy suy nghĩ và cố gắng để đạt được sự tái sinh cao hơn vào những kiếp sau.
Cho nên, chúng ta nên nghĩ theo cách là tất cả những thứ của cuộc sống này đều không đáng tin cậy và đồng thời, sự tái sinh quý giá làm người mà chúng ta có được là vô cùng hiếm. Mặc dù chúng ta đã có được sự tái sinh làm người quý giá với tám nhàn mãn và mười tự do như vậy, nhưng cuộc sống chúng ta có bây giờ rất mong manh ngắn ngủi và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, đồng thời, cái chết là chắc chắn. Giờ chết có thể là bất cứ lúc nào; và khi cái chết đến, thì chỉ thực hành mới có sự cứu giúp. Ngay cả gia đình, bạn bè, cha mẹ, con cái của bạn cũng không có giúp ích gì vào lúc chết. Gia đình mà bạn dành cả cuộc đời sẽ chẳng có giúp ích gì khi chúng ta lâm chung hoặc khi chúng ta tái sinh vào những kiếp sau.
Không chỉ vậy, mà những tài sản bạn có thể đã tích lũy cả đời, kể từ khi bạn rời trường đại học, tất cả của cải mà bạn hoặc cha mẹ, ông bà của bạn đã tích lũy sẽ chẳng có giúp ích gì được, tất cả những thứ này sẽ hoàn toàn vô dụng vào lúc chết, vì vậy những thứ này cũng sẽ chẳng có sự cứu giúp gì cả. Ngay cả cơ thể mà chúng ta đã nâng niu nhất, đã nuôi dưỡng hay làm nô lệ cả đời cũng sẽ chẳng có ích lợi gì vào lúc chết.
Điều duy nhất sẽ cứu giúp được vào lúc chết là sự thực hành Pháp. Nếu bạn có thực hành, thì đó là điều duy nhất sẽ giúp bạn vào lúc chết, và tái sinh tốt hơn vào kiếp sau. Của cải, các thành viên trong gia đình, thậm chí cơ thể của chính bạn cũng hoàn toàn vô dụng vào lúc chết. Vì vậy, dành cả mạng người quý giá này cho những điều đó thực sự không hợp lý. Cho nên, đó là lý do tại sao chúng ta nên ngừng lo lắng về cuộc sống này và những điều chỉ giới hạn trong cuộc sống này. Vì thế, chúng ta nên suy nghĩ và cố gắng cho kiếp sau là Pháp và thực hành Phật pháp.
Ngay cả khi sang kiếp sau, nếu bạn tái sinh trong sinh tử, luân hồi, dù bạn tái sinh làm người hay làm một chư Thiên, thì đau khổ vẫn còn đó, bạn sẽ tiếp tục đau khổ. Hãy nhìn vào những thứ trên thế giới, đặc biệt là trong thời kỳ Covid này, bạn có thể thấy là con người đang đau khổ, không chỉ súc vật và quỷ đói hay chúng sinh địa ngục mà chính con người đau khổ. Và nhiều trong số những người đang đau khổ lại tham gia vào những hành động tiêu cực vì những đau khổ của họ. Vì vậy, khi không có thái độ đúng đắn, người ta không biết thực hành pháp và mọi khả năng, khi họ gặp khó khăn, nhiều người dễ nổi nóng, mất hẳn kiên nhẫn trước tình huống. Vì vậy, mặc dù chúng ta tái sinh làm người, thì không có gì để phấn khích cả, trừ phi chúng ta thực hành Pháp. Nếu bạn tái sinh trong luân hồi, bản chất của đau khổ, thì đau khổ không bao giờ chấm dứt.
Đó là lý do tại sao chúng ta nên cố gắng đạt được “Sự Buông Xả Chân Thật”, hay nói cách khác, sự khẳng định thật sự, vì vậy, sự từ bỏ ở đây là mong muốn đạt được niết bàn. Chúng ta nên cố gắng hết sức để nuôi dưỡng ước muốn mạnh mẽ, ước muốn chân thật đạt được sự giải thoát – thoát khỏi luân hồi. Do đó, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến các kiếp sau, không nên chỉ nghĩ đến được sinh ra làm người hay làm chư Thiên ở kiếp sau, mà hãy cố gắng hết sức tu tập, để có thể đạt được sự giải thoát, chỉ còn là thời gian khi bạn thoát khỏi mọi đau khổ [phần thứ hai]. Khởi phát suy nghĩ như thế rất quan trọng qua việc nhìn thấy tiêu cực, qua việc nhìn thấy lỗi lầm, bản chất của đau khổ, chừng nào mà bạn còn sinh ra trong luân hồi.
Đó là điều chúng ta sẽ nói đến hôm nay. Vậy đây là đoạn thi kệ thứ 5 cho hôm nay:
Hạn độ [định rõ] khởi tâm buông xả chân thật
Sự Buông Xả là mong muốn đạt đến Niết Bàn.
1Khi tu theo cách như thế,
2Thì, ngay cả một sát na, cũng không nảy sinh,
3Sức hút đối với phồn vinh luân hồi,
4Và ngày đêm tâm thường tìm cầu giải thoát,
– Là lúc niệm buông xả chân thật sanh khởi.
1Khi tu theo cách như thế,
Giờ đây “cách như thế” có nghĩa là qua việc nhìn thấy sự chắc chắn của cái chết, và bằng cách nhìn thấy điều đó, thì sự tái sinh làm người quý giá mà chúng ta có ngay bây giờ – với tám nhàn mãn và mười tự do cực kỳ khó có được. Và, đồng thời, lúc nào chết là không chắc chắn và chỉ có Pháp mới giúp ích vào lúc chết. Vì vậy, chúng ta nên giảm bớt ham muốn nghĩ đến những thứ thuộc về (của cải và thân thể) của cuộc sống này. Không chỉ vậy, bằng cách suy nghĩ nhân quả, và cả những đau khổ của luân hồi, chúng ta nên luôn luôn rèn luyện bởi suy nghĩ đó, qua việc rèn luyện bản thân theo hai cách này: bằng cách nhìn thấy sự bất trắc của cuộc đời này cũng như nhân quả và khổ đau của luân hồi.
2Thì, ngay cả một sát na, cũng không nảy sinh,
3Sức hút đối với phồn vinh luân hồi,
Nó có nghĩa là, nếu sự bám víu hay sự lôi cuốn về sự hoàn hảo của luân hồi; – Trong luân hồi, tất nhiên, có rất nhiều điều tốt đẹp; nhưng ngay cả có nhiều điều tốt đẹp trong cõi luân hồi này, chẳng hạn như có những bông hoa đẹp đẽ và những thứ mà mắt bạn có thể trải nghiệm, mũi bạn ngửi mùi thơm, lưỡi bạn có thể nếm thức ăn ngon, bạn có thể nghe những bản nhạc hay, bạn có thể mặc vừa vặn nhiều bộ quần áo đẹp… cũng như rất nhiều thứ tuyệt vời, tốt đẹp, sự hoàn hảo của luân hồi trong cõi sinh tử này – nếu bạn không bị lôi cuốn đối với những điều tốt đẹp đó của luân hồi dù chỉ trong một giây; đồng thời, nếu bạn có ý định này, nếu bạn mong muốn tìm kiếm sự giải thoát khỏi luân hồi, không chỉ trong ngày, không chỉ khi bạn gặp khó khăn; nhưng nếu bạn có mong muốn đạt được giải thoát này, không chỉ ban ngày mà ngay cả ban đêm; nếu bạn có mong muốn mọi lúc, ngay cả khi bạn nhìn thấy những điều tốt đẹp của luân hồi, nhưng bạn vẫn muốn thoát ra khỏi sinh tử; sự mong muốn mãnh liệt cả ngày lẫn đêm không hề ngơi nghỉ, thì bạn có thể nói, đây là lúc bạn đã đạt được ý nghĩ “buông xả chân thật” duy nhất khi bạn có thể nói rằng “tôi đã đạt được sự buông xả chân thật”.
Vậy, để tôi nói cho thật đơn giản. Sự buông xả chân thật là khi bạn không thấy luân hồi là một điều tốt đẹp, khi bạn thấy rằng ngay cả niềm vui thích của luân hôi cũng là một thứ cần phải loại bỏ, ngay cả hạnh phúc trong luân hồi cũng là một bản chất của đau khổ. Bản chất của đau khổ giống như khi bạn rất khát, bạn đi và bạn uống nước biển, giả sử, bạn rất khát, nhưng thứ bạn nhận được là ‘nước biển’. Cho nên, hạnh phúc của chúng ta chính xác là như vậy. nước biển là thứ mà bạn càng uống, bạn sẽ càng khát, vì nó mặn, bạn sẽ không bao giờ làm dịu cơn khát với nước biển. Vì vậy, những điều thú vị trong luân hồi (những thứ thú vị để ăn, nhìn, nghe, nếm…), tất cả những điều này chính xác đếu là như vậy – là thứ nước biển. Do đó, ham muốn của chúng ta tăng lên, tăng lên, tăng lên và đạt đến mức độ mà chúng ta phóng đại hoàn cảnh và sau đó ham muốn mãnh liệt đến nỗi không gì có thể dập tắt được cơn khát đó hoặc mong muốn đó. Bạn có thể cảm thấy thoải mái trong một khoảng thời gian rất ngắn, giống như khi đứa trẻ cần thứ gì đó lớn hơn và rồi bạn dụ chúng bằng một thứ gì đó hay ho, giống như bạn sẽ có một kỳ thi vào ngày mai và nếu bạn không đậu, bạn có thể đau khổ trong cả năm.
Một trong những Đại Sư Nalanda nói rằng, “Hạnh phúc của luân hồi giống như thưởng thức thêm một viên kẹo khi đó là thời gian để học cho kỳ thi ngày mai”. Đúng vậy, thưởng thức một chiếc kẹo không kéo dài lâu, không mất nhiều thời gian để đi tìm nhà hàng và thưởng thức một bữa tối ngon miệng. Nhưng khi bạn có kỳ thi vào ngày mai và khi bạn ở trong tình huống bạn có thể rớt kỳ thi bất cứ lúc nào, thì ngay cả việc ăn một bữa tối ngon miệng tại nhà hàng cũng trở thành một trở ngại ngăn bạn không đạt được những gì mà bạn nghĩ đáng lẽ phải đạt được.Hạnh phúc trong luân hồi chính xác là như vậy. Khi bạn có một khoảng thời gian rất vui vẻ, bạn thực sự lãng phí sự tái sinh làm người quý giá mà bạn có thể thực hành và đạt được sự giải thoát không chỉ cho chính mình, mà còn là một cơ hội khi bạn có thể cố gắng và thực hành và bạn có thể có được và mang lại hạnh phúc cho chính mình và cũng như cho lợi ích của tất cả chúng sinh. Vì vậy, đó là một cơ hội tuyệt vời! Giống như cõi Dục giới của những vị chư Thiên đó, họ rất hạnh phúc, họ tận hưởng, mọi thứ đều khá tốt đẹp, cho nên họ không bao giờ nghĩ đến việc thực hành Pháp. Nhiều người trong số họ dành cả cuộc đời để hưởng thụ, hưởng thụ rồi sau một thời gian, họ cạn kiệt hết công đức của mình; nên khi họ chết, họ thường sinh ra trong địa ngục.
Một số thanh thiếu niên hoặc người lớn cũng vậy, khi họ có một số tiền, họ đi và tiêu sạch và không biết ngày mai, giống hệt như các vị chư Thiên – họ tiêu hết công đức của mình. Vì vậy, khi những đứa trẻ đó hết sạch những gì chúng có, thì ngày mai chúng trở thành một kẻ ăn xin, chúng phải ăn thức ăn rất rẻ, trong khi hôm qua chúng đã ăn những món xa xỉ năm sao. Đó là một vấn đề. Có ích lợi gì khi có một món ăn xa xỉ năm sao trong khi ngày mai bạn phải ăn một món ăn rất bẩn? Vậy, bạn có ích lợi gì khi hòa mình vào thú vui của cuộc sống này, khi nó có thể dẫn bạn đến một điều gì đó tồi tệ hơn rất nhiều trong kiếp sau? Chúng ta thực sự không biết.
Vì vậy, tận hưởng quá nhiều cũng là một trở ngại, bởi vì nếu bạn không cẩn thận, nó có thể đánh lừa bạn, nó có thể trở thành một loại ảo tưởng trong bạn rằng điều này là vĩnh viễn. Vì vậy, khi bạn bắt đầu cảm thấy rằng điều này là mãi mãi, bởi vì trong thâm tâm của chúng ta, khi tận hưởng, chúng ta giống như xem nó là một sự vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao khi bữa tiệc kết thúc bạn không vui, bởi vì trong thâm tâm bạn mong đợi điều này sẽ tồn tại lâu dài. Thông thường, bạn có một cuộc sống rất bình thường, bạn đang thật hài lòng với cuộc sống của mình, thì đột nhiên bạn có một bữa tiệc kéo dài một tiếng đồng hồ, bạn có thể thưởng thức trong suốt thời gian bữa tiệc. Giờ đây, hạnh phúc suốt bữa tiệc trong một giờ, nếu nó khiến không thoải mái, nếu nó khiến khó chịu trong 24 giờ còn lại, vậy bữa tiệc trong một giờ không có ý nghĩa gì cả! Đối với tôi thực sự là điều gì đó không đáng mong muốn.
Tôi không chống lại hạnh phúc. Đúng vậy, chúng tôi xứng đáng được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó phải là thứ lâu dài. Nếu hạnh phúc đó không phải là thứ lâu dài, thì bạn lấy một thước đo là, nếu bạn có thể hạnh phúc trong mười phút, nhưng mười phút này khiến bạn bất hạnh trong hai giờ, thì tôi nghĩ không đáng để cố gắng đạt được hạnh phúc trong 10 phút đó bởi vì điều này dẫn đến bất hạnh trong vài giờ.
Vì vậy, điều rất quan trọng, ngay cả khi bạn đang ở trong mối quan hệ bạn bè với một người, bạn cần phải kiểm tra cẩn thận xem việc kết bạn với người đó có làm tăng hay đẩy bạn đến chỗ tiêu cực hay làm tăng những cảm xúc tiêu cực hay làm tăng những vấn đề đó ở trong bạn khiến bạn không hài lòng. Vậy thì đó không phải là một người bạn mà bạn nên ở bên cạnh hay bạn nên ở gần. Người bạn đó bạn nên coi là một người bạn xấu, vì ở bên người bạn đó sẽ làm bạn trở nên giận dữ, ghen tị, đố kỵ, cố chấp, tham lam… Do đó, bạn nên cố gắng ở gần một người bạn giúp bạn tăng trưởng phẩm chất bên trong của bạn như tình yêu thương, lòng từ bi, sự thấu hiểu, hoan hỉ với phẩm chất tốt đẹp của người khác, hài lòng trong cuộc sống, thực hành và thiền định… là người bạn mà bạn nên hướng tới, để người bạn đó giúp bạn trở thành một người tốt hơn, giúp bạn trở thành một người tốt bụng và từ bi. Đó là điều mà bạn có thể xem là niềm hạnh phúc lâu dài.
Nhưng, ngày nay, trong thế giới vật chất này, mọi người đều tìm hạnh phúc từ những hiện tượng bên ngoài, như, nếu tôi có chiếc xe Lamborghini, có thể tôi sẽ có được hạnh phúc; cái xe này và cái xe kia, hoặc một tòa nhà đẹp đẽ, hoặc một nơi chốn tốt đẹp, người bạn đời dễ chịu, nghề nghiệp tốt, tôi sẽ giàu có… Mọi người mong đợi hạnh phúc từ những điều đó và đó là lý do tại sao nhiều người giàu có, ngay cả khi họ rất giàu nhưng họ không hạnh phúc trong cuộc sống của họ. Lý do tại sao họ không hạnh phúc là bởi vì họ không tìm hạnh phúc ở nơi hạnh phúc thực sự đến. Họ cố gắng tìm kiếm hạnh phúc ở những thứ vật chất bên ngoài, trong khi hạnh phúc không nằm ở những thứ vật chất bên ngoài. Hạnh phúc là thứ mà bạn có thể tạo ra từ tâm thức của mình. Vì vậy, thay vì cố gắng tìm hạnh phúc từ tâm của mình, họ cố gắng tìm hạnh phúc từ những hiện tượng bên ngoài, nơi mà hạnh phúc không tồn tại, đó không phải là nhân thực sự của hạnh phúc. Nếu bạn hài lòng với chiếc Lamborghini, thì bạn có thể đạt được hạnh phúc ở đó, nhưng chiếc Lamborghini không phải là nguyên nhân chính; nó chỉ là một điều kiện, và điều kiện không cần phải là Lamborghini. Nếu bạn hài lòng là nguyên nhân thực sự, nếu bạn hài lòng, bạn có thể tìm thấy hạnh phúc tương tự với một chiếc xe đạp.
Có những người cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn với chiếc xe đạp so với nhiều người có chiếc Lamborghini, điều đó cho thấy rằng đó không phải là những thứ vật chất ở ngoài kia, đó là cách bạn nghĩ, cho dù bạn có toại nguyện, cho dù bạn có hài lòng hay không. Nếu bạn hài lòng với chiếc Lamborghini, thì đó là hạnh phúc. Nếu bạn hài lòng với chỉ hai chân của mình, đó là hạnh phúc. Những người chỉ có chân giả thì hạnh phúc hoặc mãn nguyện, hài lòng nhiều hơn so với người có Lamborghini. Hãy nhìn chúng ta xem, chúng ta có đôi chân tốt hơn những người có chân giả, những người có chân giả họ có thể hạnh phúc hơn một số người có Lamborghini, thì chúng ta phải hạnh phúc hơn nhiều so với những người có chân giả. Nhưng tình huống là chúng ta không hài lòng, không toại nguyện với những gì chúng ta có – một đôi chân khỏe mạnh, chúng ta có thể đứng và đi bất cứ nơi nào chúng ta muốn trên đôi chân đó.
Sự hài lòng đó cần phải qua sự thực hành chủ ý, bởi vì chúng ta đã quá quen với hoặc được rèn luyện về sự không hài lòng, chúng ta không bao giờ hài lòng với mọi thứ. Vì vậy, để đạt được sự toại nguyện đó, chúng ta cần rèn luyện tâm của mình qua thiền tập. Chúng ta cần rèn luyện tâm với tình yêu thương, lòng từ bi, tính nhẫn nhịn; kế đó những lời dạy của Đức Phật. Đó là chỉ khi bạn có thể đạt được một sự hài lòng hoàn toàn với bất kỳ thứ gì bạn có.
4Và ngày đêm tâm thường tìm cầu giải thoát,
– Là lúc niệm buông xả chân thật sanh khởi.
Qua việc nhìn thấy những thứ thế gian hoặc những thứ trong luân hồi là không đáng tin cậy, thì cách duy nhất để đạt được hạnh phúc là khi bạn thoát khỏi tất cả những cảm xúc tiêu cực. Bởi vì chỉ cần bạn có lòng tham, thì dù cho bạn làm gì, thì sự bất mãn vẫn luôn ở đó, bạn không bao giờ hài lòng. Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu bạn có lòng tham hoặc sự giận dữ, ghen tị và đố kỵ trong bạn.
Vì vậy, sự giải thoát hay Niết bàn là sự vắng lặng của tất cả những cảm xúc tiêu cực. Bạn nên cố gắng hết sức, bạn nên có một mong muốn mạnh mẽ, cả ngày lẫn đêm, để đạt được trạng thái tâm thoát khỏi mọi cảm xúc tiêu cực được gọi là Niết bàn hay thoát khỏi đau khổ. Nếu bạn có suy nghĩ đó liên tục cả ngày lẫn đêm, đồng thời bạn thấy rằng tất cả những thứ ngoài kia bao gồm cả những cảm xúc tiêu cực này là thứ cần phải từ bỏ, đó là lúc mà bạn thực sự đạt được sự buông xả chân thật hay sự ước muốn đạt được sự giải thoát. Điều đó rất quan trọng bởi vì nếu chúng ta không có sự mong muốn đó, thì rất khó có được Tâm Bồ Đề. Nếu không có Tâm Bồ Đề, thì không có cách nào bạn có thể trở thành Phật.
Vì vậy, một lần nữa, một mình trí tuệ thôi là không đủ, bạn nên có trí tuệ cùng với Tâm Bồ Đề, cùng với sự buông xả. Như tôi đã nói lần trước, trí tuệ mà không có Tâm Bồ Đề, không có lòng từ bi, không có sự buông xả, như con chim có một cánh, chẳng thể vươn tới đâu được, hoặc đôi khi, có thể còn gây tổn hại, có thể ngăn cản chúng ta đạt được giác ngộ. Ngược lại, chỉ bởi lòng từ bi thôi, nếu chúng ta lại không có trí tuệ nữa, thì cũng chính xác giống như con chim có một cánh, chúng ta không thể vươn tới đâu được.
Hiện nay, đang là Saga Dawa, có rất nhiều người đang thực hành việc phóng sanh. Họ mua cá và chim sau đó thả chúng. Tôi thực sự đánh giá cao lòng từ bi của họ, thực sự ngưỡng mộ việc làm của họ. Nhưng, nếu họ không sử dụng trí tuệ, thì điều đó có thể khó khăn. Có thể trong tháng này, những con chim đó đang ở trong thời kỳ khủng khiếp, bởi vì người ta bắt chúng – thả chúng, bắt chúng – thả chúng, bắt chúng – thả chúng. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một nhóm người đến và túm lấy bạn, ném bạn vào nhà tù một lúc, và sau đó có người đến và thả bạn ra; và sau đó có ai đến và bỏ bạn vào nhà tù rồi ai đó lại đến để trả tự do cho bạn? Nếu nó xảy ra mười lần, hai mươi lần một tháng, bạn sẽ cảm thấy gì? Người ta đến bắt bạn vì có người muốn thả ra!
Ở Tây Tạng, người ta rất ít ăn cá, đặc biệt là ở một số vùng của Tây Tạng, thường tôi nghe nói họ không ăn cá. Nhưng bây giờ, ý tưởng ‘phóng sanh’ xuất hiện trong đầu họ. Trước đây, không ai ăn cá, hoặc hiếm người ăn cá, vì vậy không có ai đi bắt cá, không có ai muốn ăn cá. Nhưng hiện nay, những luồng gió khác biệt từ đâu thổi đến như một ý tưởng phóng sanh, có nhiều người đi bắt cá. Họ nhập khẩu cá từ Trung Quốc, để họ có thể thả chúng vào một chỗ có nước nào đó, và có những người đang đánh bắt cá ở Tây Tạng. Thật đáng buồn, bởi vì trước đây con cá thực sự được tự do, không ai có thể làm bất cứ vấn đề gì. Bây giờ vì có một số người có nguyện vọng thả nên người ta bắt chúng. Vì vậy, thay vì giúp đỡ, chúng ta lại làm hại chúng! Và hậu quả là nhiều loài cá đến từ Trung Quốc, khi chúng được thả xuống sông và hồ ở Tây Tạng, nước và bầu không khí hoàn toàn khác biệt (giống như bạn bắt một con gấu trúc, rồi thả nó ở châu Phi), vì thế chúng chết rất nhiều ở đó, nhiều con trở thành thức ăn cho các loài cá khác sống ở đó. Đây chính xác là những gì đang xảy ra! Đôi khi giống như việc bạn tỏ ra hào phóng và sau đó bạn lại đưa dao cho những kẻ giết động vật đó, bạn gọi đó là gì? Người giết mổ? Giống như bạn đang đưa dao cho người giết mổ sẽ giết các con vật. Bạn có thể nghĩ rằng bạn thực sự rất tử tế đối với việc làm đó, bạn đang bố thí mọi thứ, nói chung là bạn đang thực hành sự bố thí, nhưng rồi những gì bạn đang làm là đưa dao cho những người đang giết các con vật theo đúng nghĩa đen!
Vậy, vấn đề là gì? Đó là lý do tại sao nó rất quan trọng, và ngay cả khi bạn có một trí tuệ tuyệt vời, trí thông minh và mọi thứ; nhưng khi bạn không có lòng từ bi, như tôi đã nói trong một buổi học của chúng ta, khi một người bắt đầu tạo ra, có thể, một số loại vi rút. Bộ não tuyệt vời của con người, trí tuệ tuyệt vời, khả năng nhìn thấy điều gì đúng và điều gì sai, có thể ảnh hưởng như thế nào, có thể gây hại như thế nào, có thể có lợi như thế nào. Nhưng khi họ không có lòng từ bi, họ sử dụng bộ não đó một cách sai lầm, rồi họ bắt đầu tạo ra bom hạt nhân, hoặc một loại vi rút như vậy. Có một số người tin rằng Covid-19 đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm, nếu đó là sự thật, thì đó chỉ đơn giản là vì thiếu lòng từ bi, hàng ngàn và hàng ngàn người đã chết bởi vì bộ não kỳ diệu đó đã tạo ra. Tốt hơn hết là sống cuộc sống của một con chó, nó không làm hại gì nhiều. Vậy, ý nghĩa có được thân người đắt giá là gì? Ý nghĩa bộ não tuyệt vời của con người là gì? Giống như bạn có một viên đá kim cương, nhưng bạn đang dùng nó để đập vào đầu ai đó. Giống như bạn có các kỹ năng tuyệt vời để tạo ra một loại thuốc trị bệnh, nhưng bạn đang sử dụng những kỹ năng như vậy để tạo ra một loại thuốc độc. Điều đó xảy ra khi một người thiếu lòng từ bi. Điều đó chính xác có thể xảy ra khi một người thiếu trí tuệ.
Cho nên, đi cùng với trí tuệ phải có một mục tiêu hoàn hảo là rất quan trọng. Vậy giờ mục tiêu ở đây là, nếu bạn có trí tuệ, bạn cũng nên có ước muốn, phần mục tiêu, có thể là lòng từ bi, có thể là mong muốn thoát khỏi đau khổ, mong muốn loại bỏ tất cả những cảm xúc tiêu cực và đạt được giải thoát. Sự giải thoát không là gì cả, ngoài sự vắng lặng các cảm xúc tiêu cực, trạng thái vắng lặng khi bạn loại bỏ tất cả những cảm xúc tiêu cực, nó được gọi là sự giải thoát. Và ước muốn giải thoát đó được gọi là ‘buông xả’ và là chân thật khi bạn có ước muốn đó mãnh liệt ngày và đêm. Khi bạn có được điều đó, bạn sẽ bước vào con đường đến giác ngộ và bạn không bao giờ thoái lui, bạn không bao giờ xấu đi và bạn trở nên tốt hơn và ngày càng gần hơn với giác ngộ hay sự giải thoát. /.
Trả lời câu hỏi:
1) Có quan niệm là: Không có gì phải buông bỏ vì Luân hồi và Niết bàn là như nhau. Thỉnh thoảng, khi chúng ta (các hành giả đang tu tập) ở trong trạng thái vui vẻ thuần tịnh, giống như hòa mình vào thiên nhiên, chúng ta dường như cảm thấy điều đó là thật (không có sự tách biệt giữa Luân hồi / Niết bàn). Làm sao chúng ta biết được điều chúng ta nghĩ không phải là một mánh khóe khác của bản ngã?
Đúng vậy, có một số mức độ hạnh phúc mà bạn có thể đạt được trong cuộc sống này. Như tôi đã nói, nếu bạn bắt đầu cảm thấy những điều này, thì đây giống như một sự phân tâm để đạt được điều gì đó lớn lao hơn. Một số bậc cha mẹ, khi họ không muốn cho đứa trẻ thứ gì đó lớn hơn, cha mẹ thử cho đứa trẻ thêm kẹo để đánh lạc hướng sự chú ý của đứa trẻ. Vì thế, Luân hồi và Niết bàn cũng chính xác như vậy. Nhưng Niết bàn không phải là một nơi chốn, đó là một trạng thái của tâm khi tâm thoát khỏi mọi cảm xúc tiêu cực, hoàn toàn tự do (diệt trừ hoàn toàn), trạng thái đó được gọi là Niết bàn. Luân hồi là tất cả năm uẩn của chúng ta, thân thể của chúng ta, tâm thức của chúng ta … đây là luân hồi. Chừng nào chúng ta còn có luân hồi, thì không có yên bình. Chúng ta có một cơ thể như vậy luôn gây ra các vấn đề, chúng ta chăm sóc nó, cuối cùng, nó làm gì? Nó mang lại nỗi khổ. Chúng ta làm hết sức mình cho bản thân rồi nó làm gì? Đó chính là tâm của chúng ta: giận dữ, ghen tị, đố kỵ, bản ngã, kiêu căng, tham lam. Không có gì ngoài kia mang lại cho chúng ta niềm đau, nếu những điều này không có ở đó.
Nhiều người đã cố làm tổn thương Đức Phật, nhưng Đức Phật không bị tổn thương. Bởi vì nếu bạn không có những cảm xúc đó, nếu bạn không có cái tôi, nếu bạn có tình yêu thương đối với người khác, thì dù người khác có nói gì cũng không thành vấn đề. Ví dụ, nếu bạn không có kỳ vọng như vậy, nếu bạn biết ai đó bị điên và người đó nói những lời lẽ không hay với bạn rằng bạn bị điên, bạn sẽ không bị tổn thương. Nhưng nếu bạn của bạn nói rằng bạn bị điên, thì có thể gây tổn thương rất nhiều. Vì vậy, không phải là mọi người đã nói với bạn những gì, mà đó là bạn! Bạn không mong đợi điều đó từ bạn của mình, vì vậy mà khiến bạn đau lòng. Với một người điên, bạn không mong đợi điều gì tốt đẹp từ anh ta, do đó bất cứ điều gì anh ta nói đều không quan trọng với bạn. Chính xác đối với Đức Phật cũng vậy, cho dù họ cố thể hiện xấu xa ra sao, cho dù người ta nói xấu Đức Phật thế nào, họ cố chống lại Đức Phật, họ cố giết Đức Phật… nhưng Đức Phật luôn có tình thương và lòng từ bi đối với họ, và Đức Phật đã không bị tổn thương vì những điều đó. Vì vậy, nó không ở ngoài đó, nó là bạn, nó ở trong bạn.Chừng nào mà bạn còn có tâm thức đó, chừng nào mà bạn có cái thân bất tịnh này, bạn không thể tránh khỏi đau khổ. Giống như những lúc khó khăn, hay đau đớn, bệnh tật và cái chết, điều gì đó mà người ta phải trải qua, chỉ cần bạn có thân và tâm này, thì bạn phải trải qua hết những điều đó, trừ khi bạn đạt được giác ngộ, trừ khi bạn đạt được Niết bàn.
Vì vậy, Luân hồi và Niết bàn hoàn toàn là hai mặt khác nhau. Một số cảm giác tốt đẹp hay một cảm giác hạnh phúc nào đó không phải là Niết bàn. Khi bạn có một khoảng thời gian vui vẻ, giống như phần nước trong vắt ở phía trên; Khi không có gì xảy ra, khi không có nhiều chuyển động, bụi đất sẽ đi xuống phía dưới của ly, vì vậy bụi nằm ở đáy ly, và bạn có thể nhìn thấy nước trong suốt ở phía trên; đó không có nghĩa là bạn không có những hạt bụi đó bên trong, những hạt bụi vẫn ở đó. Vì vậy, Niết bàn có nghĩa là nước hoàn toàn vắng lặng, hoàn toàn tách khỏi bụi đất. Bây giờ, bạn có thể thấy rất trong ở phía trên – bạn không tức giận, “À, tôi đang có một khoảng thời gian vui vẻ”, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, phần nước trong hoặc một loại Niết bàn – một trạng thái hạnh phúc, nhưng hãy nhớ, lúc đó, nếu có ai tới ném đá vào bạn, giống hệt như bạn ném một hòn đá vào mặt nước đó, bụi đất ở phía dưới bắt đầu nổi lên và làm đảo lộn cả nước lên, giống hệt như khi ai đó ném đá vào bạn, thì bạn tức giận, bạn biến đi đâu? Không còn bình yên nữa. Không còn hạnh phúc nữa. Đó là lý do tại sao Luân hồi và Niết bàn hoàn toàn khác nhau, chỉ là hai mặt đối lập nhau, một bên có đau khổ, một bên không đau khổ; một bên có cảm xúc tiêu cực, một bên không có cảm xúc tiêu cực.
2) Thưa thầy, có lẽ không có nhiều người đi vào con đường Phật quả, trong khi có rất nhiều đám đông trên con đường dẫn đến lạc thú của kiếp này hoặc kiếp sau. Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể thấy tham vọng của họ ngày càng gia tăng và gây ra những rắc rối trên thế giới hiện nay.
Vâng, điều đó rất đúng. Đây là một lý do tại sao mọi người vẫn ở trong Luân hồi. Do đó chúng ta đã và đang làm những điều không đúng đắn, quan niệm sai lầm, nhận thức sai trái; cho nên, chúng ta lại sinh trở lại vào luân hồi, nếu không, chúng ta đã có thể là con của Phật từ lâu. Nhưng nên nghĩ rằng chúng ta còn rất may mắn khi có được những lời dạy này của Đức Phật, có niềm tin đối với giáo pháp này, và có khả năng kiểm tra xem những lời dạy đó có chân thật hay không.
Vì vậy, qua hiểu được những điều đó, chúng ta hãy nỗ lực để tu tập, chúng ta không thể nào ép buộc người khác, thậm chí nghĩ đến những điều như vậy. Chúng ta thực hành và sau đó cố gắng thể hiện nhiều nhất có thể, để những người khác cũng có thể hạnh phúc. Nếu bạn không thực hành, không có cách nào bạn có thể chia sẻ cho người khác. Để thực hành, trước tiên bạn cần phải hiểu biết để bạn biết được bạn cần thực hành những gì.
Khi Đức Phật thành đạo, ngài đã đợi trong 49 ngày. Trong 49 ngày đó, Đức Phật không giảng dạy gì cả, bởi vì Đức Phật biết đây không phù hợp với số bốn môn đồ, không ai thích hợp, không ai sẵn sàng. Rồi sau 49 ngày, Đức Phật thấy rằng bây giờ có năm môn đồ đã sẵn sàng. Vì vậy, ngài đã giảng dạy cho năm đệ tử này, năm đệ tử này chia sẻ cho người khác, rồi người khác, rồi người khác nữa. Các giáo pháp đã giảng dạy cho năm môn đồ giờ đây là năm triệu người, càng có nhiều người biết đến những lời dạy đó.
Do vậy, một người; tôi biết, tôi là một người. Tôi đã nhận được những lời dạy đó từ người thầy của tôi. Từ một người này, nó lên năm, mười người; sau đó từ mười người có thể đi đến nhiều người hơn trong tương lai, rồi, một ngày nào đó chúng ta có thể vươn ra tới toàn thế giới. Vì mỗi cây đều góp phần ngăn cuộc khủng hoảng liên quan đến hiện tượng ấm lên toàn cầu, mỗi cây bị chặt đều góp phần kéo dài thảm họa do trái đất nóng lên, mỗi cây mà chúng ta đốn hạ là một điều kiện, là một nguyên nhân của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Vì vậy, mỗi sự vật riêng lẻ đều quan trọng, ví dụ, nếu tôi chết, con người trên thế giới này sẽ ít hơn. Luôn luôn có sự ra đời của con người nhưng nếu tôi chết đi, bớt đi một, cái vô hạn trừ đi một cũng vẫn là vô hạn nhưng nó sẽ ít hơn, một triệu trừ đi một thì không còn là một triệu nữa. Vì vậy một người thay đổi, thế giới trở nên tốt đẹp hơn; nếu hai người trở nên tốt hơn vào ngày mai, thì thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn. Nếu một người trở thành tên khủng bố vào ngày mai, thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn ngày hôm qua. Vì vậy, mỗi và mọi người trong các bạn thực hiện điều đó, các bạn đều biết đến Phật pháp, nếu các bạn biết những gì chúng ta đã đi qua ngày hôm nay, tôi thật vô cùng hạnh phúc. /.
Bài ghi từ buổi Pháp Thoại của thầy Nawang Kunphel ngày 18/05/2021